• Zalo

Tàu ngầm TP.HCM cần cảnh giác với chiến hạm nước ngoài ở Malacca

Thời sựThứ Sáu, 14/03/2014 11:06:00 +07:00 Google News

Ngày 16/03, tàu Rolldock Star có mặt ở eo biển Malacca, nó phải giáp mặt loạt chiến hạm, máy bay nước ngoài và kilo sẽ học bài học cảnh giác đầu tiên.

Nhân chuyện Kilo, nhận diện các đối thủ của tàu ngầm

Hiện nay, có khoảng trên 40 tàu và 34 máy bay của quân đội và các dịch vụ cứu hộ từ hơn 11 quốc gia đang cùng tham gia vào hoạt động tìm kiếm tại khu vực biển tiếp giáp giữa Malaysia - Việt Nam và eo Malacca. Trong đó, đông đảo nhất là biên đội tàu chiến và máy bay Trung Quốc gồm hàng chục chiếc. Ngoài ra, theo thông tin mới nhất, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ của Nhật Bản và Ấn Độ cũng sẽ tham gia chiến dịch này.

Hiện nay, 9 tàu của Trung Quốc hiện diện ở khu vực này bao gồm: 2 tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn Type 071 mang số hiệu 998 Côn Luân Sơn và 999 Tỉnh Cương Sơn, tàu hộ vệ tên lửa Type 053H3 mang số hiệu 528 Miên Dương, tàu khu trục tên lửa Type 052C mang số hiệu 171 Hải Khẩu, tàu Hải Tuần 31, tàu Nam Hải Cứu 101, Nam Hải Cứu 115, Hải Cảnh 3411.

Trên các chiến hạm và máy bay của các nước đều có các thiết bị tìm kiếm, thăm dò chuyên dụng như radar, sonar, thiết bị định vị…, các thiết bị này đều có khả năng trinh sát, phát hiện và theo dõi tàu ngầm. Tuy nhiên, tàu ngầm Kilo TP Hồ Chí Minh được vận chuyển công khai trên tàu dock nên nó không hề bộc lộ bất cứ tính năng và tham số kỹ thuật nào trước các địch thủ.

Tàu ngầm Kilo Hà Nội được vận chuyển trên tàu Rolldock Sea về Việt Nam
Tàu ngầm Kilo Hà Nội được vận chuyển trên tàu Rolldock Sea về Việt Nam

Ngoài phương thức đối kháng tàu ngầm - tàu ngầm ra, từ trước đến nay, máy bay tuần tiễu chống ngầm cố định là mối đe dọa lớn nhất đối với các tàu ngầm vì tầm bay xa tới hàng chục nghìn km, thời gian lưu không lớn, các thiết bị trinh sát, định vị tàu ngầm tiên tiến. Hơn nữa, nó có khả năng mang theo các vũ khí săn ngầm rất mạnh, trần bay vượt quá độ cao tấn công của các tên lửa phòng không trên tàu ngầm.

Đối tượng thứ 2 là các máy bay trực thăng chống ngầm. Tuy nhiên với phạm vi hoạt động chưa tới 1000km, chúng chỉ có khả năng hoạt động xa tàu mẹ khoảng vài trăm km với khả năng lưu không không lớn, nếu không có chỉ thị mục tiêu sẵn nó khó có khả năng và tầm với để phát hiện được tàu ngầm.

Còn một đối thủ nữa của tàu ngầm các tàu săn ngầm, tuy nhiên các phương tiện trinh sát, phát hiện tàu ngầm của các tàu mặt nước thường chỉ được vài chục km. Hơn nữa, cũng giống như máy bay trực thăng, ngư lôi săn ngầm trên hạm thường chỉ có tầm bắn không quá 15km, quá khó để nó áp sát các tàu ngầm mang các tên lửa chống hạm tầm phóng thường đạt trên 100 km.

Máy bay tuần tiễu săn ngầm cánh cố định như P-8A Poseidon và P-3C Orion vẫn chưa phải là điều làm tàu ngầm lo sợ nhất

Máy bay tuần tiễu săn ngầm cánh cố định như P-8A Poseidon và P-3C Orion vẫn chưa phải là điều làm tàu ngầm lo sợ nhất

Với đặc điểm là các sát thủ dưới đáy biển, tàu ngầm chỉ bộc lộ mình những khi thật cần thiết. Ngay cả khả năng phòng không của chúng cũng đơn thuần để chỉ tự vệ, sử dụng những khi không thể che giấu được hành tung, còn cơ bản là các tàu ngầm chọn phương thức cơ động lẩn tránh để đào thoát khỏi “mắt thần” của các phương tiện săn ngầm.

Hiểm họa lớn nhất đối với tàu ngầm đến từ đâu?

Trên thực tế, các máy bay săn ngầm nếu không phán đoán được hoạt động của tàu ngầm thì rất khó phát hiện được chúng trên một vùng biển lớn. Không phải lúc nào các máy bay cũng có thể quan sát thấy 1 cái kính tiềm vọng hay ống dẫn khí nhô lên khỏi mặt nước hoặc không phải lúc nào các tàu ngầm cũng vô tình đi qua các bãi sonar mà máy bay thả trên mặt biển.

Hơn nữa, trong thực tế tác chiến, các tàu ngầm thường có sự phối hợp hoạt động chặt chẽ với các tàu mặt nước và lực lượng không quân, nên lực lượng máy bay săn ngầm (cả cánh cố định và trực thăng) của đối phương vốn có vận tốc rất chậm sẽ khó mà yên ổn để săn đuổi tàu ngầm, trừ khi chúng hoạt động đơn độc kiểu như một tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo tuần tra chiến lược viễn dương.

Tàu đo đạc âm hưởng JDS Harima (AOS-5202) của Nhật là một trong các “sát thủ tàu ngầm”

Tàu đo đạc âm hưởng JDS Harima (AOS-5202) của Nhật là một trong các “sát thủ tàu ngầm”

Hiểm họa lớn nhất đối với các tàu ngầm hiện nay không phải là máy bay, cũng không phải là các tàu săn ngầm mà nó đến từ các hệ thống thiết bị cảm biến âm thanh mà đối phương bí mật rải dưới đáy biển để trinh sát, phát hiện tàu ngầm. Những thiết bị rất khó phát hiện này thu nhận các xung động thủy âm dưới đáy biển và truyền phát về cho trung tâm chỉ huy phân tích, sàng lọc để phát hiện tàu ngầm.

Hiện nay, Mỹ là nước đi đầu trong hình thức trinh sát kiểu này với một mạng lưới các hệ thống cảm biến dưới đáy biển trên khắp các đại dương, triển khai từ thập niên 60 thế kỷ trước để theo dõi các tàu ngầm Liên Xô. Các tín hiệu truyền về được thu nhận bởi các tàu trinh sát kỹ thuật hoặc tàu đo đạc âm hưởng. Chúng cũng có thể được thu nhận bởi 1 trạm trung gian có nhiệm vụ khuyếch đại và chuyển tiếp đến trung tâm xử lý nên có thể truyền dẫn tín hiệu đi rất xa.

Có thể nói đây mới chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của tàu ngầm. Điều này chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng qua vụ Nhật bị “mất trộm” thiết bị trinh sát ngầm dưới nước có giá trị khoảng 500 triệu yên (khoảng 5 triệu USD). Thiết bị này cho phép theo dõi sự di chuyển của tàu ngầm nước ngoài, bởi nó ghi nhận được những thay đổi trong nhiệt độ nước và sự di chuyển của các dòng hải lưu.

Tàu đổ bộ Côn Luân Sơn của Trung Quốc mang theo 10 người nhái đến tham gia tìm kiếm máy bay mất tích

Tàu đổ bộ Côn Luân Sơn của Trung Quốc mang theo 10 người nhái đến tham gia tìm kiếm máy bay mất tích

Theo báo cáo ngày 29-1-2014 của hải quân Nhật Bản, thiết bị có trọng lượng khoảng 5 tấn được nối bằng dây cáp với con tàu tình báo “Nitinan” đang làm nhiệm vụ tại eo biển Tsugaru (giữa các đảo Honshiu và Hokkaido) đã bị mất trộm từ ngày 30-11-2013. Sau gần 2 tháng lùng sục tìm kiếm dưới đáy biển trong vô vọng, các chuyên viên hải quân Nhật Bản khẳng định là đã bị mất bộ thiết bị vô giá này.

Hiện nay, có mặt tại khu vực tìm kiếm máy bay Malaysia có lực lượng của rất nhiều cường quốc hải quân như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…. Điểm đặc biệt đáng chú ý là phần lớn các chiến hạm tham gia tìm kiếm đều có lực lượng người nhái đông đảo. Ví dụ như trên tàu đổ bộ Type 071 Côn Luân Sơn của Trung Quốc có tới 10 người nhái, còn tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu cũng có 4 chuyên gia bơi lặn.

Khi tham gia lặn biển những người nhái này đều mang theo các thiết bị tìm kiếm, đo đạc và định vị dưới nước để xác định địa hình, địa vật dưới đáy biển. Chúng ta không nghi ngờ mục đích tìm kiếm nhân đạo của họ nhưng biết đâu có thể sau khi thực hiện nhiệm vụ họ có thể làm rơi mất hoặc để quên một số thiết bị trong lòng đại dương. Và rất có thể, trong tương lai chúng sẽ gây rắc rối cho tất cả các tàu ngầm qua lại khu vực này, chứ không riêng gì tàu ngầm Việt Nam.

Bình luận
vtcnews.vn