Cụ thể, theo CNBC, cơ quan chức năng Singapore cho hay có đủ cơ sở để nghi ngờ rằng có thể thương vụ Grab thâu tóm mảng hoạt động tại Đông Nam Á của Uber đã vi phạm các nguyên tắc về cạnh tranh.
Trong một động thái hiếm gặp, Cục Cạnh tranh Singapore đã mở một cuộc điều tra chi tiết thương vụ và đề xuất biện pháp tạm thời là yêu cầu Uber và Grab giữ nguyên cơ chế báo giá trước cuốc xe.
Đề xuất này cũng yêu cầu Uber và Grab tạm ngừng hiện bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến việc hợp nhất các hoạt động kinh doanh của hai hãng ở Singapore, một động thái có thể gây trở ngại lớn cho quá trình rút khỏi Đông Nam Á của Uber sau nhiều năm lỗ lớn.
Đây là lần đầu tiên Cục Cạnh tranh Singapore đưa ra đề xuất dạng này với doanh nghiệp trong nước.
Sau khoảng 4 năm bước vào cuộc đua đốt vốn vô cùng tốn kém để chiếm lĩnh thị phần, Uber đã bị chính Grab thâu tóm, đổi lại một lượng cổ phần của liên doanh mới.
Grab cho biết đã mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á. Đổi lại, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần tại Grab và CEO Dara Khosrowshahi của Uber sẽ có ghế trong hội đồng quản trị của Grab.
Cơ quan chức năng Singapore hiện yêu cầu Grab không sát nhập bất cứ dữ liệu nào từ Uber, bao gồm cả khách hàng, tài xế đối tác và khung giá.
Video: Hành trình 5 năm vào thị trường và 'bán mình' của Uber ở Đông Nam Á
Hai hãng sẽ có quyền gửi phản hồi về Cục Cạnh tranh Singapore sau khi nhận được đề xuất trên. Tuy nhiên theo Cục này, vẫn chưa có phản hồi nào từ Uber và Grab tính tới 30/3.
Đây là thương vụ sát nhập lớn đầu tiên trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe tại Đông Nam Á. Dự kiến sau thương vụ, Uber sẽ có nguồn lực để tập trung vào các thị trường khác như Ấn Độ, Nhật Bản và chuẩn bị cho đợt lên sàn vào năm 2019.
Uber đã lỗ 4,5 tỷ USD trong năm 2017 vì cạnh tranh gay gắt ngay tại Mỹ và khắp châu Á, cũng như vấp phải nhiều vấn đề pháp lý tại châu Âu. Hãng đã đầu tư khoảng 700 triệu USD vào thị trường Đông Nam Á.
Bình luận