Những ngày này, chị em cơ quan tôi đang cuống quýt hỏi han, nhờ vả nhau đổi tiền mới để mừng tuổi. Nhân đó, mọi người “buôn dưa” về chủ đề này. Người than tốn kém khi phải chi hàng chục triệu đồng mừng tuổi người thân, gia đình chồng, con cái sếp, trẻ con ở quê… Người nói chuyện “lỗ nặng” khi mình ít con nhưng đi chúc Tết toàn gặp nhà đông con nhiều cháu. Nhiều chị em nhận xét anh nọ thoáng tính, mừng tuổi toàn tiền 500 nghìn đồng, sếp kia ki bo khi đầu năm chỉ lì xì mỗi nhân viên “50 nghìn bọ”…
Mải mê chém gió, không ai nhận ra mình đang nghiễm nhiên coi tục mừng tuổi như môt cuộc trao đổi vật chất, toàn toàn không còn ý nghĩa đẹp đẽ ban đầu nữa: Cầu chúc năm mới tốt lành…

Nguyên thủy, đồng tiền mừng tuổi chỉ giống như vật cầu may, cầu an, không quan trọng mệnh giá mà chỉ cần sạch sẽ. Với tiền giấy, tờ tiền cần mới, có gam màu hồng, đỏ càng tốt.
Thế nhưng từ lâu, khi mừng tuổi và nhận mừng tuổi, hầu như cái người ta quan tâm đầu tiên là mệnh giá. Mỗi lần đổi tiền mới để cho vào phong bao lì xì chuẩn bị Tết Nguyên đán, người ta tính toán với đối tượng nào thì mừng tuổi 10 nghìn, 20 nghìn đồng, đối tượng nào mừng tờ 100 nghìn, đối tượng nào mừng tiền mệnh giá 500 nghìn, một tờ hay nhiều hơn... Và khi con cái được nhận tiền lì xì, phản xạ của nhiều người là để ý xem họ mừng bao nhiêu để còn xác định lại mối quan hệ và cư xử về sau cho hợp lý…

Khi chuẩn bị tiền mừng tuổi, mọi người thường phải tính toán với ai thì chọn mệnh giá nào.
Bản thân tôi cho dù không muốn thì thú thật vẫn phải để ý để khỏi thất thố với người ta, để khỏi bị hiểu lầm là không biết trước biết sau nếu như với đứa trẻ nào cũng chỉ mừng tờ 50 nghìn đồng có màu hồng may mắn. Tôi không có khả năng lì xì 100 nghìn hay nhiều hơn cho mọi đứa trẻ và cũng không muốn thế. Thế nên, việc phải để ý chuyện ai mừng, mừng ai bao nhiêu quả thật hơi mệt mỏi và đáng chán, trong khi mấy ngày Tết ít ỏi nên được dành cho sự thảnh thơi, tối thiểu là về đầu óc.
Thế nên từ Tết này, tôi quyết định sẽ từ bỏ việc mừng tuổi bằng tiền, và cũng từ chối khi ai đó mừng tuổi con mình. Tôi sẽ nghĩ sẵn những lời giải thích sao cho lọt tai và không khiến ai phật lòng hay cụt hứng. Với con cháu trong nhà hay con cái những người bạn thân thiết, tôi sẽ nghiên cứu, tìm hiểu để chuẩn bị những món quà nhỏ phù hợp làm quà năm mới và khiến bọn trẻ thích thú.
Tôi nghĩ, những người khác cũng nên làm như vậy. Đừng mừng tuổi bằng tiền nữa, bởi với việc so bì mệnh giá – điều rất khó tránh khỏi – chúng ta đang làm hỏng một phong tục đẹp đẽ ngày Tết, làm hư chính mình và làm hư cả những đứa trẻ.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận (39)
Có rất nhiều trẻ con, và cả thanh niên thiếu nữ, sau khi rút tiền khỏi bao lì xì cất đi, vứt luôn cái bao xuống đất
Tôi cũng thử xem.
Tết chống mặt vì tiền lì xì
Lì xì theo quan niệm ngày xưa là giúp cho trẻ em tránh tà ma vì bao lì xì màu đỏ. Bạn có thể lì xì cho các con thứ khác cũng màu đỏ là được chẳng hạn như kẹo màu đỏ...
Ok nhất trí ngay
Năm Năm nay được nghỉ tới tiền Có ai cho tiền không
Nhà tôi đã làm thế được gần 10 năm rồi, không nhận mừng tuổi, và cũng không mừng tuổi người khác. Lúc đầu bọn trẻ và những người thân, họ hàng nhiều người không thích, nhưng vài năm thì họ quen dần. Bọn trẻ cũng không thắc mắc gì hết. Cơ bản vì tôi không muốn trẻ nhận tiền không có lý do chính đáng, và có sự so sánh người này mừng nhiều, người kia mừng chúng ít. Sau tết, lại phải thuyết phục chúng giao tiền lại, vì ko dám để chúng giữ tiền nhiều. Trong khi về lý, đó là tiền của trẻ, bố mẹ ko có quyền can thiệp. Việc lỳ xì ngày trước có thể là phong tục đẹp, nhưng không còn đẹp ở hiện tại. Không thể lấy lý do vì nó là truyền thống đẹp ngày xưa để níu giữ khi hiện tại nó xấu xí. Cái gì không còn giá trị tốt đẹp thì nên mạnh dạn bỏ đi. Và những người tiên phong như tôi và bạn, sẽ có thể vấp phải sự phản đối, nhưng sự thay đổi nào cũng cần có những người tiên phong, nếu ko có những người dám thay đổi đầu tiên, XH sẽ mãi lạc hậu.