Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, sẽ bán 9% cổ phần tại Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) trong đợt chào bán đầu tiên. Điều đó có nghĩa, tổng 45% vốn nhà nước tại Vinamilk sẽ được thoái trong nhiều đợt.
Bán một lần có thêm 1 tỷ USD
Tuy nhiên, trong văn bản 877/VAFI ngày 18/10/2016 gửi tới Bộ Tài chính và SCIC, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhấn mạnh sự cần thiết phải bán 1 lần toàn bộ cổ phần nhà nước tại Vinamilk. “Bán buôn” Vinamilk sẽ giúp thu thêm 1 tỷ USD.
“Bán buôn” là phương án hạn chế sức cầu, hạn chế sự cạnh tranh trong việc đấu giá, từ đó giá bán VNM sẽ rất thấp. Bán 9% vốn Vinamilk sẽ không mang lại nhiều lợi ích.
Theo VAFI, nếu chỉ bán 9% vốn, SCIC sẽ loại bỏ sự tham gia các nhà đầu tư lớn là các tập đoàn đa quốc gia chuyên kinh doanh sữa, thực phẩm, vì khi mua 9% vốn thì họ chỉ là cổ đông thiểu số hay là cổ đông tài chính. Như vậy, họ có rất ít quyền về quản trị doanh nghiệp nên họ sẽ không quan tâm đến thương vụ này.
VAFI dự đoán có thể chỉ có nhà đầu tư chiến lược là F&N Dairy Investment Pte Ltd tham gia đấu giá, vì họ đang nắm giữ 11% vốn điều lệ của Vinamilk. Mua được thêm 9% vốn, họ sẽ có 20% vốn. Như vậy, họ có cơ hội nắm được đủ lượng cổ phần để có thể phủ quyết những vấn đề quan trọng nhất về quản trị doanh nghiệp tại đại hội cổ đông.
Phương án này vô tình có lợi cho cổ đông này, vì dần dần F&N có thể dễ dàng trở thành cổ đông chi phối mà không mất nhiều chi phí. Khi F&N đã nắm được tỷ trọng cổ phần phủ quyết thì sẽ làm e ngại sự tham gia của đối tác chiến lược khác.
VAFI cho rằng, các nhà đầu tư tài chính hiện có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ít tham gia vì họ đã đầu tư vào Vinamilk. Đồng thời, với qui mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, hiện nhà đầu tư nước ngoài không khó mua cổ phiếu VNM ở số lượng không lớn và thực tế tỷ trọng nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm xuống còn 48%.
Với những bất lợi khi chỉ bán 9% vốn Vinamilk, VAFI khẳng định, việc bán toàn bộ lô cổ phần 45% vốn điều lệ Vinamilk là lựa chọn duy nhất.
“Bán buôn” giúp giảm áp lực nợ công
Theo VAFI, đẩy mạnh bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn 2016 – 2020 là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm trần nợ công, giảm bội chi ngân sách; đồng thời tạo thêm nguồn vốn đầu tư vào các dự án lớn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.
Theo ước tính của VAFI, nếu thực hiện quyết liệt, ngân sách nhà nước có thêm từ 30 - 40 tỷ USD trong giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó, việc thoái vốn tại Vinamilk được đánh giá là rất quan trọng.
VAFI phân tích, nếu như chỉ bán cổ phần nhà nước ở Vinamilk tương ứng tỷ lệ 9% vốn, số tiền thu được khoảng trên 800 triệu USD sẽ không giải quyết được các mục tiêu kiểm soát trần nợ công và có thêm nguồn vốn cho các dự án của nhà nước.
VAFI đưa ra ví dụ: Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam cần tới 5 tỷ USD vốn ngân sách nhà nước, nhưng Bộ Tài chính chưa có câu trả lời về nguồn vốn có thu xếp được hay không. Cho nên, theo VAFI, việc bán toàn bộ lô cổ phần nhà nước tại Vinamilk sẽ thu được hơn 5 USD và sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên.
Vì vậy, VAFI kiến nghị Bộ Tài chính và SCIC nên đặt yêu cầu với liên danh tư vấn là đưa ra phương án bán cổ phần với giá cao nhất, chứ không nên đưa ra phương án bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk thành nhiều đợt rồi đề nghị liên danh tư vấn theo phương án đó.
Nếu mở rộng cửa cho nhiều nhà đầu tư FDI tham gia đấu giá thì phải cho họ có cơ hội thời gian để tìm hiểu kỹ về Vinamilk, và thời gian tìm hiểu này ít nhất phải 4 tháng, cho nên việc bán cổ phần không thể tiến hành nhanh được.
Bình luận