• Zalo

Thượng đỉnh hòa bình Thụy Sỹ không thể cô lập Nga

Thời sự quốc tế Thứ Sáu, 14/06/2024 18:07:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc Nga không được mời đến thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sỹ có thể khiến hội nghị diễn ra không thành công và cũng không thể cô lập Moskva.

Theo Reuters, nhiều nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối tuần này sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sỹ. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ đưa ra được giải pháp chấm dứt cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngại thành công của hội nghị khi Nga - một trong hai bên tham chiến không được mời đến Thụy Sỹ.

Dự kiến, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo Đức, Italia, Anh, Canada và Nhật Bản sẽ tham dự hội nghị từ ngày 15/6 đến 16/6 tại khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Buergenstock.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp mặt các binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện tại một căn cứ quân sự Đức hôm 11/6. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp mặt các binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện tại một căn cứ quân sự Đức hôm 11/6. (Ảnh: Reuters)

Các quốc gia được cho là "thân thiện" với Nga như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cũng cử phái đoàn đến hội nghị. Thế nhưng sự vắng mặt của Trung Quốc tại Thụy Sỹ lại được xem là thất bại của Ukraine trong việc gia tăng sức ép lên Moskva.

Trước thềm hội nghị, Tổng thống Zelensky cũng đã có chuyến công du đến Ả Rập Xê-út nhằm thúc đẩy sự tham gia của Thái tử Mohammed bin Salman. Tuy nhiên phía Riyadh chưa đưa ra tuyên bố chính thức về việc có cử đoàn đến Buergenstock hay không.

Phát biểu về hội nghị, Tổng thống Zelensky cho rằng đoàn kết các quốc gia là đối tác và không phải đối tác là một nhiệm vụ khó khăn đối với Ukraine.

Theo chuyên gia chính trị Ulrich Schmid thuộc Đại học St.Gallen ở Thụy Sỹ, Ukraine đang quá tham vọng về thượng đỉnh ở Thụy Sỹ và hòa bình sẽ không khả thi chừng nào Điện Kremlin không thay đổi chính sách đối ngoại của họ.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng thượng đỉnh hòa bình của Ukraine là hành động "vô ích" khi Moskva không tham gia đề xuất này.

Ý tưởng về một hội nghị thượng đỉnh hòa bình được đưa ra sau khi Tổng thống Zelensky đưa ra sau khi Kiev công bố kế hoạch hòa bình 10 điểm vào cuối năm 2022. Từ thời điểm đó cho đến nay Ukraine đã liên tục các có cuộc hội đàm với đồng minh để chuẩn bị cho hội nghị.

Công thức này của ông Zelensky yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, ngừng các hành động thù địch và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Kiev theo Hiến chương Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Nga không chấp nhận kế hoạch hòa bình này của Ukraine, tuyên bố mọi thỏa thuận đều phải tính đến "thực tế mới", gồm các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập.

Trong khi đó, Trung Quốc cùng với Brazil đang thúc đẩy một kế hoạch hòa bình riêng cho Ukraine, kêu gọi sự tham gia của cả hai bên tham chiến. Moskva trước đây đã lên tiếng ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chấm dứt xung đột.

Kiev đã tỏ ra thất vọng trước quyết định của Trung Quốc bỏ qua hội nghị thượng đỉnh Thụy Sỹ. Ông Zelensky thậm chí còn cáo buộc Bắc Kinh giúp Nga gây hấn.

Còn trên chiến trường, tình hình chiến sự ngày càng khó khăn hơn đối với Ukraine. Quân đội Nga hiện đang kiểm soát hơn 18% lãnh thổ của Kiev và không ngừng mở rộng về phía đông.

Trà Khánh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn