• Zalo

Tốc độ Internet Việt Nam tăng 5 bậc, xếp thứ 59 trên thế giới

Khám pháChủ Nhật, 14/06/2020 07:08:37 +07:00 Google News

Tốc độ Internet băng thông rộng của Việt Nam trong tháng 4 xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với tháng 3, theo thống kê của Ookla.

Cụ thể, tốc độ Internet băng thông rộng của Việt Nam theo Ookla, đơn vị sở hữu công cụ đo tốc độ Internet Speedtest.net là 47,66 Mbps, thấp hơn mức trung bình thế giới (74,74 Mbps).

Trên thế giới, tốc độ Internet băng thông rộng của Việt Nam đứng thứ 59, tăng 5 hạng so với tháng 3 (tốc độ 44,95 Mbps). So với tháng 4/2019, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 14 bậc, khi ấy tốc độ Internet chỉ đạt 27,63 Mbps.

Singapore là nước có tốc độ Internet băng thông rộng nhanh nhất thế giới, đạt 198,46 Mbps. Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia có tốc độ cao hơn Việt Nam, lần lượt 159,87 Mbps (thứ 3 thế giới) và 79,87 Mbps (thứ 38 thế giới). Philippines hay Indonesia có tốc độ Internet khá thấp, chỉ đạt 21 Mbps (thứ 110 thế giới) và 19,15 Mbps (thứ 116 thế giới).

Còn với tốc độ Internet di động, Việt Nam giảm một bậc xuống 49 thế giới với tốc độ 34,8 Mbps, nhanh thứ 2 Đông Nam Á chỉ sau Singapore với tốc độ 53,86 Mbps (thứ 13 thế giới) và cũng cao hơn mức trung bình thế giới (30,89 Mbps).

Tốc độ Internet Việt Nam tăng 5 bậc, xếp thứ 59 trên thế giới - 1

Tốc độ truy cập Internet di động và băng thông rộng tại Việt Nam tháng 4/2020. (Ảnh: Ookla)

Trong tháng 4, một số nhà mạng Việt Nam đã tăng cường băng thông cho các gói Internet, giá không đổi để nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc online tại nhà trong khoảng thời gian cách ly xã hội do dịch Covid-19.

Dù vậy, nhiều người dùng vẫn phản ánh tình trạng tốc độ Internet chậm, không ổn định khi truy cập giờ cao điểm hoặc các dịch vụ quốc tế như YouTube, Facebook hay Netflix.

Cũng từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều tuyến cáp quang biển liên tiếp gặp sự cố khiến việc truy cập Internet quốc tế bị ảnh hưởng.

Ngày 2/4, sự cố đứt cáp AAG đã xảy ra tại đoạn S1 thuộc nhánh cáp Việt Nam kết nối đi Hong Kong khiến toàn bộ lưu lượng qua hướng này bị mất. Sự cố đã được khắc phục vào ngày 21/4.

Đến ngày 14/5, tuyến cáp AAG tiếp tục bị đứt, nguyên nhân do lỗi cáp trên nhánh S1H, đoạn kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 107,7 km.

Theo lịch dự kiến, tuyến cáp này được sửa từ ngày 28/5 và hoàn thành ngày 2/6, nhưng trong quá trình sửa chữa lại phát hiện điểm đứt mới khiến thời gian sửa bị lùi lại.

Trong khi tuyến cáp AAG chưa được sửa, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway - APG đã gặp sự cố vào sáng 23/5 trên đoạn S1.7 gây mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến. AAG và APG đều là những tuyến cáp quan trọng trong tổng dung lượng Internet Việt Nam.

Sau khi tuyến cáp quang AAG được sửa xong vào đầu tháng 6, tới lượt tuyến Asia Africa Europe 1 (AAE-1) gặp vấn đề vào ngày 3/6 trên nhanh S1H hướng kết nối đi Hong Kong.

Tuyến cáp AAE-1 được đưa vào khai thác từ tháng 7/2017, nhằm nâng cao chất lượng hướng châu Âu và Trung Đông, bổ sung dung lượng tới hướng kết nối đi Hong Kong và Singapore. Đến ngày 7/6, tuyến cáp này đã được sửa xong.

Với việc cáp AAG và AAE-1 được sửa xong, hiện chỉ còn tuyến cáp biển APG đang gặp sự cố. Để khôi phục hoàn toàn, các đối tác sẽ phải khắc phục sự cố trên cả 2 nhánh cáp S1.7 và S9 (bị lỗi từ ngày 30/4, hướng kết nối đi Singapore).

Theo thông báo ban đầu, tuyến cáp APG sẽ được sửa xong vào ngày 11/6, nhưng lịch sửa đã bị dời do tàu sửa cáp phải xin giấy phép vào vùng biển Malaysia để tìm điểm đứt cáp, thời gian xin giấy phép có thể mất 2-3 tuần.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn