• Zalo

Thất nghiệp 4 tháng, nhiều giáo viên mầm non chật vật kiếm sống

Diễn đànThứ Hai, 23/08/2021 08:05:00 +07:00Google News

Trường học tạm đóng cửa từ tháng 5, nhiều giáo viên mầm non không có thu nhập phải đưa con về quê, kiếm việc làm thêm từ những nguồn khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Ngà, 28 tuổi, giáo viên tại một trường mầm non thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, phải nghỉ làm từ đầu tháng 5 do dịch COVID-19. Chị Ngà mất đi nguồn thu nhập chính, sinh hoạt phí của gia đình chủ yếu trông chờ từ tiền lương của chồng.

Không đủ trang trải cuộc sống ở Hà Nội

Chị Ngà chia sẻ: “Chi phí hàng tháng của gia đình là 3 triệu tiền nhà, 5 triệu tiền ăn và mua sữa cho con, khoản sinh hoạt khác rất tiết kiệm là 500.000 đồng".

Những ngày nghỉ dịch, chị Ngà muốn tìm một công việc khác để trang trải cuộc sống, nhưng con gái sắp vào lớp 1 nên chị muốn dành thời gian cùng con luyện chữ, tập làm toán.

Thất nghiệp 4 tháng, nhiều giáo viên mầm non chật vật kiếm sống - 1

Do dịch COVID-19, trường học đóng cửa, nhiều giáo viên thất nghiệp. (Ảnh minh họa: Zing)

Nghỉ dịch ở nhà không chỉ mất đi thu nhập mà chi phí sinh hoạt cũng tăng lên. Khi đi làm, chị Ngà ăn trưa tại trường, bé cũng được hỗ trợ tiền học và chi phí ăn uống. Nghỉ dịch, chị phải lo toan một ngày 3 bữa cơm cho cả gia đình, tiền điện, nước mùa hè cũng tăng cao do nắng, nóng.

Theo tính toán của hai vợ chồng, con gái sẽ vào cấp 1 ở Hà Nội, tuy nhiên dịch bệnh còn phức tạp, công việc bị ảnh hưởng nhiều, chị thay đổi quyết định sau khi đã đặt các khoản chi tiêu lên bàn cân để đong đếm, so sánh.

Từ đầu tháng 7, chị cùng con gái về quê, còn chồng vẫn ở Hà Nội làm việc. Chị cũng tranh thủ tìm một số cửa hàng xin làm nhân viên nhưng tình trạng chung đều cắt giảm nhân sự.

Hiện tại, nữ giáo viên vẫn thất nhiệp và không biết khi nào có thể trở lại trường dạy học.

Không biết khi nào được trở lại trường học

Cùng nỗi lo, Lại Thùy Trang, 23 tuổi (Đống Đa, Hà Nội), cũng phải cắt giảm tối đa chi phí sinh hoạt trong mùa dịch.

Tháng 4, Trang đi làm tại trường mầm non sau 6 tháng nghỉ thai sản thì đến tháng 5, công việc phải dừng do dịch Covid tái bùng phát.

Trang chia sẻ: “Lúc đó mình cảm thấy buồn và bất lực. Vì làm việc tại trường mầm non tư thục nên trong thời gian nghỉ thai sản mình không được nhận lương và trợ cấp".

Thời điểm chưa có dịch, thu nhập mỗi tháng của Trang khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra, Trang nhận làm nail tại nhà khi có khách yêu cầu. Chồng của Trang là lao động tự do, mỗi tháng thu nhập khoảng 5 triệu đồng.

Lúc mang thai, hai vợ chồng tiết kiệm lắm cũng đủ trang trải cuộc sống, không dư dả là bao vì phải mua thuốc bổ, khám thai định kỳ, chuẩn bị chi phí sinh nở. Từ ngày sinh con, một mình chồng lo mọi chi tiêu trong nhà nên mình rất mong được đi làm lại" - nữ giáo viên nói.

Sau khi nhận thông báo tạm thời nghỉ làm tại nhà từ đầu tháng 5, Trang bắt đầu bán đồ dùng của trẻ sơ sinh trên Facebook để dùng cho con và kiếm thêm thu nhập. Mới bắt đầu công việc, lượng khách mua chưa nhiều, Trang đủ trả tiền bỉm, sữa cho con.

Tận dụng thời gian rảnh trong ngày, người mẹ trẻ làm giúp việc nhà cho các hộ gia đình bán thời gian, một tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 giờ.

Tình hình dịch bệnh căng thẳng, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nên Trang phải tạm dừng làm thêm, việc bán hàng trên Facebook cũng bị ngưng trệ vì không thể nhập hàng.

Ở với bố mẹ chồng, hai vợ chồng trẻ không phải lo đóng tiền thuê trọ. Tuy nhiên, công việc của cả hai đều ảnh hưởng bởi dịch, Trang cố gắng cắt giảm chi tiêu như điện, nước, nhiều đồ ăn phải giảm một nửa vì giá tăng so với trước kia.

Cô giáo trẻ hiện chưa biết ngày trở lại trường học, cũng chưa thực hiện được các dự định khác khi cả xã hội đều đang giãn cách, khó khăn vì dịch bệnh.

Theo UBND TP Hà Nội, hơn 17.500 người làm việc ở cơ sở giáo dục ngoài công lập, chủ yếu là bậc mầm non bị hoãn hợp đồng lao động. Nghỉ việc không lương, chấm dứt hợp đồng lao động. Số chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục phải dừng hoạt động là 2.740.

Để giải quyết khó khăn trên, ngày 13/8, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết hỗ trợ người bị ảnh hưởng do COVID-19.

Cụ thể:

Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập có ký hợp đồng lao động, nhưng phải tạm hoãn thực hiện lao động, nghỉ việc không lương do cơ sở tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch. Điều kiện hỗ trợ là thời gian nghỉ việc không lương từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ 1/5 đến 31/12, mức 1,5 triệu đồng/người.

Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/5 đến 31/12 do cơ sở dừng hoạt động để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (trụ sở chính trên địa bàn Hà Nội) phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên từ 1/5 đến 31/12 để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/chủ cơ sở.

Ngoài ra người lao động được hỗ trợ bổ sung một triệu đồng/người nếu đang mang thai hoặc đang nuôi con từ 6 tuổi trở xuống.

Nguyên tắc mỗi đối tượng chỉ hỗ trợ một lần trong một chính sách; không hỗ trợ đối tượng không tự nguyện tham gia.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận