Theo Bộ Y tế, trong nước, số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Từ đầu năm 2025 đến nay, nước ta ghi nhận 912 ca mắc cúm mùa, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong, số mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442). Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B.
Những ngày gần đây xuất hiện tình trạng không ít người dân lại đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A về dự trữ. Họ có tâm lý sợ giá sẽ tăng, khan hiếm thuốc thêm nếu dịch bùng phát. Cùng đó trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản, cửa hàng thuốc rao bán thuốc Tamiflu, thậm chí còn khuyến cáo người dân nên dự trữ 1-2 vỉ thuốc ở nhà để dự phòng khi mắc cúm A.
Tuy nhiên, sáng 10/2, thông tin với báo chí, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung.

Người dân cần hiểu đúng về thuốc Tamiflu để tránh tâm lý đổ xô mất tiền oan mua thuốc này vì lời đồn thổi là "thần dược" trong điều trị cúm.
'Thổi giá' thuốc Tamiflu điều trị cúm sẽ bị xử phạt
Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp, công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000. Sắp tới công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện có trên 300.000 viên. Giá bán buôn vẫn giữ nguyên.
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo quy định với số tiền phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả. Cụ thể, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.
Trước đó, Cục Quản lý Dược có các văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động về nguồn cung, không được găm hàng tăng giá vào ngày 02/12/2024 và 7/2/2025.
Không tự ý dùng thuốc Tamiflu điều trị cúm
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh (cold) là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi, còn cúm (flu) thì là một bệnh do tác nhân là virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Và không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi.
Thời điểm này, người dân cần hiểu đúng về thuốc Tamiflu để tránh tâm lý đổ xô mất tiền oan mua thuốc này vì lời đồn thổi là "thần dược" trong điều trị cúm. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng, tuy nhiên cần có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Đây là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc này là thuốc kê đơn, thường chỉ dùng đối với các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng.
BS Trần Thị Hải Ninh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng cần dùng loại thuốc đặc trị kháng virus. Thuốc Tamiflu phải dùng đúng chỉ định, chỉ dùng Tamiflu trong những trường hợp cúm A và cúm A trên những cơ địa đặc biệt như bệnh nhân có nguy cơ tiến triển bệnh nặng (mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc những bệnh nhân suy giảm miễn dịch…).
Cục Y tế dự phòng cho hay, Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời.
Đơn vị cũng cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng không chủ quan lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan. Đồng thời cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Cùng đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus; chủ động công tác giám sát, lưu ý việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp...
Bình luận