• Zalo

Sự cố truyền thông 'nước mắm có thạch tín': Masan ‘bốc hơi’ gần 2.800 tỷ đồng

Kinh tế Thứ Ba, 25/10/2016 12:58:00 +07:00Google News

Bị nghi đứng đằng sau scandal "nước mắm chứa thạch tín", chỉ trong vài ngày, công ty Masan “bốc hơi” gần 2.800 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Mới đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Thông tin sốc mà Vinastas đưa ra chính là “nước mắm càng cao đạm, càng chứa nhiều thạch tín”.

Chưa rõ tính xác thực của thông tin này, không ít người tiêu dùng hoang mang. Thậm chí, Fivimart còn nhanh nhảu dừng bán nước mắm truyền thống. Thông tin này khiến nước mắm truyền thống có nguy cơ lao đao.

Từ đó, có tin đồn cho rằng công ty cổ phần Tập đoàn Masan, đơn vị cung cấp nước mắm công nghiệp Chinsu, Nam Ngư đứng đằng sau scandal này.

Mặc dù Masan nhanh chóng phủ nhận tin đồn nhưng thay vì tẩy chay nước mắm truyền thống, không ít nhà đầu tư đã nói không với cổ phiếu MSN của Masan.

nuoc mam truyen thong

 Nước mắm truyền thống lao đao vì thông tin Vinastas đưa ra

 Trong những phiên giao dịch của tháng 10, cổ phiếu MSN liên tục sụt giảm.

Chốt phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu MSN dừng ở mức 66.300 đồng/CP, giảm 3.700 đồng/CP, tương ứng 5,3% so với phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10. Đà giảm của MSN khiến vốn hóa thị trường công ty cổ phần tập đoàn Masan “bốc hơi” 2.797,5 tỷ đồng.

Sếp lớn Masan là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi cổ phiếu Masan sụt giảm. Là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Masan, trong những ngày qua, bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Masan chứng kiến khối tài sản khổng lồ của mình hao hụt 105 tỷ đồng.

Hiện nay, với khối tài sản đạt 1.866 tỷ đồng, bà Yến rơi xuống vị trí thứ 11 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trước đây, vị trí quen thuộc của bà Yến là thứ 7 hoặc thứ 8.

Không nổi tiếng nhiều trên thương trường nhưng ông Madhur Maini, doanh nhân người Ấn Độ lại đứng trong Top 50 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhờ sở hữu khối lượng lớn cổ phiếu MSN.

Khi MSN giảm sâu, tài sản của vị thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Hàng Tiêu dùng Masan - Masan Consumer (MSF) – công ty con của Masan - “bốc hơi” 24,4 tỷ đồng xuống 437,4 tỷ đồng.

Là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Masan nhưng ông Nguyễn Đăng Quang lại không nắm giữ bất cứ cổ phiếu MSN. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bà Nguyễn Hoàng Yến, vợ ông Quang đang sở hữu lượng cổ phiếu MSN trị giá 1.866 tỷ đồng.

Ngoài bà Yến, bà Nguyễn Quý Định, mẹ ông Quang cũng nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu MSN. MSN giảm giá khiến tài sản của bà Định “bốc hơi” gần 5 tỷ đồng. Với việc tài sản “chỉ” có 88 tỷ đồng, bà Định không lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Đây không phải tin xấu nhất với Masan. Tính từ cuối năm 2015, cổ phiếu MSN còn giảm sâu hơn. Cụ thể, so với phiên giao dịch 30/12/2015, MSN đã giảm 10.700 đồng/CP. MSN “thổi bay” 8.090 tỷ đồng vốn hóa thị trường Masan. Còn tài sản của bà Yến giảm 302,6 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy, sự cố truyền thông "nước mắm thạch tín" dường như ít nhiều góp phần đẩy giá cổ phiếu MSN đi xuống, từ đó khiến Masan chịu thiệt hại lớn. Nhưng trong thời gian gần đây, đây không phải lần đầu tiên Masan có liên quan đến sự cố truyền thông.

Hồi đầu tháng 8, Vinacafé gây xôn xao dư luận khi tung ra thông điệp gợi cảm giác bất thường, khi khẳng định kể từ 1/8 sẽ bán cà phê nguyên chất, thay vì cà phê chứa cả đậu nành mà hãng vẫn cung cấp trước đây.

Theo đánh giá của Trí Thức trẻ, thông điệp dù ngay lập tức gây ra nhiều tranh cãi, được ví như "một lời tự thú ngây ngô", hay "lỗi copywriting đáng giá từng đồng", nhưng đồng thời mang tới hiệu ứng lan truyền hiệu quả cho Vinacafé.

Sau khi Vinacafé phủ đầy mặt báo với chiêu thức này, Masan công bố chi 444 tỷ đồng mua thêm cổ phần tại Vinacafé.

Khi dư luận xôn xao với “nước mắm càng cao đạm, càng chứa nhiều thạch tín”, Masan nhanh chóng tung ra quảng cáo nước mắm không thạch tín. Có thể trước đây, Masan thành công với các chiêu trò PR nhưng hiện tại, ít nhất, cổ đông Masan có phản ứng với Masan bằng cách bán ra cổ phiếu này khiến giá MSN sụt giảm.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn