Ngày 3/2 (tức 22 tháng Chạp), Chợ Bến Thành (Quận 1) vẫn đìu hiu, vắng khách dù chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2021.
Trả lời PV VTC News, tiểu thương Lê Thị Hồng Thu cho hay, thu nhập chủ yếu của chị là nhờ bán đồ lưu niệm cho khách du lịch nước ngoài, còn những ngày giáp Tết thì bán ly tách mới cho người dân thành phố.
Theo chị Thu, những năm trước khi chưa có COVID-19, cứ tới gần Tết các gian hàng lại nhộn nhịp, khách ra vào nườm nượp. Thời điểm đó, mỗi ngày cửa hàng của chị tiếp khoảng 40 lượt khách. Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng Chạp khách đặt hàng liên tục, trung bình một ngày chị bán cho các nhà hàng, khách sạn từ 20-30 bộ ấm chén, chén dĩa.
Nhưng từ khi COVID-19 bùng phát trở lại, cả ngày cửa hàng chị không có khách nào ghé hỏi mua, đơn đặt hàng chủ yếu là khách quen.
"Dịch bệnh thế này chợ ế lắm em ơi. Khách du lịch ít, người dân lại hạn chế ra đường. Những năm còn có khách tây, năm nay chẳng có ai ... sáng giờ chị vẫn chưa mở hàng", chị Thu nói.
Cùng cảnh ngộ, chị Ngọc Lan (tiểu thương bán bánh kẹo, mứt) ở chợ Bến Thành cho hay, tiểu thương cả năm buôn bán trông vào mấy ngày Tết. Những năm trước người mua bánh kẹo, mứt hàng năm rất đông, bán không ngơi tay, nhưng năm nay vì dịch bệnh nên bán ế.
"Bán bánh kẹo ở chợ này cả năm trông vào mấy ngày Tết thôi, những năm tới Tết ông Công, ông Táo là người mua đông lắm rồi, năm nay không có khách mua, bán chẳng có lời em ạ", chị Lan chia sẻ.
Chợ đầu mối hoa Hồ Thị Kỷ (Quận 10) khá hơn chợ Bến Thành, khách ghé mua khá đông do nhu cầu hoa tươi ngày Tết rất lớn. Tuy nhiên, theo một số hộ kinh doanh hoa ở chợ này cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở Hải Dương, Quảng Ninh thì sức mua hoa giảm, nguồn hoa từ Bắc chuyển vào chậm lại, nhiều chuyến hàng không về kịp.
Anh Lê Công, chủ một của hàng tại chợ cho hay, gia đình anh bán hoa tươi lấy từ chợ Gò Vấp, nhập từ Đà Lạt và ngoài Bắc.
"Thời điểm này những năm trước chợ đông hơn, năm nay dịch bệnh hoa đào ngoài Bắc không kịp chuyển vào, giá một số loại hoa như ly, tú cầu ngày thường bán 70-250 nghìn đồng/bó, năm nay có loại giảm xuống 50 nghìn đồng/bó nhưng tôi vẫn lo ế, Tết này chắc thất thu", anh Công nói.
Khác những chợ đầu mối trên, tại chợ Soái Kình Lâm (Quận 5) - chợ vải lớn nhất TP.HCM, những ngày tiểu thương kinh doanh ở chợ vẫn tất bật lo cho vụ Tết. Những cuộn vải liên tục vận chuyển đi cho kịp các nơi đặt mua, may áo dài, khăn trải bàn, rèm cửa…
Anh Tùng, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp vải may áo dài tại chợ cho biết, gần Tết đơn đặt hàng nhiều hơn, phần lớn các tiểu thương ở chợ này bán buôn nên hầu như không ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những cửa hàng bán lẻ thì có giảm đôi chút vì khách vắng hơn do người dân hạn chế ra đường và du lịch.
“Tôi chỉ lo là không vận chuyển đi được mấy đơn hàng ngoài Bắc, dịch ngoài đó dữ quá, cấm xe cộ thì hàng khó đi, mấy ngày nữa là Tết rồi cũng hơi lo ứ hàng lại”, anh Tùng nói.
Bình luận