• Zalo

Tiền ảo Luna sụp đổ: Bài học nhớ đời cho nhà đầu tư mạo hiểm

Tài chínhThứ Năm, 19/05/2022 06:12:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Chuyên gia kinh tế cho rằng cú sập tiền ảo Luna là bài học đắt giá cho nhà đầu tư mạo hiểm, chạy theo phong trào, biết rủi ro nhưng vẫn lao vào vì ham lợi nhuận lớn.

Cuối ngày 18/5 (giờ Việt Nam), trên sàn Coindesk, giá mỗi tiền ảo Luna (tiền điện tử của Terra) giao dịch ở mức 0,000119 USD. Mức giá xuống thấp không tưởng của Luna đang đẩy cộng đồng tiền mã hóa vào cảnh hỗn loạn và nhiều nhà đầu tư trắng tay.

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính nhận xét: “Luna sụp đổ có thể được coi là một trong những sự kiện chấn động của thị trường tiền ảo. Không ai có thể nghĩ một tiền ảo đang từ mức giá hơn 100 USD lại giảm xuống khu vực 0,0001 USD. Làm một phép tính đơn giản, nếu như trước đây nhà đầu tư bỏ 1 tỷ mua Luna thì nay chỉ thu về 1.000 đồng”.

Tiền ảo Luna sụp đổ: Bài học nhớ đời cho nhà đầu tư mạo hiểm - 1

So với đỉnh 120 USD vào ngày 5/4, tiền mã hóa Luna đã giảm giá hơn 100 triệu lần. (Ảnh: Coin Quora) 

Vẫn theo ông Long, đa phần các nhà đầu tư tiền ảo thường đi theo phong trào, biết có rủi ro nhưng vẫn xuống tiền vì ham lợi nhuận lớn. Nhưng vụ sụp đổ Luna đã cho thấy tiền ảo vẫn chỉ là một xu hướng và đầu tư vào tiền ảo quá rủi ro.

“Sự sụp đổ của Luna không chỉ khiến nhà đầu tư thiệt hại hàng tỷ USD mà còn khiến niềm tin vào tiền ảo lung lay. Từ khi ra đời, các tiền ảo được quảng cáo là nơi an toàn, nơi lưu trữ giá trị hấp dẫn, có khả năng chống lạm phát...Nhưng sự sụp đổ của Luna đã làm lung lay giả định đó, khiến các nhà đầu tư lo sợ rằng không có bất kỳ nơi nào là an toàn trên thị trường tiền ảo”, ông Long nói thêm.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng vụ sụp đổ của Luna đặt ra nhiều câu hỏi về tính ổn định của các tài sản tiền ảo. Theo chuyên gia, tiền ảo, không được chính phủ các nước công nhận (hiện mới chỉ có El Salvador chấp nhận), giá trị của tài sản này lên xuống vẫn phụ thuộc vào cung cầu và sự tín nhiệm của thị trường.

“Giá các tiền ảo này phụ thuộc vào niềm tin của nhà đầu tư. Nếu nhiều người tin, giao dịch lớn thì giá tiền ảo sẽ tăng vù vù. Ngược lại, nếu không có ai đầu tư thì giá có thể về 0. Trong khi đó, chính phủ của các quốc gia không thể can thiệp để đảm bảo giá trị của các tiền ảo đó”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tuy vậy ông Thịnh cho rằng sau vụ sụp đổ Luna, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tiền ảo bị lung lay nhưng chắc chắn nó vẫn còn tồn tại. Vì thực tế, đầu tư rủi ro kích thích sự năng động sáng tạo, lòng hiếu thắng của con người và mong muốn đầu tư. “Đầu tư bao giờ cũng có rủi ro. Nhiều khi càng rủi ro càng có khả năng thu lợi nhuận lớn, càng kích thích những nhà đầu tư ưa hiểm lao đầu vào”, ông Thịnh nói thêm.

Có nên “bắt đáy” Luna?

Ông Thịnh cho rằng nhà đầu tư nên cân nhắc bởi Luna cũng như các loại tiền ảo khác không có ai đứng ra để đảm bảo. Việc đầu tư do đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.

Trước đó, giới đầu tư tiền ảo bàng hoàng khi Luna lao dốc không phanh, mất gần hết giá trị. Theo các nhà giao dịch chuyên nghiệp, chất xúc tác dẫn đến đà lao dốc là do hàng loạt đợt rút tiền lớn khỏi Anchor Protocol, một dạng ngân hàng tiền số được Terraform thành lập. Những nền tảng như vậy được các nhà đầu tư sử dụng để thu lời bằng cách cho vay tiền số. Tính đến đầu tháng 5, giới đầu tư đã đổ lượng tiền Luna tương đương hơn 14 tỷ USD vào Anchor. Phần lớn nguồn cung stablecoin cũng nằm trên nền tảng này.

Lượng giao dịch lớn trên Anchor khiến thuật toán cân bằng giữa UST và Luna biến động mạnh, gây tình trạng de-peg đối với UST. De-peg là thuật ngữ nói về việc một token không còn giữ được tỷ giá đã thiết lập cố định trước đó trên một loại tiền tệ.

Khi UST bị de-peg, người chơi vẫn chuyển đổi UST về Luna theo đúng thuật toán cân bằng để giảm nguồn cung. Dù vậy, lượng chuyển UST tăng đột biến kéo theo đồng Luna bị hạ giá mạnh. Kết quả là UST không còn duy trì mức 1 USD/đồng còn Luna cũng bị sập giá.

Trên thực tế, cú sập của Luna từng được Kevin Zhou, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Galois Capital cảnh báo từ nhiều tháng trước. Vào thời điểm Luna phát triển như vũ bão, Zhou dự đoán dự án này sẽ kết thúc một cách tồi tệ đồng thời cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng.

Không mấy người tin vào các cảnh báo của Zhou lúc bấy giờ và hiện đang phải hối hận. Giới chuyên gia cho rằng thảm họa Luna đang khiến niềm tin vào tiền điện tử của các nhà quản lý và người dùng bị xói mòn. "Sự cố nghiêm trọng này có thể rút cạn niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường tiền điện tử trong ngắn hạn", cây viết Soumyarendra Barik của Indian Express nhận định.

Barik cũng lưu ý, sự sụp đổ của stablecoin này cũng khiến nhà quản lý và các chính quyền kêu gọi thực thi luật chặt chẽ hơn nhằm quản lý các dự án tiền số. "Những loại tiền số như stablecoin đang phát triển nhanh chóng và có những rủi ro đối với sự ổn định tài chính", Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho hay.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn