• Zalo

Tỉa chân hương cuối năm vào ngày nào?

Gia đìnhThứ Ba, 07/01/2025 14:42:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bên cạnh việc mua sắm Tết và lau dọn nhà cửa, tỉa chân hương cũng là việc cần làm trong tháng Chạp; nên tỉa chân hương vào ngày nào?

Tuy nhiên sau một năm cúng bái, số lượng chân hương tích lại nhiều khiến bát hương đầy lên, chật chội nên khó cắm hương mới. Bát hương quá đầy tạo cảm giác rườm rà, bừa bộn không đúng với yêu cầu gọn gàng, sạch sẽ ở không gian thờ cúng. Theo quan niệm phong thủy, bàn thờ là nơi tụ khí lớn nhất trong gia đình, có ảnh hưởng quan trọng đối với đời sống của gia chủ, tình trạng quá nhiều chân hương sẽ làm giảm vận may và sự hanh thông.

Vì vậy, các gia đình thường coi tỉa chân hương cuối năm là một trong những công việc quan trọng để chuẩn bị đón năm mới.

Nên tỉa chân hương cuối năm vào ngày nào? 

Thông thường, sau khi thực hiện xong lễ cúng tiễn ông Công ông Táo lên chầu Trời, các gia đình sẽ cúng thần linh để xin phép bắt đầu tỉa chân hương. Nghi lễ này có thể thực hiện từ ngày 23 đến 30 tháng Chạp, tùy vào thói quen và điều kiện của mỗi gia đình. Phần lớn các gia đình kết hợp rút tỉa chân hương cùng dịp lễ cúng ông Công ông Táo, tuy nhiên các gia đình trẻ hoặc có công việc bận rộn thì có thể dọn bàn thờ và rút tỉa chân hương vào ngày 29 hay 30 tháng Chạp.

Năm 2025 có một số ngày đẹp thích hợp để thực hiện lễ tỉa chân hương và lau dọn bàn thờ gồm 18, 19, 20, 22, 25 và 26. Những khung giờ tốt để tiến hành việc này là từ 8h đến 11h55 hoặc từ 13h đến 17h55. Gia chủ cần tránh thực hiện nghi thức này vào lúc 12h hoặc 18h.

Văn khấn tỉa chân hương cuối năm

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con xin tấu lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con xin tấu lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.

Con xin tấu lạy Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Thổ thần, Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Con xin tấu lạy các cụ tổ tiên nội – ngoại, chư vị tiên linh.

Tín chủ con là... trú tại...

Hôm nay là ngày… tháng… năm…, tín chủ con tự xét thấy bản thân mình chưa được chu toàn nên để ám hương có chút bụi bẩn, có chút chưa được thanh tịnh, xanh yên. 

Tín chủ con kính cáo với các chư vị gia tiên chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay, xin cho phép tín chủ chúng con được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm nhất, kính mong chư vị chứng giám và gia hộ. 

Mong các vị tạm ẩn tạm lánh, độ cho chúng con lau dọn được khang trang mỹ hảo cho hương án được an chính vị, cho phần âm được an yên, cho gia cư được lạc thổ, cho cung tài không động, cung lộc không hao, xin chư vị gia tiên phù hộ. 

Tín chủ con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành, nếu có bất cứ điều gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Trình tự lau dọn bàn thờ và tỉa chân hương

Để việc lau dọn và tỉa chân hương cuối năm trên bàn thờ diễn ra suôn sẻ và đúng cách, gia chủ cần thực hiện theo các bước sau: 

- Chuẩn bị dụng cụ và lễ vật gồm: Khăn sạch, chổi nhỏ, nước sạch hoặc nước ngũ vị hương (nước đun từ lá bưởi, quế, hồi...); hương, đèn, trái cây hoặc lễ vật nhỏ để xin phép trước khi dọn dẹp.

- Thắp hương xin phép: Thắp một nén hương, kính cẩn khấn xin phép tổ tiên và thần linh cho phép được dọn dẹp bàn thờ. Điều này thể hiện sự tôn trọng và tránh làm xáo trộn sự yên bình nơi thờ tự.

- Lau dọn bàn thờ: Sử dụng khăn sạch thấm nước ngũ vị hương để lau bát hương, bài vị, chân nến và các vật phẩm thờ cúng khác. Tuyệt đối không dùng nước lạnh hoặc các loại hóa chất tẩy rửa mạnh vì có thể làm mất đi sự linh thiêng. Cẩn thận lau sạch bụi bẩn trên bàn thờ, đồ thờ cúng, tránh làm xê dịch bát hương.

- Tỉa chân hương: Rút chân nhang nhẹ nhàng, giữ lại một số lượng lẻ (3, 5, 7 chân nhang) trong bát hương.

Chân nhang đã rút nên được đốt cháy và mang tro đi rải ở sông suối hoặc nơi sạch sẽ.

- Sắp xếp lại bàn thờ: Sắp xếp lại bát hương, bài vị và đồ thờ cúng một cách ngay ngắn. Nếu cần thay trái cây, hãy chọn loại tươi mới, thơm ngọt để tăng thêm sinh khí cho bàn thờ.

Lưu ý khi dọn bàn thờ và tỉa chân hương cuối năm: Khi dọn dẹp, gia chủ cần mặc trang phục chỉnh tề, lịch sự kín đáo để tỏ lòng thành kính. Hạn chế xê dịch bát hương vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt tâm linh. 

Khánh An
Bình luận
vtcnews.vn