• Zalo

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tin tứcChủ Nhật, 21/08/2022 09:35:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Sáng 21/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Cùng dự tại đầu cầu Bộ Y tế có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan.

Dự tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sở Y tế và các sở, ngành liên quan. 

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về chăm sóc sức khỏe nhân dân - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc .

Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Trong đó triển khai hiệu quả các biện pháp để kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên toàn quốc; công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh; chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được duy trì; Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh.

Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2022: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là 19,0% chỉ tiêu là 20,4%; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 70%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc là 94%; số bác sĩ trên 01 vạn dân đạt 10 bác sỹ; số giường bệnh trên 01 vạn dân đạt khoảng 30,5 giường bệnh chỉ tiêu là 29,5/1 vạn.

Bên cạnh đó, bà Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và hạn chế của ngành y tế như: hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa bao quát được hết các khía cạnh như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư….

Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, tuyến Trung ương vẫn là vấn đề nhức nhối. Người dân vẫn chưa thật sự hài lòng với chất lượng và sự phục vụ của ngành y, nhất là y tế công lập. Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tính chủ động chưa cao, còn phụ thuộc vào nước ngoài.

Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, bà Đào Hồng Lan cho biết ngành Y tế sẽ tập trung giải quyết cả những tồn tại trước mắt như đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế ….; song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở.  

Trong đó, tiếp tục tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tiêm vaccine là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Ngành cũng khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, biểu dương khen thưởng để động viên tinh thần lực lượng ngành y tế yên tâm công tác. 

Bên cạnh đó là tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công; Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế và bảo hiểm y tế...

Vũ Khuyên(VOV)
Bình luận
vtcnews.vn