TS Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Tổ chức quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam chia sẻ trên báo Sức khoẻ đời sống, Hạt đu đủ không độc hại và có thể được sử dụng như một chất bổ sung, hoặc được nghiền dùng làm gia vị.
Hạt đu đủ chứa chất chống oxy hóa và có đặc tính kháng khuẩn giúp bảo vệ chống lại các gốc tự do có hại và làm giảm tỷ lệ ung thư, bệnh tim. Hạt được sử dụng để điều trị các vấn đề về sức khỏe như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh nấm candida và nhiễm trùng huyết.
Kháng khuẩn, ký sinh trùng
Hạt đu đủ được dùng như loại thuốc dân gian để điều trị ngộ độc thực phẩm do nhiễm ký sinh trùng, E. coli, các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn khác.
Hạt đu đủ (cả chín và chưa chín) là ứng cử viên hiệu quả như loại thuốc tiềm năng chống lại vi khuẩn gây bệnh cho người và cần phải phân lập các hoạt chất. Chiết xuất hạt đu đủ có đặc tính kháng khuẩn tiềm năng với hoạt tính gây độc tế bào nhẹ.
Chiết xuất dầu hạt đu đủ cho thấy hoạt động kháng nấm. Các axit béo được xác định trong chiết xuất hạt đu đủ (từ quả chín) có thể làm giảm số lượng ký sinh trùng Trypanosoma cruzi ở chuột. Chiết xuất metanol của hạt cũng cho thấy hoạt tính kháng nấm chống lại Aspergillus flavus, Candida albicans và Penicillium citrinium.
Chống ung thư
Hạt đu đủ có thể được sử dụng để phòng ngừa và điều trị các rối loạn liên quan đến viêm, bao gồm cả ung thư. BITC (benzyl isothiocyanate) là hoạt tính sinh học có trong hạt đu đủ được nghiên cứu ở nhiều khu vực khác nhau do ứng dụng rộng rãi của nó. Các ứng dụng BITC trải dài từ thư giãn mạch máu đến ức chế sự tăng sinh ung thư. Tuy nhiên, đây chỉ là nghiên cứu ban đầu về tiềm năng của hạt đu đủ với bệnh ung thư, bạn không nên tự ý áp dụng.
Chống oxy hóa
Hạt đu đủ chứa các hợp chất như etyl axetat, n-butanol, phenolic có thể được sử dụng làm chất chống oxy hóa tự nhiên, hoạt động như chất tẩy gốc tự do mạnh, giảm sự chết của tế bào.
Tác dụng với bệnh tiểu đường
Nghiên cứu được thực hiện về tác dụng hạ đường huyết của chiết xuất nước từ hạt đu đủ được nghiên cứu trên chuột đực bình thường cho thấy, nó làm giảm dần đường huyết lúc đói, triglyceride, cholesterol tổng, LDL- cholesterol (xấu) và tăng HDL- cholesterol (tốt).
Các phân tích hóa thực vật cho thấy sự hiện diện của các alkaloid, flavonoid, saponin, tannin, anthraquinone, anthocyanosides và đường khử trong hạt đu đủ. Hạt đu đủ có lợi trong việc quản lý bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Bảo vệ dạ dày
Chiết xuất hạt đu đủ có thể giúp bảo vệ dạ dày chống lại chứng loét dạ dày do ethanol gây ra ở chuột; làm giảm bài tiết dịch dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác dụng độc hại của ethanol.
Điều này cũng có thể là do các hợp chất hoạt động của chiết xuất polyphenol (chất chống oxy hóa), alkaloid và flavonoid được biết đến là hữu ích cho các rối loạn tiêu hóa và rối loạn chức năng dạ dày, đường tiêu hóa.
Tác dụng với bệnh gan
Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá những thay đổi có thể có trong nồng độ huyết thanh của một số enzyme chức năng gan quan trọng và các hợp chất trong chiết xuất nước của hạt đu đủ ở chuột Wistar, đã chứng minh, các hoạt động điều hòa gan có thể có của hạt đu đủ với tác dụng bảo vệ gan.
Tác dụng với bệnh thận
Chiết xuất nước của hạt đu đủ giúp bảo vệ thận trên chuột Wistar bạch tạng được chứng minh bằng việc giảm các thông số sinh hóa và có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa tổn thương thận do paracetamol gây ra. Điều này ủng hộ việc sử dụng hạt đu đủ trong dân gian trong điều trị rối loạn thận.
Tác dụng tránh thai
Chiết xuất hạt đu đủ ngăn ngừa sự thụ tinh của trứng, giảm số lượng tế bào tinh trùng, làm tổn thương tế bào tinh hoàn, gây vô sinh nam (có thể đảo ngược) và do đó có thể được sử dụng để phát triển dược phẩm tránh thai cho nam giới.
Chiết xuất chloroform của hạt đu đủ cho thấy hiệu quả tránh thai mà không gây độc tính bất lợi, qua trung gian là ức chế khả năng di chuyển của tinh trùng.
Cách ăn hạt đu đủ
Báo Thanh niên dẫn chia sẻ của chuyên gia trên trang The Indian Express cho biết, trước khi dùng hạt đu đủ, điều quan trọng mà bạn cần biết là nên ăn chừng mực. Bạn cũng có thể đi gặp chuyên gia dinh dưỡng để họ đưa ra lời khuyên tốt hơn cho bạn.
Hạt đu đủ có vị đắng, vì thế nên bạn không cần cắn trực tiếp vào hạt. Bạn có thể xay hạt đu đủ thành bột rồi pha vào sinh tố, nước ép hoặc món tráng miệng của bạn. Bạn cũng có thể thêm một ít đường thốt nốt hoặc mật ong để làm cho nó có vị ngọt.
Bình luận