• Zalo

Số phận ‘rắn mất đầu’ PVL sẽ ra sao?

Kinh tếThứ Ba, 25/03/2014 07:19:00 +07:00Google News

(VTC News) – Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) đang lâm vào tình trạng bết bát khi “mất chủ”, làm ăn thua lỗ, các dự án thì tai tiếng.

(VTC News) – Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) đang lâm vào tình trạng bết bát khi “mất chủ”, làm ăn thua lỗ, các dự án thì tai tiếng.

Dự án tai tiếng
PVL được xem là công ty địa ốc có nhiều bê bối nhất trong các đại gia địa ốc. 2 dự án được coi là “tai tiếng” nhất của doanh nghiệp này là Petrovietnam Landmark tại quận 2 (TP HCM) và Green House ở Thủ Đức (TP HCM).
Với Petrovietnam Landmark, dự án từng gây xôn xao vào hồi tháng 10/2011 khi PVL thông báo đại hạ giá bán 85 căn hộ tại dự án này từ 21,36 triệu đồng/m2 (bao gồm thuế VAT), xuống thấp nhất là 15,5 triệu đồng/m2, nhưng rồi kết quả bán hàng cũng trầy trật.

Kể từ năm 2012 trở lại đây, dự án này đã trở thành tâm điểm của các dự án chậm tiến độ liên tục bị khách hàng “đội đơn” khiếu nại từ Nam chí Bắc.
 
Trong khi đó, Dự án Green House cũng chẳng kém cạnh gì về mặt tai tiếng. Được khởi công xây dựng từ tháng 7/2010, dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong tầng hầm và móng, Dự án bị “trùm mền” đến nay.
Cuối năm 2012, vì không còn khả năng tiếp tục xây dựng, PV Land đã công bố bán tháo dự án này thông qua hình thức bán đấu giá với mức giá khởi điểm 51 tỷ đồng. Theo PVL, Công ty đã đầu tư 163,3 tỷ đồng vào Dự án Green House, như vậy, nếu bán thành công ở mức 51 tỷ đồng, dự kiến PVL sẽ lỗ 112,3 tỷ đồng từ Dự án. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa bán được.
Tại Hà Nội, dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng (sát cạnh Keangnam) cũng không kém phần rắc rối khi dự án này suốt 11 năm giao đất liện tục bị đổi vận. 
Theo lời giới thiệu, đây là dự án Tổ hợp công trình TTTM, văn phòng và nhà ở được xây trên khu đất 9.584m2. 
Tháng 10/2002 Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất và giao cho công ty Xuyên Thái Bình Dương (nay là CTy CP Địa ốc dầu khí Viễn thông) làm nhà tang lễ. Đến 2006, Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu đất này từ dự án Nhà tang lễ thành dự án Nam Đàn Plaza. Năm 2009, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã duyệt điều chỉnh quy hoạch và phương án thiết kế, đến tháng 11/2009 thì dự án được chấp thuận đầu tư.
Năm 2012 Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị thu hồi hoặc gia hạn quyết định giao chủ đầu tư dự án, tuy nhiên đến nay khu đất đang là bãi để xe, trụ sở điều hành công ty.
Để đầu tư vào dự án, PVL đã thành lập công ty liên kết với Công ty Xuyên Thái Bình Dương là CTCP địa ốc dầu khí Viễn Thông, hiện đang là chủ đầu tư dự án, PVL nắm 27,99%. Do dự án này gặp một số khó khăn, nên PVL đã có chủ trương thoái vốn.

Theo bản công bố thông tin bất thường vào tháng 8/2010, PVL cho biết, đã bán phần vốn tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho CTCP Xây dựng Minh Ngân với trị giá hơn 191 tỷ, và Minh Ngân đã trả 100 tỷ cho PVL, còn lại 91,7 tỷ chưa trả đến 28/4/2010 theo hợp đồng là hết thời hạn nhưng Minh Ngân đã quá hạn trả nợ 3 tháng.

PVL đã gửi nhiều công văn đề nghị thanh lý Hợp đồng và hoàn lại tiền cũng như cổ phần, nhưng Minh Ngân vẫn không thanh toán theo cam kết. Sau đó, PVL đã “tố” Minh Ngân ra tòa và cơ quan điều tra C46.
Lỗ liên tiếp

Công Cổ phần địa ốc Dầu khí tiền thân là Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam, thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư bất động sản, hiện Công ty này đang niêm yết 50 triệu cổ phần trên sàn HNX với mã chứng khoán PVL.


Theo báo cáo tài chính năm 2013 của Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (Mã CK: PVL), riêng quý IV, doanh nghiệp này lỗ ròng 9,4 tỷ đồng, trong khi con số của cùng kỳ năm trước là 4,5 tỷ. 
Lũy kế cả năm 2013, Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí lỗ lên hơn 31,3 tỷ đồng. Năm trước đó, PVL lỗ hơn 26,3 tỷ đồng.
PVL cho rằng chi phí dịch vụ và mua ngoài tăng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp lỗ sâu hơn, dù chi phí quản lý được tiết giảm.

Vô chủ
Ngày 17/1, Cơ quan An ninh điều tra –Bộ Công an đã có Thông báo về việc khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Dầu khí ( PVL ), về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật hình sự.
PVL như “rắn mất đầu” và số phận các dự án bất động sản nói trên sẽ ra sao vẫn là một câu hỏi ngỏ và những khách hàng đã trót góp vốn vào các dự án này lại như “ngồi trên lửa”.
Một thành viên của PVL cho biết, sau khi ông Sáu bị bắt, 2 thành viên HĐQT độc lập đã vừa có đơn xin từ nhiệm gửi đến Công ty. Về phía Ban Tổng giám đốc, Tổng giám đốc Phạm Văn Hùng mới được bổ nhiệm từ tháng 8/2013, nhưng trước sự rối ren của PVL, ông Hùng đã uỷ quyền điều hành cho 1 Phó tổng giám đốc (ông Đinh Ngọc Bình), hiện ông Hùng đã rời vị trí điều hành Công ty.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Bình cho rằng, trong tình trạng Công ty “vô chủ” như lúc này, ông cũng chỉ tạm nắm quyền điều hành để “gọi là có người” đứng ra bàn giao.
Hiện cổ đông lớn nhất của PVL là Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - sở hữu 14% vốn của PVL. Cổ đông này đang muốn tổ chức Đại hội cổ đông. 
Ngày 4/3/2014, PVC đã ký thông báo triệu tập Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần PVL.
Không tiền, không lãnh đạo chủ chốt, PVL đã gửi Công văn sang Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam chấp thuận và khẳng định không khiếu nại việc để cổ đông lớn PVC đứng ra tổ chức đại hội thay doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo chính ông Ngọc Bình, Phó tổng giám đốc PVL - người tạm nhận ủy quyền điều hành Công ty - thì lần đầu tổ chức đại hội cổ đông PVC chưa chắc đã thành công (tối thiểu cần 65% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự) trong khi, PVL có tới 5.000 cổ đông, trong đó, lớn nhất là PVC (sở hữu 14%), còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ, phân tán.
Dự báo trước khả năng này, cổ đông lớn PVC đặt lịch Đại hội lần 2 cho PVL là ngày 6/4 (tối thiểu cần 51% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự) và lần 3 là ngày 20/4 (không quy định tỷ lệ dự tối thiểu).
Bán rẻ con, có cứu được mẹ?
Niềm hy vọng duy nhất của PVL nhiều tháng nay là ở khả năng bán được dự án Petrovietnam Greenhouse tại Thủ Đức, TP HCM. Dự án này đã được HĐQT Công ty quyết bán từ tháng 12/2012 bằng hình thức đấu giá với giá khởi điểm 51 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa tìm được người mua.
Nếu PVL bán được dự án trên, Công ty sẽ có tiền trả các khoản nợ hiện hữu (lớn nhất là khoản nợ một ngân hàng, trên 20 tỷ đồng), trả nợ lương nhân viên, đồng thời trang trải các chi phí tối thiểu để bắt đầu hoạt động trở lại. 
“Nhưng nếu dự án không bán được, PVL vẫn cứ muôn vàn khó khăn, mọi hoạt động của Công ty tiếp tục tê liệt”, một thành viên PVL nói.
Dù PVL đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhưng thực tế số phận PVL ra sao vẫn là câu hỏi lớn đối với những người trong cuộc và dư luận.


Châu Anh
Bình luận