• Zalo

Tài chính toàn diện giúp phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn

Tài chínhThứ Sáu, 12/11/2021 09:55:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Hệ thống ngân hàng thời gian qua đã tập trung đầu tư vốn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, lãi suất cho các khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn .

Nội dung được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh tại hội thảo quốc gia “Thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam” ngày 10/11.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, nông nghiệp, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước. Trải qua nhiều giai đoạn, Đảng ta luôn chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống của người nông dân.

Do đó trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư vốn, cơ chế thuận lợi về thủ tục, điều kiện, lãi suất... cho khách hàng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

“Hệ thống ngân hàng Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc cấp tín dụng, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nông nghiệp bằng nhiều hình thức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như gói sản phẩm, dịch vụ cho thu mua chế biến xuất khẩu lương thực, gói sản phẩm dịch vụ dành cho hộ sản xuất”, ông Kim Anh nhấn mạnh.

Tài chính toàn diện giúp phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn - 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh.

PGS. TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng cho biết, kênh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn liên tục được phát triển cả kênh truyền thống và kênh hiện đại, từ hệ thống các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các công ty Fintech...

Số lượng sản phẩm dịch vụ ngày càng được đổi mới theo chiều hướng đa dạng, phong phú và có sản phẩm bắt kịp trình độ phát triển khoa học công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

Không những vậy, chất lượng dịch vụ tài chính ngày càng được cải thiện nhờ công nghệ hiện đại, tăng tiện ích cho người dùng lại vừa giảm chi phí giao dịch, phù hợp với mọi đối tượng trong đó có khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, người dân vùng sâu vùng xa.

“Nhờ vậy, khu vực nông thôn đang ngày càng được chú trọng và khai thác nhiều hơn, đem lại lợi ích kinh tế hài hòa cho cả phía nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm tài chính lẫn người dùng, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo tiền đề phát triển kinh tế bền vững trên phạm vi cả nước”, PGS. TS Nguyễn Thanh Phương nói.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có những đánh giá về việc tiếp cận chính sách tín dụng của các hộ gia đình nông thôn.

Đồng thời đưa ra các giải pháp chính sách giúp cải thiện dịch vụ tín dụng cho khu vực nông thôn, đa dạng hóa các nguồn vốn và sản phẩm tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như: xây dựng và triển khai những sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp, phối hợp đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo nhận định của các đại biểu, tài chính toàn diện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam và khu vực này cũng là đối tượng chính cần đến tài chính toàn diện. Trong hơn một năm qua, với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, việc triển khai chiến lược đã diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả, đạt nhiều kết quả cùng thành tựu ấn tượng.

Đáng chú ý, các tổ chức trong phiên thảo luận đều cam kết sẵn sàng đồng lòng cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện, đặc biệt là cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất.

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn