• Zalo

Sử dụng hè phố để rửa xe bị xử phạt thế nào?

Hòm thư pháp luật Thứ Năm, 08/02/2024 13:25:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Thực tế, nhiều người, nhất là ở thành phố vẫn sử dụng hè phố để rửa xe mà không biết đó là hành vi vi phạm, bị xử phạt hành chính.

Quy định về sử dụng vỉa hè

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Nghị định 78/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 148/2016/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý thị trường, một số đối tượng sau đây không phải đăng ký kinh doanh trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện:

Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động. Làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Khoản 1 Điều 3 của Nghị định 39/2007/NĐ-CP có quy định chi tiết về 6 trường hợp không phải đăng ký kinh doanh gồm:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong.

Chiếm dụng lòng đường, vỉa hè rửa xe máy. (Ảnh: VOV)

Chiếm dụng lòng đường, vỉa hè rửa xe máy. (Ảnh: VOV)

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định.

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định.

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến, để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ.

đ) Thực hiện các dịch vụ đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh…”.

Như vậy theo quy định trên thực hiện dịch vụ rửa xe phải đăng ký kinh doanh. Còn hành vi sử dụng hè phố để rửa xe là hành vi bị nghiêm cấm.

Sử dụng hè phố để rửa xe bị xử phạt thế nào?

Sử dụng hè phố để rửa xe có thể bị xử phạt hành chính theo Điểm b Khoản 5 và Điểm d Khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị, rửa xe, đặt hoặc treo biển hiệu, biển quảng cáo… làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thu dọn phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Như vậy, hành vi sử dụng hè phố để rửa xe sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức.

Truy cứu trách nhiệm hình sự?

Sử dụng hè phố để rửa xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cản trở giao thông đường bộ như sau:

“Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ: 1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ.

Đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ.

Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác.

Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách.

Rửa xe máy phải được thực hiện đúng quy định pháp luật. (Ảnh: Xuân Tiến)

Rửa xe máy phải được thực hiện đúng quy định pháp luật. (Ảnh: Xuân Tiến)

Sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ.

Gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm chết người.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

Như vậy, hành vi sử dụng hè phố để rửa xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

CHÂU THƯ
Bình luận
vtcnews.vn