• Zalo

Thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam thời hội nhập kinh tế số

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 22/11/2017 10:00:00 +07:00 Google News

Internet đang tác động chưa đến 10% GDP nhưng dự kiến 10 năm tới, Internet sẽ chi phối 40-50% GDP, sẽ có rất nhiều thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới này.

 Hiện tại, Internet đang tác động chưa đến 10% GDP nhưng dự kiến 10 năm tới, Internet sẽ chi phối 40-50% GDP và sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài trong cuộc chơi này sẽ ngày càng áp đảo. Liệu đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa? Đây là chủ đề buổi tọa đàm “Chuyển động số: Internet – nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” vừa diễn ra tại Hà Nội. 

Thách thức cho Internet Việt Nam 10 năm tới

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự xung đột giữa các mô hình kinh doanh truyền thống với các mô hình ứng dụng công nghệ như dịch vụ taxi với sự lấn át của Grab, Uber, mạng xã hội, dịch vụ tìm kiếm, quảng cáo… đều là sân chơi của các doanh nghiệp ngoại.

Đây là thực tế không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt. “Hiện các nước phát triển cũng chưa có giải pháp để kiểm soát Facebook, Google, Amazon, Alibaba như thế nào mà mới đang đi tìm cách”, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Công ty Cổ phần VNG nhận định.

Toa dam chuyen dong so

 

Về mặt chủ quan, đơn cử như trong lĩnh vực nội dung số, những doanh nghiệp cung cấp từ nước ngoài vào không bị ràng buộc bởi nhiều chế tài. Cơ quan chức năng rất khó để quản lý họ. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam bị ràng buộc. Trong cuộc cạnh tranh này, “mình ít tiền hơn, họ thoáng tay mình bị trói tay thì về cơ bản là khó khăn nhất”, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp bày tỏ.

Không nhưng thế, chính sách của Việt Nam hiện có những nội dung được cho là bảo hộ ngược cho doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ có những gói cước tạo điều kiện cho facebook,youtube đặt máy chủ miễn phí. Các doanh nghiệp như VNG, VCCorp,… khi đặt máy chủ trong nước thì lại phải thuê.

Khảo sát của một đơn vị nước ngoài được thực hiện cách đây 2 tháng đánh giá Việt Nam chưa mạnh dạn về  chính sách. “Việt Nam phản ứng chính sách chậm, làm cho nhiều doanh nghiệp làm ăn bài bản sợ rủi ro”, ông Đậu Anh Tuấn, Chuyên gia Chính sách, Trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ.

Theo các chuyên gia, thế giới đang tiến lên cuộc cách mạng 4.0, sự tham gia của Internet vào các lĩnh vực sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nữa. Theo ông Minh, “tương lai 10 năm tới Internet sẽ vượt xa tầm ảnh hưởng của nội dung số. Trận chiến sắp tới là của các ngành mới. Ngành nội dung hiện chiếm 1-2% GDP. Trong cơ cấu còn lại hy vọng 50% là dịch vụ thương mại, y tế, ngân hàng”. Vì vậy, việc nhận diện cũng như có hướng giải quyết sớm các thách thức trên là vô cùng cấp thiết.

Làm thế nào để DN Việt Nam tiếp cận bình đẳng với DN nước ngoài? 

Trong bối cảnh này, Chỉnh phủ Việt Nam xác định muốn vươn lên phải tiếp cận Internet. “Chúng ta không thể tách rời Internet trong cuộc sống. Chúng ta muốn vươn lên phải tiếp cận Internet. Chính phủ, Thủ tướng cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông đã tìm cách để có những chính sách cởi mở hơn” Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam hôm 22/11.

Chấp nhận Internet nghĩa là chúng ta phải chấp nhận thực tế là Internet không có ranh giới nào cả, “sẽ chỉ còn khái niệm sân chơi Internet chung cho các doanh nghiệp, và mình phải hành xử như thế nào trong thị trường đó”, theo ông Lê Hồng Minh.

Đồng quan điểm với ông Minh, ông Lương Hoài Nam, Chuyên gia Du lịch & Hàng không, Nhà đồng sáng lập Gotadi.com bày tỏ: “Chúng ta chẳng có cách nào chặn các công ty toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước cần hợp tác, dù rất khó”.

Như vậy, để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong môi trường Internet, một phần vai trò không nhỏ là ở chính các doanh nghiệp chứ không thể trông chờ vào các chính sách bảo hộ. Ông Nguyễn Thế Tân cho rằng doanh nghiệp chỉ có cách là sáng tạo liên tục, tạo ra sản phẩm mới, tốt, có giá trị để thu hút người dùng. Trong khi đó, ông Lương Hoài Nam tin tưởng “Chúng ta có cơ hội hợp tác phục vụ chính người dân của mình, nếu làm được sẽ không sợ các công ty toàn cầu”.

Còn ông Lê Hồng Minh cho rằng: Khi internet mở thì phải mạnh dạn bước ra ngoài. Hiện doanh nghiệp Internet Việt Nam bước ra ngoài tương đối chậm. Các doanh nghiệp thành công mang tính chất thời điểm, may mắn chứ không phải lâu dài. Thứ hai là doanh nghiệp cần đầu tư nhiều vào những lĩnh vực mới, chiếm 30-40% GDP trong 10 năm tới. Các doanh nghiệp sẽ  gặp những bài toán canh tranh nhưng sẽ có thị trường lớn…

Việt Nam hiện có tới 52 triệu người dùng Internet (chiếm tới 54% dân số) và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo đến năm 2020 Internet- dịch vụ số của Việt Nam vẫn sẽ phát triển rất mạnh với khoảng 60 triệu người dùng smartphone- 15 triệu người dùng PC, việc các doanh nghiệp đặt mục tiêu bứt phát ngay trên thị trường nội địa không phải không có cơ sở.

Diễn ra trong thời lượng 1 giờ đồng hồ, buổi tọa đàm với chủ đề “Chuyển động số: Internet – Nền tảng cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế số” hôm 22/11 đã nêu lên được trúng vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay. Vấn đề định hướng, vai trò của Internet trong thời gian tới cũng như gợi mở nhiều góc nhìn, nhiều hướng giải bài toán hội nhập cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số đã được giải quyết phần nào.

Video: Internet đã vào Việt Nam như thế nào?

Buổi tọa đàm là một phần trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam. Cùng ngày, Hiệp hội Internet Việt Nam đã vinh danh các cá nhân và doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỉ (2007-2017).

Danh sách 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với Internet giai đoạn 2007 - 2017 (sắp xếp theo vần ABC):

1- Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT

2- Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CMC

3- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel

4- Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT

5- Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hội Internet Việt Nam

6- Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG

7- Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav

8- Ông Lê Nam Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

9- Ông Thang Đức Thắng, Tổng biên tập VnExpres

10- Ông Mai Liêm Trực, Nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông

10 doanh nghiệp ứng dụng, nội dung số có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong 1 thập kỷ:

1- FPT Online

2- NextTech

3- Nhaccuatui

4- Tiki

5- Topica

6- VC Corp

7- Viettel Media

8- VNG

9- VNPT Media

10- VTC Intecom

5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỷ (2007 - 2017)

1- CMC Telecom

2- FPT Telecom

3- MobiFone

4- Viettel Telecom

5- VNPT

PV
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn