• Zalo

Sự thật bất ngờ vụ Mỹ dội bom sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư 22 năm trước

Thời sự quốc tếThứ Năm, 03/06/2021 10:58:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

22 năm trôi qua, vụ Mỹ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư vẫn là một chủ đề thu hút sự chú ý đông đảo của người dân Trung Quốc.

Ngay sau khi cuộc gặp căng thẳng ở Alaska giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc hồi cuối tháng 3 kết thúc, nhiều bài báo liên quan tới vụ Mỹ oanh tạc Đại sứ quán ở Nam Tư năm 1999 bắt đầu xuất hiện. 

"Tại sao Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị tấn công bằng bom dẫn đường chính xác của Mỹ vào năm 1999?", một bài báo giật tít. 

Mỹ luôn khẳng định vụ đánh bom cách đây 22 năm là một tai nạn và mục tiêu thực sự của NATO là ném bom vào một cơ sở gần đó. 

Nhưng người Trung Quốc không tin vào lời giải thích này, họ luôn tìm kiếm về những gì thực sự xảy ra đêm đó. 

Sự thật bất ngờ vụ Mỹ dội bom sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư 22 năm trước - 1

Một phần của đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư sau vụ đánh bom của Mỹ. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, việc sự vụ năm 1999 bắt ngờ được đào lại được xem là một hiện tượng lạ. Dường như có ai đó đang cố tình tiết lộ những bí mật lẩn khuất đằng sau nó, theo Nikkei Asia. 

Tháng 5/1999, 5 quả bom dẫn đường chính xác phóng từ máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ dội xuống Đại sứ quán Trung Quốc. Ba công dân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 20 người bị thương. Vụ việc làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn chống Mỹ ở Bắc Kinh.

Bất chấp lời xin lỗi từ Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton, chính phủ Trung Quốc khẳng định không có chuyện "lỗi bản đồ" như Washington bao biện. Nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra bất cứ bằng chứng nào chứng minh đây là một cuộc tấn công có kế hoạch của Mỹ.

Các bài báo xuất hiện gần đây đi sâu vào vấn đề này. Các tác giả đề cập tới giả thiết Đại sứ quán Trung Quốc bị nhắm đến là do sự tồn tại của xác máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ trong cơ sở ngoại giao này. 

Một tháng trước vụ đánh bom, một máy bay chiến đấu tàng hình F-117 Nighthawk của Mỹ được điều động tới cuộc xung đột ở Kosovo bị tên lửa đất đối không do Nga sản xuất bắn hạ. 

Các mảnh vỡ nằm ngổn ngang trên đất canh tác, một số bộ phận sau đó được trưng bày tại bảo tàng hàng không tại thủ đô Belgrade của Serbia.

Tuy nhiên, các đặc vụ Trung Quốc cũng đi khắp khu vực, thu mua các bộ phận của chiếc máy bay bị bắn hạ từ nông dân địa phương.

Với Trung Quốc, F-117 Nighthawk - chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên trên thế giới dù đã trở thành phế liệu vẫn có thể giúp Bắc Kinh nghiên cứu công nghệ.

Sự thật bất ngờ vụ Mỹ dội bom sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư 22 năm trước - 2

Mảnh vỡ của chiếc F-117 sau khi bị bắn hạ. (Ảnh: Reuters)

"Chúng tôi tin người Trung Quốc đã sử dụng những tài liệu đó để tìm hiểu sâu hơn về các công nghệ tàng hình bí mật và thiết kế ngược lại chúng", Davor Domazet-Loso - cựu Tham mưu trưởng quân đội Croatia cho hay. 

Theo các bài báo mà nhiều trang tin Trung Quốc đăng tải, Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ Nam Tư chia sẻ phần còn lại của đống đổ nát mà nước này thu hồi. Sau các thỏa thuận, Bắc Kinh có được hệ thống dẫn hướng, phần thân chính tàng hình và bộ phận vòi phun động cơ chịu nhiệt.

Nhưng do thực hiện chiến dịch "thu gom" trong bí mật, Trung Quốc khó có thể quang minh chính đại vận chuyển các bộ phận trên bằng đường biển hoặc đường hàng không. Không còn lựa chọn nào khác, Bắc Kinh cất giữ tạm chúng trong tầng hầm của sứ quán ở Ba Tư. 

Quân đội Mỹ nhanh chóng "đánh hơi" được ra các tín hiệu định vị phát ra từ đống đổ nát và nhận biết vị trí hiện tại của của các mảnh F-117. 

Các bài báo kết luận đội hình B-2 được điều động với sứ mệnh giữ kín bí mật quân sự, không để nó rơi vào tay Trung Quốc. 

Trong những năm tiếp theo, Trung Quốc tìm cách nâng cấp công nghệ tàng hình và tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tên lửa dẫn đường bằng laser. Một bài phân tích đăng tải năm 2011 của AP khẳng định công nghệ cho chiến cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ chiếc máy bay F-117 bị bắn rơi.

Các bài báo mới đây khẳng định trong hai thập kỷ sau vụ đánh bom, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách sức mạnh với Mỹ. 

Điểm đáng chú ý trong các bài báo này là các tác giả không khẳng định mà sử dụng các tham chiếu gián tiếp như "được cho là" hoặc "theo thông tin lan truyền trên mạng". 

Nhưng sự thay đổi lập trường của Trung Quốc liên quan tới vụ việc khiến nhiều người bất ngờ. 

Tại Trung Quốc, các bài đăng đều được giám sát và kiểm soát chặt chẽ. Giới chức có thể xóa bỏ bất cứ bài báo nào mà họ cho là không phù hợp. Nhưng các bài viết về sự kiện năm 1999 không bị xóa bỏ, cho thấy dường như giới chức Trung Quốc ngầm chấp nhận chúng. 

Sự thật bất ngờ vụ Mỹ dội bom sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư 22 năm trước - 3

Tiêm kích J-20 của Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Vậy nguyên nhân các nhà chức trách Trung Quốc lại bật đèn xanh là gì?

Đầu tiên, hầu hết người Trung Quốc đều tin rằng vụ đánh bom đại sứ quán là có chủ ý. Việc tung "bằng chứng" cho lập luận đó càng làm nổi bật những tội lỗi trong quá khứ của người Mỹ.

Thứ hai, giới chức Trung Quốc rõ ràng đang nêu bật sự tiến bộ theo cấp số nhân trong các công nghệ quân sự của nước này sau vụ việc 2 thập kỷ trước. 

Trong các cuộc biểu tình chống Mỹ năm 1999, sinh viên Trung Quốc cầm các biểu ngữ với các khẩu hiệu như "Đừng coi thường người Trung Quốc" và "Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới trong tương lai"

Vào thời điểm đó, nó được xem là giấc mơ viển vông. Nhưng mục tiêu giờ đang nằm trong tầm với của Bắc Kinh. 

Trong kế hoạch dài hạn tới năm 2035, Trung Quốc đặt mục tiêu đuổi kịp Mỹ về mặt quân sự cũng như kinh tế.

Tuần trước, trong một bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu về khoa học-công nghệ và đạt được "sự tự cường trong lĩnh vực khoa học công nghệ".

Khi đưa tin về bài phát biểu này một ngày sau đó, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc chiếu cảnh phi đội J-20 chao liệng trên bầu trời như sự khẳng định về niềm tự hào dân tộc.

Song Hy(Nguồn: Nikkei Asia)
Bình luận
vtcnews.vn