• Zalo

Thoái hoá khớp và những lưu ý người lớn tuổi cần phải biết

FamilyThứ Năm, 12/01/2023 10:16:55 +07:00 Google News
(VTC News) -

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, 80% bệnh nhân thoái hoá khớp bị hạn chế về vận động, 25% bệnh nhân không thể thực hiện các sinh hoạt hằng ngày.

Tình trạng thoái hóa khớp xảy ra khi một rối loạn mãn tính làm tổn thương sụn và các mô xung quanh khớp. Sụn khớp có chức năng bảo vệ, giảm ma sát trong khớp. Bệnh thường gặp ở các đối tượng trên 50 tuổi, một số biểu hiện phổ biến của bệnh là đau lưng, đau gối, đau háng, đau các chi khi vận động…

Có mặt trong chương trình Nhật ký hạnh phúc, Th.s B.S Nguyễn Tuấn Định - Chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện FV TP.HCM có những chia sẻ hữu ích về tình trạng đau khớp hay thoái hoá khớp.

Thoái hoá khớp là gì?

Th.s B.S Nguyễn Tuấn Định - Chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện FV TP.HCM chia sẻ, nguyên nhân thoái hóa khớp là do khớp sử dụng trong thời gian dài nên dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp. Các phần khớp phải hoạt động nhiều hay phải thường xuyên chịu trọng tải lớn dễ dẫn đến thoái hoá. Trong quá trình vận động, tất cả các áp lực do cơ thể tạo ra đều đè lên khớp gối và khớp háng nên các khớp ở những bộ phận này thường dễ bị thoái hoá so với những bộ phận khác.

Thoái hoá khớp và những lưu ý người lớn tuổi cần phải biết - 1

Thoái hoá khớp thường xuất hiện ở những người lớn tuổi - Hình minh hoạ

Nguyên nhân gây ra thoái hoá khớp?

Thoái hóa khớp là căn bệnh của tuổi tác, độ tuổi càng cao thì nguy cơ mắc phải bệnh thoái hoá khớp càng lớn. Đối với những người lao động nặng, thường xuyên uống rượu bia thì nguy cơ mắc phải bệnh thoái hoá khớp còn cao hơn so với thông thường.

Triệu chứng của thoái hoá khớp

Bác sĩ Nguyễn Tấn Định cho biết, triệu chứng điển hình của bệnh thoái hoá khớp là tình trạng đau khớp, nặng hơn là tình trạng các sụn trong khớp bị hư hại và bắt đầu dẫn đến tình trạng xương bị biến dạng. Các yếu tố này khiến người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển, dáng đi bất thường, khi vận động các khớp phát ra âm thanh thoái hoá,...

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp

Bác sĩ Định cho biết để hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp, người bệnh cần tuân thủ thói quen sinh hoạt do các chuyên gia y tế khuyến nghị. Tuy nhiên, đối với các trường hợp thoái hóa khớp nặng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị và khó có thể hồi phục lại như tình trạng ban đầu. Một số phương pháp phổ biến được các chuyên gia y tế tin dùng là sử dụng thuốc giảm đau, tiến hành vật lý trị liệu, các loại thuốc thoa khớp, thuốc kháng viêm…

Bác sĩ Định lưu ý, bệnh nhân không nên sử dụng các phương pháp chườm nóng hay chườm muối lên các bộ phận bị thoái hoá. Các phương pháp này là phương pháp dân gian, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh là các phương pháp kể trên có hiệu quả trong việc điều trị thoái hóa khớp.

Ngoài ra, một số bệnh nhân sau khi thăm khám và được bác sĩ xem xét đầy đủ tiêu chuẩn có thể thay khớp sẽ được tiến hành thay khớp nhân tạo để thay thế phần khớp đã bị thoái hoá nặng. Thay khớp nhân tạo chỉ thường xuất hiện ở những người lớn tuổi, tuy nhiên trước khi thay khớp bệnh nhân cần thăm khám và trao đổi thường xuyên với bác sĩ để nắm rõ quy trình và tiêu chuẩn tiến hành thay khớp.

Lối sống lành mạnh cải thiện bệnh thoái hoá khớp

Bệnh nhân thoái hóa khớp nên kết hợp lối sống lành mạnh với các bài tập thể dục thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ trên đường bằng phẳng hay đạp xe đạp và các bài tập vận động nhẹ khác. Các môn thể thao kể trên không những tốt cho sức khỏe mà còn tốt cho sự vận động của các khớp.

Thoái hoá khớp và những lưu ý người lớn tuổi cần phải biết - 2

Đạp xe đạp là một trong những bài tập cải thiện sức khoẻ xương khớp tốt nhất - Hình minh hoạ

Một số các loại thực phẩm tự nhiên cũng có chứa các chất dinh dưỡng giúp cải thiện sức khỏe xương khớp như Omega 3 có trong các loại cá béo, Vitamin C, Vitamin D, Beta Carotene, các loại rau, các loại sữa…

Bệnh thoái hoá khớp thường xuất hiện ở những người lớn tuổi nhưng cũng dần có xu hướng trẻ hoá. Vì vậy, mọi người nên thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao như chạy xe đạp hay bơi lội một cách đều đặn hơn. Trách mang vác các vật nặng quá sức và thường xuyên thăm khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe các khớp.

Thanh Thiên
Bình luận
vtcnews.vn