Video: Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý cho Luật Giáo dục
Sáng 29/5, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc sinh viên sư phạm phải đóng học phí nhưng được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học.
- Những nội dung mới trong Luật Giáo dục được trình ra Quốc hội lần này, thưa bà?
Vấn đề tăng lương cho giáo viên thì Hội nghị Trung ương 7 vừa qua đã có đề án liên quan cải cách tiền lương cho cán bộ công chức trong đó có cả đối tượng là giáo viên vì vậy tôi nghĩ rằng, đầu tiên dự thảo luật ở điều 81 cũng có quy định liên quan chế độ tiền lương nhưng theo căn cứ đề án tăng lương của Hội nghị Trung ương đã được thông qua và thể chế hóa trong thời gian tới nên không quy định tiền lương của nhà giáo trong Luật Giáo dục lần này.
Chúng tôi cũng đồng tình điều đó tuy nhiên cũng phải thống nhất quan điểm là chế độ và tiền lương cho nhà giáo phải thu hút. Hiến pháp ghi giáo dục là quốc sách hàng đầu nên phải được thể chế hóa bằng chính sách để thu hút người giỏi người tài, tâm huyết vào giáo dục. Khi có những người giỏi người tài vào ngành giáo dục thì sản phẩm đầu ra sẽ có chất lượng tốt hơn.
- Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục quy định học sinh, sinh viên sư phạm sẽ phải đóng học phí như sinh viên các ngành khác, nhưng được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, thưa bà?
Kỳ này, luật Giáo dục đã thay đổi điều đó. Việc thu hút liên quan đến vay ưu đãi thì cũng theo xu thế hội nhập vì thực tế nhiều sinh viên sư phạm được tạo điều kiện về học phí, không phải đóng học phí nhưng khi ra trường lại không đi theo ngành sư phạm mà chuyển sang nghề khác.
Hiện nay, cho sinh viên sư phạm vay ưu đãi để cho việc đóng học phí là phù hợp với xu thế chung. Sinh viên đi vay được ưu đãi và sau đó có sự cống hiến trở lại. Chính sách này phù hợp với xu hướng chung.
- Nâng chuẩn đầu vào ngành sư phạm, sinh viên không được ưu đãi học phí vậy mà mức lương cử nhân sư phạm thấp thì liệu có thu hút được người tài vào ngành không, thưa bà?
Chúng ta phải nhận thấy cái quan trọng là số lượng, dự báo nhu cầu của xã hội với gành giáo dục. Ví dụ nếu như năm nay cần 1.000 giáo viên thì đào tạo 1.000 giáo viên hoặc hơn một chút. Sau đó, chúng ta kiểm soát hệ thống việc làm ngành giáo dục.
Hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng phát triển nên việc trả lương cho nhà giáo còn liên quan đến chất lượng giáo viên. Việc thu hút học sinh giỏi vào ngành giáo dục để từ đó tạo ra sản phẩm tốt thì cũng được xuất phát trên chính sách thu hút học phí, đầu vào.
Kể cả nâng chuẩn đầu vào cũng không hạn chế mọi người vào ngành sư phạm. Nếu đầu ra được đánh giá theo quá trình đào tạo và có vị trí tương ứng và dự báo cung – cầu phù hợp thì việc thu hút sinh viên giỏi không phải khó.
Chính thời gian qua, lấy vấn đề học phí để thu hút sinh viên thi vào ngành giáo dục chưa phải là biện pháp thu hút người giỏi, người tài vào lĩnh vực này.
- Khi cho sinh viên sư phạm được vay vốn ưu đãi thì phải cống hiến trong bao lâu trong ngành mới có thể được xoá nợ, thưa bà?
Tôi nghĩ đó là những mong muốn định hướng còn việc thể chế hóa còn được hướng dẫn bởi văn bản dưới luật và thực tiễn ví dụ xóa nợ trong bao nhiêu năm vay mức bao nhiêu được xóa.
Ý tưởng tốt và đúng đắn phù hợp nguyện vọng cử tri nhưng triển khai thực tiễn như thế nào thì cần thể chế hóa. Đây mới là lần đầu tiên thảo luận luật này được đưa ra và cần hoàn thiện hơn nữa.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận