• Zalo

Tiết lộ lý do Vinaxuki xin vay tiền mua lại nợ xấu từ VAMC

Kinh tếThứ Tư, 11/10/2017 14:49:00 +07:00 Google News

Trước bối cảnh Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki) đã phải rao bán nhà máy vì thua lỗ, Bộ Tài chính cho rằng, đề nghị của công ty này về việc vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại khoản nợ xấu từ VAMC là không có cơ sở để thực hiện.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 13361 trả lời kiến nghị của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên  Vinaxuki (Vinaxuki) về việc vay vốn ngân hàng để mua lại các khoản nợ xấu của Vinaxuki.

Theo đại diện Bộ Tài chính, Công ty Vinaxuki đã có văn bản gửi Chính phủ báo cáo về dự án nội địa hóa xe ô tô dưới 9 chỗ có nêu ra một số kiến nghị, đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp để phát triển các dòng xe ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao. Công ty Vinaxuki cũng đề nghị được vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại khoản nợ xấu mà các ngân hàng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

“Tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước không có quy định về việc vay vốn tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại khoản nợ xấu mà ngân hàng thương mại đã bán cho các tổ chức khác. Do đó, đề nghị vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại khoản nợ xấu của Vinaxuki là không có cơ sở để thực hiện”, đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Vinaxuki xin vay tiền mua lại nợ xấu từ VAMC - ảnh 1

Ông Bùi Ngọc Huyên bên giấc mơ dang dở. 

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch của Công ty ô tô Vinaxuki cho hay hiện công ty đang nợ ngân hàng hàng 60 triệu USD. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, công ty được vay hơn 2.700 tỷ đồng nhưng thực tế công ty đã bị ngân hàng cắt vốn từ năm 2013.

Theo ông Huyên, hiện ông vẫn nuôi hy vọng sẽ vay ở đâu đó được 30 triệu USD để trả tiền nợ xấu của ngân hàng, để lấy nhà máy về và tiếp tục nuôi giấc mơ sản xuất ô tô Việt, phục hồi lại những chiếc xe mà ông đã dày công thực hiện. Trong trường hợp có tiền, chỉ sau 6 tháng, Vinaxuki sẽ cho ra mắt dòng xe mới ngay.

Câu chuyện ông Bùi Ngọc Huyên từ chỗ là một đại gia với vốn liếng cả ngàn tỷ đồng nhưng sau khi dồn tâm sức và bắt tay thực hiện giấc mơ về chiếc xe “Made in Viet Nam” bị thua lỗ và sau đó buộc phải khẩn cấp rao bán nhà máy vốn đầu tư 1.650 tỷ đồng ở  Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ ngân hàng hồi giữa năm 2015 dấy lên nhiều tranh cãi về việc phát triển ngành công nghiệp ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao ở Việt Nam.

Từ năm 2011, Vinaxuki đã nội địa hóa được 6 dòng xe. Trong đó có 3 dòng xe tải có nội địa hóa trên 40%. Ba xe con thuộc dự án xe “Made in Viet Nam” của Vinaxuki nếu không bị ngân hàng cắt vốn thì đã có thể xuất xưởng và đưa ra thị trường với tỷ lệ nội địa hóa 50% vào năm 2012.

Ông Huyên đã phải bán toàn bộ nhà cửa lấy 200 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng. Tính đến tháng 9/ 2016, Vinaxuki vẫn đang nợ ngân hàng 1.400 tỷ trong nhà máy rao bán mãi nhưng vẫn chưa có người mua.

Trao đổi với PV xung quanh việc thực hiện nội địa hóa xe ô tô dưới 9 chỗ, ông Huyên cho rằng, cần phải thẳng thắn thừa nhận việc DN Việt Nam đến thời điểm này chưa nội địa hóa mạnh. Với chính sách hiện nay thì sản xuất phụ tùng đối với DN không có lợi. Nếu muốn khuyến khích trong nước phát triển, phải đánh thuế nhập khẩu phụ tùng như cách Trung Quốc đang làm 30 đến 40%, cao gấp đôi mức Việt Nam đang áp dụng.

“Sản xuất xe con để có tỉ lệ nội địa hóa cao là rất tốn tiền. Anh lắp ráp không được coi là cơ khí trọng điểm. Sản xuất phụ tùng cả của xe con và xe tải phải được đưa vào cơ khí trọng điểm. Với dân số lớn thứ 15 trên thế giới, Việt Nam nên có công nghiệp ô tô.

Nếu không có nghĩa bỏ cho nước khác nhảy vào khai thác”, ông Huyên nói và cho rằng việc Nhà nước đánh thuế TTĐB dựa trên giá bán thời gian qua đã không khuyến khích các DN đầu tư đẩy mạnh sản xuất linh kiện trong nước. Bởi lẽ, các DN sẽ ưu tiên lắp ráp để bán xe, thuế TTĐB cao thì họ càng thu được nhiều.

Video: Vinfast tối ưu hóa quy trình nhằm xuất xưởng ô tô sau 24 tháng xây nhà máy

Theo ông Huyên, để đầu tư sản xuất ô tô, cần có vốn, đội ngũ kỹ sư, đội ngũ quản lý và công nhân có kỹ năng,... nhưng tất cả vẫn phụ thuộc vào chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính, ngân hàng.

Vinaxuki đầu tư nhiều mà không nhận được sự ưu đãi, hỗ trợ, như các chính sách đã ban hành, dẫn đến khó khăn. Để sản xuất ô tô, DN chỉ có thể bỏ ra 50-60% số vốn, còn lại phải vay ngân hàng. Tiền cho việc nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia lắp đặt, chế thử cũng chiếm từ 20-30% tổng chi phí của dự án.

Sau khi ra sản phẩm, phải thực hiện chiến lược marketing từ 1-5 năm mới bán được hàng. Song các ngân hàng thương mại, trước năm 2012 chỉ cho vay vốn ngắn hạn. Chính phủ dù đồng ý cho vay ưu đãi thì mãi không giải ngân được.

Với các nước khác, khi đầu tư vào ô tô thường được vay vốn ưu đãi lãi suất từ 2-3%/năm thời gian kéo dài 20 năm và vay tới 100 triệu USD. Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam được Chính phủ phê duyệt đã hai lần, lần nào cũng nói khuyến khích phát triển, DN đầu tư được hưởng ưu đãi lớn, nhưng đến nay các DN ô tô không nhận được ưu đãi nào.

“Tôi sản xuất 40 loại xe, loại 40% nội địa hóa chỉ ở 1 – 2 model. Tôi đặt ra chương trình nội địa hóa theo cách mời kỹ sư Nhật thiết kế rồi chuyển giao, mời kỹ sư Thụy Điển hiện đại hóa xưởng lắp ráp… Doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm này thật sự cũng chưa nội địa hóa mạnh. Chỉ có tôi là “thằng dở hơi” mới nội địa hóa nhiều, mới đầu tư từ khâu thiết kế”, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HÐQT Công ty Vinaxuki.

(Nguồn: Tiền Phong)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn