Sáng 15/3, các học sinh lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội bước vào môn thi Ngữ Văn - môn đầu tiên trong đợt thi thử THPT quốc gia 2018.
Đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm), hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút.
Trong phần làm văn, gồm câu nghị luận xã hội (2 điểm) yêu cầu trình bày suy nghĩ về cách để mỗi người có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự.
Câu nghị luận văn học (5 điểm) yêu cầu trình bày cảm nhận về khát vọng tình yêu tuổi trẻ ở các đoạn thơ.
Dưới đây là gợi ý giải đề thi Ngữ văn do Tiến sĩ văn học Phạm Hữu Cường đưa ra để học sinh tham khảo:
I. Đọc hiểu:
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là phương thức nghị luận.
2. Những thái độ của con người đối với công việc được tác giả chỉ ra trong đoạn trích là: làm việc cật lực, khổ sở vì làm việc, không phải vì họ thích làm việc (không thích làm việc), phải làm việc, tìm cách chạy trốn. Biểu hiện thể hiện thái độ tích cực là: làm việc cật lực.
3. Tác giả muốn nói “họ tìm cách chạy trốn” khỏi công việc và “tất cả những nhọc nhằn bất mãn”.
4. Đồng tình với ý kiến: “Mặt khác, nếu bạn hành động chỉ vì lợi ích của hành động đó, mà không mong chờ phần thưởng, bạn sẽ thấy rằng, bạn vui thích với mỗi hành động bạn thực hiện”.
Bởi vì, phần thưởng không được như mong muốn sẽ khiến người ta thất vọng. Nên nếu hành động mà không mong chờ phần thưởng, người ta sẽ nhận thức được sâu sắc và chính xác hơn về ý nghĩa và giá trị của bản thân hành động, nên sẽ thích thú hơn. Khi hành động chỉ vì lợi ích của hành động đó, người ta sẽ không có những toan tính vụ lợi và tìm thấy niềm vui ngay trong công việc mà mình trải nghiệm.
II. Làm văn:
Câu 1: Thí sinh cần trình bày suy nghĩ về cách để mỗi người có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự trong khoảng 200 chữ.
Sau đây là một số gợi ý:
Cuộc sống vốn rất ngắn ngủi, nên để có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự, mỗi người cần sống cho hiện tại và làm những gì mà mình quan tâm nhất.
Cuộc sống vốn rất mong manh, nên để có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự, mỗi người cũng cần phải biết trân trọng những gì mình đang có: ngôi nhà ấm cúng, gia đình yêu thương, người bạn chân thành, công việc ổn định…
Để có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự cũng cần có tiền bạc. Mặc dù chúng ta luôn nói "tiền bạc không mua được hạnh phúc", nhưng những người có vận may lớn về tiền bạc sẽ hạnh phúc hơn.
Trong cuộc sống có một số thứ mà chúng ta không thể khắc phục được, vì vậy thay vì cố gắng sửa chữa những điều sai lầm đã mắc phải, cần học cách từ bỏ và chấp nhận.
Sống là chính mình, sống theo cách bạn cho là đúng, nhưng phải tôn trọng người khác, tôn trọng chính bản thân mình.
Có một số điều trong cuộc sống này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng cũng có nhiều điều mà chúng ta có thể kiểm soát. Và nếu bạn muốn tận hưởng tối đa cuộc sống thì nên nỗ lực để hiểu phần nào cuộc sống của mình và kiểm soát được mọi việc.
Người biết tận hưởng cuộc sống cũng là người luôn biết sống vì nhân dân, đất nước và dân tộc của mình.
Câu 2: Thí sinh cần cảm nhận khát vọng tình yêu của tuổi trẻ ở 2 đoạn thơ trích từ Vội vàng của Xuân Diệu và Sóng của Xuân Quỳnh; sau đó chỉ ra nét tương đồng và sự khác biệt giữa 2 đoạn thơ, của 2 tác giả trong việc thể hiện khát vọng tình yêu của tuổi trẻ. Bài viết không giới hạn độ dài.
Sau đây là một số gợi ý:
1. Vài nét về tác giả và tác phẩm:
a. Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), cũng là cây bút có sức sáng tạo mãnh liệt, dồi dào, bền bỉ, có đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực đối với nền Văn học Việt nam hiện đại.
"Vội vàng" được rút từ tập Thơ Thơ (1938) của Xuân Diệu. Nếu "Thơ duyên" là niềm khát khao “để tâm hồn ràng buộc bởi muôn dây”, "Đây mùa thu tới" là những rung động bồng bột tinh vi trước thời điểm chuyển mùa thì "Vội vàng" là cuộc chạy đua với thời gian và quan niệm sống tích cực, tiến bộ của Xuân Diệu.
b. Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ với nhiều tập thơ có giá trị lâu bền như Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974)… Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm, nhiều âu lo và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.
Bài thơ "Sóng" được sáng tác cuối năm 1967, tại cửa biển Diêm Điền (Thái Bình), khi Xuân Quỳnh đã trải qua những đau đớn, mất mát trong tình yêu, in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).
2. Cảm nhận khát vọng tình yêu của tuổi trẻ ở 2 đoạn thơ:
a. Khát vọng tình yêu của tuổi trẻ trong đoạn thơ Vội vàng của Xuân Diệu: được thể hiện chủ yếu qua khát vọng chống lại thời gian trôi chảy: Khát vọng tình yêu của tuổi trẻ trong đoạn thơ.
Tăng tốc độ sống, chạy đua với thời gian: “Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm”. Nhà thơ hối hả cất lên lời giục giã chính mình, giục giã mọi người hãy tăng tốc độ sống, hãy sống nhanh, sống gấp để tận hưởng từng giây phút ngắn ngủi của cuộc đời, tận hưởng thời gian tươi đẹp của tuổi trẻ, của mùa xuân ngay khi những vẻ đẹp ấy chưa ngả về chiều, chưa bị tàn phai.
Tăng tốc độ sống chưa đủ, Xuân Diệu còn thúc giục chính mình tăng cường độ sống, phát huy mọi giác quan để tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc đời:
Điệp khúc “Ta muốn” ở cuối bài thơ khiến khát vọng cá nhân chủ quan của nhà thơ được bộc lộ ngày càng mạnh mẽ, mãnh liệt, càng dồn dập, thiết tha.
Bằng nghệ thuật liệt kê, điệp từ, lặp cấu trúc và nhất là các động từ mạnh, được sắp xếp theo trình tự tăng dần về cường độ như: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “hôn”, “cắn”… Xuân Diệu đã bộc lộ hàng loạt tư thế và động tác chỉ sự hưởng thụ. Nhà thơ như muốn tận hưởng cuộc sống bằng mọi giác quan, bằng toàn cơ thể:
“Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn. Sống toàn thân và thức nhọn giác quan".
Nhờ nghệ thuật liệt kê, lời thơ gợi ra vô vàn những vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên mùa xuân mà cũng là hiện thân cụ thể cho những vẻ đẹp của cuộc đời, như “mây đưa”, “gió lượn”, “cánh bướm”, “tình yêu”, “non nước”, “mùi thơm”, “ánh sáng”, “thanh sắc”… Nhà thơ muốn tận hưởng tất cả, không muốn bỏ sót bất kì một vẻ đẹp nào của cuộc đời, của mùa xuân và sự sống.
Dù đã tận hưởng đến mức độ cao nhất, đầy đủ nhất, đến mức độ “no nê”, “chếnh choáng”, “đã đầy” nhưng cái tôi của Xuân Diệu vẫn không nguôi thèm khát. Vì vậy, hồn thơ ấy đã bồng bột thốt lên: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”. Với Xuân Diệu, “hôn”, “riết’, “say”, “thâu”… chưa đủ, cần phải “cắn” nữa. Đó là khát vọng cá nhân của một hồn thơ khát khao ham sống, luôn cuống quýt, vồ vập trước sự sống, luôn khao khát:
“Bấu răng vào da thịt cuộc đời, Ngoạm sự sống để làm êm đói khát".
b. Khát vọng tình yêu của tuổi trẻ trong đoạn thơ Sóng của Xuân Quỳnh được thể hiện qua: Niềm tin mãnh liệt vào khả năng “tới bờ” của sóng; vào bản thân, vào sức mạnh của một tình yêu lớn:
Yêu tha thiết, say đắm, chân thành nhưng Xuân Quỳnh vẫn luôn tỉnh táo khi nhận thấy đại dương, biển đời và tình yêu luôn có nhiều khó khăn, xa cách, có “muôn vời cách trở”.
Người phụ nữ này luôn vững tin vào một tình yêu lớn, như tin những con sóng nhỏ nhất định sẽ đến được với bờ xa, dù phải trải qua muôn vời cách trở.
"Ở ngoài kia đại dương/ Trăm nghìn con sóng đó/ Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời cách trở".
- Những suy tư xa rộng về thời gian, về năm tháng, về quy luật vĩnh hằng của tình yêu: Sau những lớp sóng đan xen tới lui không dứt, biển lặng dần đi nhường chỗ cho những suy tư xa rộng về thời gian, về năm tháng, về quy luật vĩnh hằng của tình yêu.
"Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua/ Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa".
Xuân Quỳnh mượn quy luật tự nhiên (sóng biển, mây trời) để nhấn mạnh quy luật tình yêu → Luôn tin tình yêu có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời. Đó là một tình yêu sánh ngang với những quy luật vĩnh hằng, muôn thuở của thiên nhiên → trở nên rất lớn lao, cao cả, vĩnh hằng.
Niềm khát khao được sống vĩnh viễn trong tình yêu, bằng tình yêu và cùng với tình yêu. Giống như một con sóng đã giã từ dòng sông nhỏ hẹp để tìm ra biển lớn, người phụ nữ này khát khao được hóa thân thành những con sóng nhỏ giữa “biển lớn tình yêu” để muôn đời được vỗ mãi vào bờ:
"Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ"
Niềm khát khao được sống vĩnh viễn trong tình yêu, bằng tình yêu và cùng với tình yêu. Đó cũng là niềm khát khao hòa nhập tình yêu cá nhân riêng tư vào trong tình yêu chung rộng lớn → Khát vọng tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ lớn lao, cao cả, chứ không nhỏ hẹp, tầm thường. Gợi nhớ tâm nguyện của Thanh Hải ở cuối bài thơ Mùa xuân nho nhỏ: Ta nhập vào hoà ca/ Một nốt trầm xao xuyến.
“Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở” - GS.TS Trần Đăng Suyền.
Lưu ý:Trên đây là gợi ý giải đề của TS Phạm Hữu Cường chỉ dùng để tham khảo. Kết quả bài thi của thí sinh sẽ do từng cách chấm của giáo viên từng hội đồng thi, từng điểm thi.
Video: Đề thi THPT năm 2017 được bảo mật ra sao?
Bình luận