Theo quan niệm dân gian ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo sẽ lên trời để báo cáo Ngọc Hoàng về một năm cũ, chuẩn bị đón năm mới. Người dân Việt vì vậy có tập tục cúng lễ vào ngày này. Thị trường đồ cúng ông Công, ông Táo hàng năm luôn sôi động từ sớm, khách hàng tấp nập mua sắm.
Năm nay, phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn được trang hoàng rực rỡ đủ các mặt hàng trang trí Tết nhưng chỉ xuất hiện lác đác một vài cửa hàng bày bán đồ vàng mã, đồ cúng Táo Quân. Nguyên nhân được các tiểu thương cho biết hiện khách hàng đã không còn quá cầu kỳ trong việc mua đồ vàng mã mà thường lựa chọn một bộ trang phục Táo Quân để cúng vào dịp này. Vì thế các cửa hàng rơi vào cảnh ế ẩm, bày bán nhưng ít người mua.
Những bộ ông Công, ông Táo năm nay được thiết kế mới đẹp mắt hơn, giá không tăng.
Ngoài ra, năm nay sức mua cũng có phần giảm sút so với mọi năm. "Thông thường, người dân đi sắm đồ cúng ông Công, ông Táo từ sớm, nhưng năm nay vấn rất im ắng, dù ngày đã cận kề. Có thể do tâm lý thắt chặt chi tiêu nên họ mua đơn giản ngay tại chợ. Hoặc cũng có người do không chuộng việc đốt vàng mã như trước nữa nên thay vào đó họ sẽ chọn đi chùa và phóng sinh cá", một tiểu thương nói.
Chị nhẩm tính sức mua chỉ bằng một nửa năm ngoái, nhiều ngày ngồi cả buổi sáng mà không có khách hỏi mua. Đây cũng là tình trạng chung của những gian hàng bán đồ vàng mã cúng ông Công ông Táo khác trên khu phố này.
Theo khảo sát, những bộ quần áo ông Công, ông Táo năm nay không tăng giá và được thiết kế với mẫu mã mới, đẹp hơn từ chất liệu giấy đến hình dáng. Mỗi bộ gồm 3 mũ, 3 bộ quán áo cùng 3 con cá chép được gắn mắt giả thêm phần sinh động, giá từ 35.000 - 50.000 đồng/bộ nhỏ, 100.000 - 150.000 đồng/bộ to. Những bộ được làm chi tiết hoa văn cầu kỳ hơn, giấy bóng đẹp hơn có giá 200.000 - 250.000 đồng/bộ.
Được bày bán từ sớm nhưng đồ lễ ông Công, ông Táo chưa thu hút được khách hàng.
Chị Nguyễn Bảo, kinh doanh tại chợ Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Mấy ngày trước thấy ế ẩm, tôi nghĩ là do thời điểm này còn sớm, phải đợi thêm. Nhưng hôm nay đã là 19 tháng Chạp, rất sát ngày ông Công, ông Táo, lại là cuối tuần mà không khí cũng chưa sôi động. Rất may là do lường trước việc năm nay kinh tế khó khăn nên lượng khách sẽ giảm, tôi chỉ nhập hàng về bằng 2/3 so với năm ngoái. Nếu không chủ động giảm số lượng thì chắc thua lỗ".
Ngoài đồ vàng mã, cá chép cũng là mặt hàng đặc trưng của ngày ông Công ông Táo. Theo khảo sát, hiện chưa có nhiều nơi bán cá chép sống mà mới chỉ một số ít cửa hàng cá cảnh, siêu thị bán sớm từ những ngày 20 âm lịch. "Nhiều người vẫn giữ thói quen cúng đúng ngày 23 tháng Chạp nên đến trước hôm đó 1 ngày chúng tôi mới bán. Nếu nhập về sớm quá cũng khó giữ được cá khỏe, đẹp như mới, trong khi lượng khách mua chưa nhiều", một tiểu thương ở chợ Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) giải thích.
Chủ một cửa hàng cá cảnh trên phố Yên Phụ cho biết, năm nay giá cá chép sống vẫn bình ổn, không tăng, khoảng 20.000 - 30.000 đồng/cặp, giá đổ buôn từ 50.000 - 90.000 đồng/kg, sẽ được đổ buôn cho các chợ dân sinh, còn trong siêu thị giá cho mỗi con cá chép đỏ là 11.000 đồng/con.
Vào dịp cúng ông Công, ông Táo, có người còn sắm thêm lễ mặn. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số chợ dân sinh như Hàng Bè, Thanh Hà (quận Hoàn Kiếm), lượng khách cũng không quá đột biến. Một người bán tại chợ Hàng Bè chia sẻ, năm nay để tiết kiệm chi phí, người dân sẽ tự mua sắm và chế biến các món ăn nhiều hơn là mua sẵn. "Lượng khách năm nay đông lắm cũng chỉ bằng 2/3 năm ngoái thôi", chị nói.
Theo tìm hiểu, các mặt hàng đồ cúng mặn năm nay giá bình ổn so với năm ngoái như gà ngậm hoa hồng có giá 220.000 - 250.000 đồng/kg, canh măng, canh bóng nấu sẵn có giá 150.000 đồng/bát, chim quay 100.000 đồng/con, nem rán sẵn 100.000 đồng/10 cái, xôi gấc 40.000 đồng/đĩa, xôi vò 50.000 đồng/đĩa.
Bình luận