Theo đó, Thành ủy TP.HCM xác định, thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là các thông tin tố cáo, phản ánh các hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn; tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phạm vi thuộc Thành ủy, UBND TP.HCM quản lý.
Việc mua tin không phải là một giao dịch dân sự. Đây được xem là hình thức khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Người cung cấp thông tin là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam; không bao gồm tổ chức, cá nhân chuyên trách trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực và cán bộ, công chức, nhân viên tại cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền tiếp nhận thông tin.
Người tiếp nhận, xử lý thông tin và "mua tin" là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM; các thành viên trong Ban Chỉ đạo; Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM.
Theo quy định, việc tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin phải đảm bảo bí mật, kịp thời, chính xác, đúng quy định. Bảo đảm bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Việc tiếp nhận thông tin của người cung cấp tin phải theo nguyên tắc “đơn tuyến”, nghĩa là người cung cấp thông tin chỉ gặp gỡ, trao đổi, làm việc, cung cấp thông tin trực tiếp cho người tiếp nhận thông tin, không thông qua trung gian. Danh tính của người cung cấp thông tin phải được ký hiệu bằng mã số.
Thành ủy TP.HCM yêu cầu thông tin phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực phải đảm bảo tính xác thực, trọn vẹn, thể hiện được nội dung, tình tiết sự việc, hiện tượng đã xảy ra; tồn tại dưới dạng dữ liệu truyền thống hoặc dữ liệu điện tử, có nội dung được thể hiện theo ngôn ngữ tiếng Việt, rõ ràng, cụ thể; không qua chỉnh sửa làm thay đổi bản chất sự thật của sự việc, hiện tượng; thông tin có thể kiểm chứng, xác minh được.
Thông tin cũng phải có nội dung mới, chưa có tổ chức, cá nhân nào cung cấp và chưa được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết. Thông tin phản ánh, tố cáo là chứng cứ cho một vụ việc, hành vi vi phạm và phải có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ việc, hành vi vi phạm có tính hợp pháp theo quy định.
Người cung cấp thông tin sẽ được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác khi cung cấp thông tin; được nhận khoản tiền mua tin tối đa là 10 triệu đồng/tin (vụ việc) nếu thông tin cung cấp chính xác, giúp các cơ quan chức năng có cơ sở thẩm tra, xác minh và xử lý được hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Người cung cấp thông tin còn được xem xét khen thưởng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực; được đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện bị đe dọa, trả thù, trù dập.
Bên cạnh đó, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra.
Đồng thời có nghĩa vụ cung cấp, bổ sung các thông tin, tài liệu về các hành vi tham nhũng, tiêu cực; không được phát tán, tiết lộ, hủy hoại tin, làm sai lệch thông tin gốc trong thời gian cơ quan chức năng chưa có kết luận thẩm tra, xác minh thông tin.
Thành ủy TP.HCM yêu cầu, quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin không được tiết lộ kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan khi chưa được công khai theo quy định.
Trường hợp không thụ lý thông tin được cung cấp, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có trách nhiệm thông báo cho người cung cấp thông tin, hoàn trả văn bản, tài liệu có liên quan hoặc thực hiện lưu trữ theo quy định.
Người cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM bằng các hình thức sau:
- Cung cấp thông tin trực tiếp: người cung cấp thông tin trực tiếp phản ánh, cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo và bộ phận tiếp nhận thông tin của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tại trụ sở làm việc hoặc địa điểm phù hợp.
- Cung cấp thông tin gián tiếp:
+ Bằng văn bản qua đường bưu điện
+ Qua hộp thư điện tử của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính Thành ủy): [email protected]
- Thông tin liên hệ với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo:
+ Trụ sở Ban Tiếp công dân TP.HCM: Số 15 đường Nguyễn Gia Thiều, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM (đại diện Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp nhận, xử lý).
+ Trụ sở làm việc của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính Thành ủy): Số 137 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.
Bình luận