• Zalo

Thủ tướng dự lễ thượng cờ 2 tàu ngầm Kilo

Thế giớiThứ Ba, 28/02/2017 11:53:00 +07:00 Google News

Sáng 28/2, tại quân cảng Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải Quân (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ thượng cờ cho hai tàu ngầm 186 mang tên Đà Nẵng và 187 mang tên Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đây là hai chiếc tàu ngầm Kilo lớp 636 cuối cùng nằm trong hợp đồng Việt Nam ký kết với Nga năm 2009 gồm 6 chiếc (trị giá gần 2 tỷ USD), nhằm xây dựng lực lượng hải quân chính quy hiện đại, nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Sau lễ thượng cờ, tàu sẽ chính thức được đưa vào biên chế của Lữ đoàn Tàu ngầm 189. Hiện Quân chủng Hải quân có đầy đủ “5 ngôi sao biển” là không quân hải quân, tàu ngầm, hải quân đánh bộ, tên lửa bờ và tàu mặt nước.

NQH_6982

 Lễ thượng cờ cho hai tàu ngầm Kilo Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương tinh thần cố gắng, khắc phục khó khăn, vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại của cán bộ, chiến sĩ hải quân, nhất là lực lượng tàu ngầm hiện đại. 

Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó", Thủ tướng khẳng định sự quan tâm đặc biệt và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về hiện đại hóa lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam hiện nay, góp phần đưa Hải quân nhân dân Việt Nam tiến gần hơn với trình độ chung của hải quân các nước trong khu vực và thế giới.

NQH_6812

 Thủ tướng: Chúng ta hiện đại hóa Hải quân không phải là chạy đua vũ trang, không phải để răn đe các nước trong khu vực, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa trong mọi tình huống. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng yêu cầu lực lượng Hải quân tiếp tục nâng cao nhận thức về tình hình, nhiệm vụ, về quan điểm của Đảng Nhà nước ta trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Khẳng định nhất quán và rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bằng thiện chí và những nỗ lực của mình, chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Luật Biển Việt Nam năm 1982 và hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới.

NQH_6951

Tàu ngầm Đà Nẵng. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Thủ tướng cũng nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần sâu sắc giá trị thiêng liêng của mỗi tấc đảo, mỗi sải biển của Tổ quốc, ý nghĩa lớn lao của hòa bình, ổn định đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Nhận thức đúng đắn việc chúng ta hiện đại hóa Hải quân, phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại là việc làm bình thường của quốc gia có biển, không phải là chạy đua vũ trang, không phải để răn đe các nước trong khu vực, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa trong mọi tình huống.

NQH_6967

 Tàu ngầm Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Đặc biệt trên cơ sở rút kinh nghiệm từ công tác tiếp nhận, huấn luyện, khai thác làm chủ các tàu ngầm trong những năm vừa qua, tiếp tục tập trung làm tốt công tác huấn luyện khai thác, làm chủ nhanh hơn, sâu hơn, vững chắc hơn, phát huy hết tính năng kỹ chiến thuật các tàu ngầm hiện đại, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Phối hợp với các cơ quan chức năng của Chính phủ, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, bảo đảm kỹ thuật cho hoạt động đồng bộ của vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

NQH_6702

 Thủ tướng thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ quân chủng Hải quân. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Hải quân phát biểu bày tỏ cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; của các cấp, các ngành, các địa phương; của đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước; của bạn bè quốc tế; và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã dành những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với Quân chủng Hải quân, nhất là lực lượng tàu ngầm hiện đại của Hải quân nhân dân Việt Nam và quán triệt sâu sắc, khắc ghi, quyết tâm nỗ lực phấn đấu thực hiện đúng những điều Thủ tướng Chỉnh phủ đã huấn thị. 

NQH_6642

 Tàu tên lửa tấn công nhanh 376. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; tình hình Biển Đông và các vùng biển, đảo nước ta luôn tiềm ẩn những nhân tố khó lường; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đã và đang đặt ra cho Hải quân nhân dân Việt Nam những yêu cầu nhiệm vụ mới, vừa phải bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, vừa phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

NQH_6665

Một số hệ thống tên lửa bờ của Hải quân Việt Nam. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Song, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc cán bộ, chiến sĩ Hải quân quyết tâm khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc từng tấc đất, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Tàu ngầm Kilo 636 dài 73,8 m, rộng 9,9 m; lượng giãn nước từ 3.000 đến 3.950 tấn; tốc độ 20 hải lý/giờ. Tàu di chuyển êm, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm cho 52 thủy thủ và có thể lặn sâu 300 m cho nhiệm vụ tuần tra, trinh sát.

Video: Sức mạnh tàu ngầm Kilo

Tàu có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa, tấn công nhanh, tránh sự tấn công của tàu địch hay phải vượt qua những khu vực có bẫy mìn, thủy lôi. Khả năng "tàng hình" của tàu được các chuyên gia NATO gọi là "Hố đen đại dương".

Trước tàu ngầm 187 Bà Rịa-Vũng Tàu, các tàu ngầm số hiệu từ 182 đến 186 lần lượt mang tên Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Khánh Hòa và Đà Nẵng đã được đưa về Việt Nam trong năm 2015-2016.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chỉnh phủ
Bình luận
vtcnews.vn