• Zalo

Sức hút của nhóm ngành kinh tế, quản lý đô thị với các bạn trẻ thời 4.0

Giáo dụcThứ Hai, 26/06/2023 09:00:00 +07:00 Google News

Các ngành học như Kinh tế xây dựng, Quản lý bất động sản, Kinh tế đầu tư… luôn thu hút lượng lớn hồ sơ đăng ký của thí sinh mỗi mùa tuyển sinh đại học.

TS.KTS Nguyễn Thị Lan Phương (Trưởng khoa Quản lý đô thị, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết, bên cạnh hai chuyên ngành truyền thống là Kinh tế xây dựng và Quản lý xây dựng, hai năm nay khoa tuyển sinh thêm 4 chuyên ngành mới. Các chuyên ngành này đều phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, gồm: Quản lý bất động sản, Quản lý vận tải và Logistics, Kinh tế phát triển, Kinh tế đầu tư, với tổ hợp các môn xét tuyển: A00, A01, C01 và D01.

Chất lượng đào tạo cùng “đầu ra” vững chắc

Khoa Quản lý đô thị hội tụ đội ngũ giảng viên được đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Khoa luôn chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Đáng chú ý, chương trình đào tạo của khoa được điều chỉnh theo hướng tiếp cận CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), đáp ứng theo chuẩn quốc tế, chú ý đào tạo kỹ năng bên cạnh các kiến thức cốt lõi. Chương trình đào tạo được xây dựng chuẩn đầu ra có sự tham gia của các đơn vị sử dụng lao động.

Sức hút của nhóm ngành kinh tế, quản lý đô thị với các bạn trẻ thời 4.0 - 1

Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp nhận được sự quan tâm lớn từ sinh viên và các doanh nghiệp tài trợ.

Đồng thời, khoa chủ động “đón nhận” các thông tin từ thị trường lao động, các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng… để cung cấp các kỹ năng, thái độ công việc, bên cạnh kiến thức chuyên môn cho sinh viên, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được ngay với thị trường việc làm.

Ngoài các kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn được học các môn liên thông trong khối ngành. Từ đó, sinh viên được lĩnh hội các kiến thức tổng quan đa ngành về kinh tế xây dựng, xuất nhập khẩu, pháp lý.

TS.KTS Nguyễn Thị Lan Phương bật mí, ngoài sự liên kết bền chặt với mạng lưới doanh nghiệp, Hội nghề nghiệp, khoa Quản lý đô thị thường xuyên “gửi” sinh viên đi thực tập tới các cơ quan, tổ chức, công ty, tập đoàn… Sinh viên được trải nghiệm các khóa đào tạo tại các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Quá trình này giúp sinh viên được “rèn luyện”, tiếp cận thực tế với mục tiêu cao nhất là đào tạo nhân lực “làm được việc”, năng động và có thu nhập khá ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trần Tuệ Minh (Lớp 22RM, ngành Quản lý bất động sản) chia sẻ: “Nhiều người cho rằng, sinh viên năm nhất, năm thứ hai tham gia thực tập là quá sớm nhưng em nhận thấy, việc học nên đi đôi với hành. Thực tập càng sớm càng tốt, điều này giúp bản thân có kiến thức rộng, không chỉ là những bài giảng ở lớp mà còn là kỹ năng thực tế”.

Với đặc thù năng động, có trách nhiệm, “học và làm” hiệu quả, không hiếm khi bắt gặp những bạn sinh viên năm 2 khoa Quản lý đô thị năng nổ tham gia vào các doanh nghiệp với tư cách đi làm thêm, đi tư vấn… Hoạt động này có tác dụng bổ trợ học tập, giúp sinh viên nâng cao thành tích học tập tốt nhất.

Sức hút của nhóm ngành kinh tế, quản lý đô thị với các bạn trẻ thời 4.0 - 2

Các hoạt động thể dục thể thao là minh chứng “năng động” cho sinh viên.

Phong trào sinh viên sôi động, phát triển toàn diện

Theo tiến sĩ Cù Thanh Thuỷ - Trưởng bộ môn Kinh tế phát triển, bên cạnh việc học, sinh viên liên tục được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi, các chương trình văn nghệ, thể thao… trong trường và ở Liên chi đoàn khoa.

“Khoa đang tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp. Cuộc thi nhận được sự ủng hộ, đồng hành, tài trợ từ nhiều công ty, doanh nghiệp, nhằm thu hút các ý tưởng độc đáo, khả thi của sinh viên, dù là sinh viên năm nhất”, TS Cù Thanh Thủy chia sẻ.

Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động khác nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo sinh viên như hoạt động tình nguyện, hiến máu, team building, giải bóng đá… Hàng năm, trong chuỗi sự kiện Chào tân sinh viên của trường, đội nhảy Flashmob của khoa đã vinh dự nhận “kỷ lục” số lần giành quán quân.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn