• Zalo

Tăng trần sau loạt phiên nằm sàn, vốn hóa Quốc Cường Gia Lai vẫn mất nghìn tỷ

Tài chínhThứ Sáu, 21/01/2022 16:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tăng trần sau chuỗi giảm sàn liên tiếp nhưng Quốc Cường Gia Lai vẫn khiến nhà đầu tư lo lắng khi bị đề nghị xem xét trách nhiệm trong vụ chuyển nhượng 32ha đất công.

Cổ phiếu bất động sản nói chung và cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai nói riêng đã có chuỗi ngày tăng ấn tượng sau khi Tân Hoàng Minh có phiên đấu giá kỷ lục lô đất ở Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc và ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu FLC, cổ phiếu ngành bất động sản dẫn dắt đà lao dốc cho VN-Index. Trong đó cổ phiếu QCG ghi nhận 6 phiên giảm sàn liên tiếp.

Trong phiên giao dịch cuối tuần 21/1, cùng với đà hưng phấn của cổ phiếu bất động sản, QCG đảo chiều tăng trần. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn chưa thể yên tâm trong bối cảnh VKSND TP.HCM tiếp tục đề nghị xem xét trách nhiệm của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai trong vụ chuyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

6 phiên giảm liên tiếp, cổ đông mất hơn 2.500 tỷ đồng

Ngày 12/1, QCG ghi nhận phiên giảm sàn đầu tiên kể từ ngày 23/11/2021. QCG giảm 1.600 đồng/cổ phiếu, tương đương 7% xuống 21.600 đồng/cổ phiếu. Trong phiên “mở màn” của chuỗi giảm sàn này, nhà đầu tư không quá lo ngại khi thanh khoản QCG vẫn khá tốt, đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Tăng trần sau loạt phiên nằm sàn, vốn hóa Quốc Cường Gia Lai vẫn mất nghìn tỷ - 1

Mã QGC liên tục lao dốc khiến vốn hóa của Quốc Cường Gia Lai "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang phiên 13/1, vấn đề trở nên đáng ngại hơn khi khối lượng giao dịch “rơi tự do”, giảm từ hơn 2,4 triệu đơn vị xuống chỉ còn gần 202.000 đơn vị. QCG trong tình trạng rớt gía mà không ai mua.

Các phiên sau đó, QCG liên tục giảm sàn với thanh khoản cạn kiệt. Phiên 20/1 mang đến hy vọng cho QCG khi lực cầu bắt đáy cổ phiếu bất động sản xuất hiện mạnh mẽ, hàng loạt mã tăng trần như CEO, DLG, DRH, DXG,…

Không may mắn như các mã kể trên nhưng QCG có thời điểm tăng tới 15.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, áp lực bán tháo xuất hiện mạnh mẽ khiến cầu không đủ để hấp thụ cung. Kết phiên 20/1, QCG ghi nhận thêm phiên thứ 7 giảm liên tiếp.

Sau loạt phiên giảm thê thảm này, vốn hóa thị trường của Quốc Cường Gia Lai bị “thổi bay” 2.517 tỷ đồng.

Thời điểm này, thông tin liên quan đến Quốc Cường Gia Lai được nhà đầu tư quan tâm nhất chính là việc VKSND TP.HCM tiếp tục trả hồ sơ vụ sai phạm trong chuyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho Công an TP.HCM để xác định chính xác thiệt hại vụ án.

Đây là vụ án nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận vì từ sai phạm ở đây, nguyên lãnh đạo TP.HCM và công ty Tân Thuận đã bị khởi tố.

Trước đó, ngày 20/8/2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận, 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) cùng các đồng phạm về  tội vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Cơ quan An ninh điều tra từng cho biết chưa có cơ sở xác định bà Nguyễn Thị Như Loan thông đồng, cấu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi trong việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, không có cơ sở xem xét trách nhiệm đối với bà Loan.

Tuy nhiên, với động thái mới của VKSND TP.HCM, vụ án liên quan đến dự án Phước Kiển có thể có diễn biến mới.

Lợi nhuận giảm sâu

Hiện tại, Quốc Cường Gia Lai chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 nhưng dựa vào những gì đã làm trong 9 tháng đầu năm 2021 và kế hoạch đặt ra trước đó, nhiều khả năng, Quốc Cường Gia Lai có thêm một năm đi lùi.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021, lợi nhuận sau thuế quý III của Quốc Cường Gia Lai chỉ đạt 10,1 tỷ đồng, giảm 11,1 tỷ đồng, tương đương 52,4% so với quý 3/2020; luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 38 tỷ đồng, giảm 24 tỷ đồng, tương đương 38,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm giảm từ 74,1 tỷ đồng xuống chỉ còn 53,3 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 28%. Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cách đây không lâu, Quốc Cường Gia Lai lên kế hoạch lãi trước thuế giảm 22% xuống 100 tỷ đồng.

Với việc lợi nhuận giảm sâu và Quốc Cường Lai lại bị VKSND TP.HCM “gọi tên”, cổ phiếu QCG được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chốt phiên giao dịch hôm nay 21/1, chỉ số VN-Index tăng 7,59 điểm lên 1.482,89 điểm. Toàn sàn có 226 mã tăng, 235 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,04 điểm lên 417,84 điểm. Toàn sàn có 151 mã tăng, 101 mã giảm và 35 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,01 điểm lên 109,68 điểm.

Thanh khoản thị trường khá tốt, tổng giá trị khớp lệnh đạt 25.419 tỷ đồng, tăng 5,4%. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 2,1% và đạt 21.695 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, cổ phiếu "họ" FLC có nhiều mã tăng vọt. Trong đó mã FLC tăng trần 6,6% lên 12.900 đồng/cổ phiếu, ROS tăng trần 6,97% lên 9,050 đồng/cổ phiếu, AMC tăng trần 7%...

Hòa Bình
Bình luận