• Zalo

Thất nghiệp đô thị tăng, Trung Quốc khuyến khích cử nhân, kỹ sư về quê làm việc

Tư liệuThứ Tư, 15/06/2022 09:41:21 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở đô thị tăng kỷ lục, chính phủ Trung Quốc khuyến khích những người tốt nghiệp đại học về nông thôn làm việc.

Liên bộ Giáo dục, tài chính, dân sự, quản lý nhân lực và an sinh xã hội của Trung Quốc mới đây ra thông cáo chung nói rằng chính quyền các địa phương của nước này cần thu hút các cử nhân, kỹ sư… về làm việc tại thôn làng.

Thông cáo bổ sung: Chính quyền sẽ cung cấp các ưu đãi về thuế và khoản vay cho những người tốt nghiệp đại học khởi nghiệp phục vụ cộng đồng nông thôn. Các lợi ích tương tự cũng được dành cho các doanh nghiệp nhỏ tại thôn bản tuyển dụng các cử nhân, kỹ sư, bao gồm cả các ngành nghề như trông nhà và chăm sóc người già cả.

Thất nghiệp đô thị tăng, Trung Quốc khuyến khích cử nhân, kỹ sư về quê làm việc - 1

Một hội chợ việc làm dành cho sinh viên Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Thông thường những người tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc thích làm cho các công ty trả lương cao tại các thành phố lớn. Có khoảng cách lớn về thu nhập giữa vùng nông thôn và thành thị.

Đây không phải là lần đầu tiên trong các năm gần đây, chính phủ Trung Quốc hối thúc các cử nhân tìm kiếm công ăn việc làm tại vùng nông thôn rộng lớn nhưng chưa được phát triển nhiều của quốc gia Đông Á này.

Vào tháng 7/2020, khi đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên tấn công nền kinh tế Trung Quốc, chính quyền đã khuyến khích các cử nhân, kỹ sư dịch chuyển về nông thôn thay vì co cụm ở thành phố và chật vật tìm kiếm cơ hội việc làm hạn chế.

Những lời kêu gọi này gợi nhớ nhiều người trên mạng xã hội Trung Quốc về một sáng kiến của chính quyền Trung Quốc thời kỳ Mao Trạch Đông, sáng kiến này có tên là Phong trào Thượng Sơn Hạ Hương (lên núi về quê), được phát động vào thập niên 1960, với mục đích đưa thanh niên đô thị tới các vùng sâu vùng xa để học nghề nông và chính trị bần cố nông.

Còn các cử nhân, kỹ sư Trung Quốc hiện nay đang đối mặt với mùa tốt nghiệp khắc nghiệt nhất khi có tới 10,76 triệu người (mức kỷ lục) sẽ tốt nghiệp đại học trong 2 tháng nữa.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã bị suy giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2022, nghĩa là có ít công việc ở đô thị dành cho các kỹ sư, cử nhân mới ra trường. Các doanh nghiệp nhỏ - một nguồn cung việc làm đáng kể, cũng đã bị ảnh hưởng nặng trong quá trình phong tỏa kéo dài trên diện rộng tại Trung Quốc nhằm ngăn ngừa COVID-19.

Đã vậy, ngành công nghệ cao của Trung Quốc cũng đang khó khăn sau khi Chủ tịch Trung Quốc thực hiện một số điều tiết lớn đối với doanh nghiệp tư nhân.

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị trong độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc đã tăng vọt lên mức lịch sử 18,2% trong tháng 5/2022, theo các số liệu thống kê gần đây của chính phủ. Con số này chưa tính đến các tân cử nhân của năm nay.

Kỳ thi tuyển sinh đại học cực khó

Khi tình hình tuyển dụng xấu đi, việc bước chân vào giảng đường đại học ngày càng khó khăn hơn ở Trung Quốc.

Tuần trước, có tới 11,93 triệu học sinh Trung Quốc tham gia kỳ thi đầu vào đại học. Các học sinh này thường cạnh tranh khốc liệt để vào được các trường đại học tốp đầu của Trung Quốc, thường là với áp lực cực lớn từ cha mẹ và gia đình.

Năm nay, nhiều học sinh đã lên mạng xã hội phàn nàn về độ khó của kỳ thi tuyển sinh đại học. Một số bình rằng câu hỏi trong đề thi Văn khó đến mức chính tác giả các cuốn sách kinh điển nêu trong đề thi có lẽ cũng không thể hiểu nổi.

Phản ứng trước các tranh cãi trên mạng xã hội, Bộ Giáo dục Trung Quốc tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng độ khó của đề thi Toán là nhằm “phân loại, tuyển chọn” học sinh và đáp ứng tốt hơn mục tiêu của chính phủ trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục chất lượng.

Trung Hiếu(VOV.VN)
Bình luận