• Zalo

Tàu chiến Nhật gây tranh cãi khi mang cờ ‘Mặt trời mọc’ đến Hàn Quốc

Quân sự Thứ Hai, 29/05/2023 16:16:51 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Yonhap, dư luận Hàn Quốc cho rằng lá cờ “Mặt trời mọc” là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản và nó gợi nhớ tới ký ức chiến tranh.

Theo Hãng tin Yonhap, ngày 29/5, tàu khu trục JS Hamagiri của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã tới thành phố cảng Busan, đông nam Hàn Quốc, chuẩn bị tham gia một cuộc tập trận chung “Eastern Endeavour 23” (Nỗ lực phương Đông 23) vào ngày 31/5 tới trong vùng biển quốc tế ở phía Đông Nam đảo Jeju.

Tuy nhiên, ngay sau khi JS Hamagiri cập cảng Busan, dư luận Hàn Quốc đã xôn xao vì tàu chiến này treo lá cờ “Mặt trời mọc” - được xem là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Dư luận Hàn Quốc cho rằng sự xuất hiện của lá cờ “Mặt trời mọc” có thể gây ra một cuộc tranh cãi về lịch sử vì lá cờ này gợi nhớ tới ký ức chiến tranh.

Tàu chiến Nhật gây tranh cãi khi mang cờ ‘Mặt trời mọc’ đến Hàn Quốc - 1

Tàu khu trục JS Hamagiri mang lá cờ 'Mặt trời mọc' cập cảng ở Hàn Quốc ngày 29/5. (Ảnh: Yonhap)

Trả lời họp báo về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết bộ này sẽ không đưa vấn đề này ra thảo luận bởi với việc sử dụng lá cờ “Mặt trời mọc” đối với Nhật Bản đã là một thông lệ quốc tế.

Lá cờ “Mặt trời mọc” hiện là cờ hiệu của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản với một hình tròn đỏ ở chính giữa, tượng trưng cho Mặt trời, tỏa ra 16 đường giống 16 tia nắng minh họa cho tên gọi "đất nước Mặt trời mọc". Lá cờ này cũng được Quân đội Hoàng gia Nhật Bản sử dụng trước và trong Thế chiến thứ 2.

Về cuộc tập trận Eastern Endeavour 23, 6 nước gồm Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Canada và Singapore sẽ tham gia cuộc tập trận do Đội đặc nhiệm hàng hải số 7 của Hải quân Hàn Quốc dẫn đầu.

Dự kiến, các nước tham gia tập trận sẽ huy động tổng cộng 7 tàu và 6 máy bay đồng thời thành lập một "trung tâm điều phối đa quốc gia" để phối hợp các trong các hoạt động diễn tập trên biển.

Cuộc tập trận là hoạt động tiếp sau Diễn đàn cấp cao Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) dự kiến diễn ra vào ngày 30/5 trên đảo Jeju.

Trà Khánh(Nguồn: Yonhap)
Bình luận
vtcnews.vn