• Zalo

Tiếp tục đề xuất nghiên cứu cơ chế huy động vàng, USD trong dân

Kinh tếThứ Hai, 03/07/2017 16:00:00 +07:00Google News

Đề xuất này được Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đặt ra với lãnh đạo Chính phủ tại phiên họp mới đây, bên cạnh đó là kiến nghị xem xét giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để giảm chi phí giá vốn cho doanh nghiệp.

Theo kiến nghị được các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đưa ra tại phiên họp quý II/2017 diễn ra mới đây, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh; xem xét giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để giảm chi phí giá vốn cho doanh nghiệp,…

Ý tưởng huy động vàng trong dân từng gây nhiều tranh luận trong giới chuyên gia kinh tế hồi giữa năm 2016 khi Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) trình kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và NHNN việc huy động 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân; mở lại tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất nữ vàng trang; giảm thuế xuất khẩu vàng nữ trang về 0%; lập Sở giao dịch vàng.

huy-dong-vang-1499048971113

Ý tưởng huy động vàng trong dân đang nhận được những quan điểm trái chiều. (Ảnh minh họa) 

Thời điểm đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, đây là một ý tưởng tuyệt vời. Theo đó, nên hiểu đây giống như phát hành trái phiếu huy động bằng vàng thay vì bằng tiền đồng hay ngoại tệ.

Còn chuyên gia Cấn Văn Lực cũng nhận xét, thay vì lập sàn vàng, NHNN có thể nghiên cứu phát hành chứng chỉ vàng. Điều này sẽ tăng tính thanh khoản của vàng, thay vì nằm chết trong góc tủ của người dân.

Tuy nhiên, tại báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, nhóm chuyên gia này lại cho rằng, ý tưởng huy động vàng trong nền kinh tế đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường, và nếu thực hiện, sẽ thu hẹp không gian chính sách khi bất ổn vĩ mô xảy ra.

Về dài hạn, theo VEPR, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế đang bắt đầu có hiệu lực trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Nhóm này cho rằng NHNN cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (như USD) ra khỏi lưu thông, và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản.

Tính toán điều chỉnh giá điện hợp lý, ở thời điểm phù hợp

Trở lại với cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, số liệu đưa ra tại cuộc họp cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, lạm phát được kiểm soát, tiệm cận về mục tiêu của cả năm 2017 (4,15% so với chỉ tiêu 4% vào hết năm) đúng theo kế hoạch điều hành của Ban chỉ đạo điều hành giá.

Thu ngân sách đạt khá, nhập khẩu tăng cao, chủ yếu là hàng hóa, máy móc phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, tăng trưởng hai quý đầu năm tăng khá với mức 5,73% trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 5,65%. GDP của quý II cũng tăng mạnh so với quý I/2017 (6,13% so với 5,15%).

Vào đầu năm 2017, trước áp lực lạm phát tăng và cán cân xuất nhập khẩu chuyển sang nhập siêu đã dẫn đến sức ép tăng lãi suất và tăng tỷ giá, NHNN đã sử dụng đồng bộ các chính sách tiền tệ thông qua thị trường mở, kết hợp điều hành lãi suất, tỷ giá giúp thị trường tiền tệ ổn định, phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69%; thanh khoản của hệ thống ngân hàng bảo đảm, tín dụng tăng hơn so với các năm trước ở mức 7,98% đã hỗ trợ cho việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Nguồn vốn tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng phục vụ người nghèo. Tín dụng phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đã chậm lại so với năm 2016 và giữa các tháng trong nửa đầu năm 2017. Lãi suất tiếp tục được duy trì tương đối ổn định.

Các thành viên Hội đồng cũng dự báo các rủi ro, bất định của kinh tế thế giới, xu hướng thay đổi các dòng vốn thương mại sang hướng bảo hộ, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU giảm cũng sẽ tác động tới kinh tế trong nước. 

Còn ở trong nước, lạm phát có thể kiểm soát được ở mức bình quân 4% nên có thể tính toán tới việc giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng.

Video: Bộ Công Thương đề xuất 3 tháng thay đổi giá điện một lần

Tuy nhiên, Hội đồng lưu ý Chính phủ về giải ngân vốn FDI không bằng các năm trước là vấn đề cần khắc phục; xem xét lại cách tính lạm phát bình quân; tính toán điều chỉnh giá điện hợp lý, ở thời điểm phù hợp và thúc đẩy được đầu tư vào lĩnh vực điện năng.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến kinh tế vĩ mô. Sắp tới vẫn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa tại doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với đẩy nhanh lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ công.

Chính phủ cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn và củng cố công cụ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển logistics và tạo thuận lợi thương mại gắn với phòng chống gian lận thương mại; tiếp tục khai thác các tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… để bảo đảm tăng trưởng bền vững và lâu dài.

(Nguồn: Dân Trí)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận