• Zalo

Sếp Petrolimex: Thuế môi trường 8.000 đồng không có nghĩa giá xăng tăng

Chính sách thuế và cuộc sống Thứ Ba, 07/02/2017 14:55:00 +07:00Google News

Theo VCCI, thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng sẽ tác động xấu đến nền kinh tế, còn ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết không phải tăng thuế là giá xăng tăng.

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng, dầu lên gấp 2-3 lần so với khung hiện hành.

Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng etanol), mức thuế dự kiến sẽ tăng 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp dụng mức 2.500-7.200 đồng/lít. 

VCCI: Thuế môi trường tăng lên 8.000 đồng sẽ tác động xấu

Liên quan đến đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ngày 7/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Sep Petrolimex: Thue 8.000 dong khong co nghia gia xang tang hinh anh 1

 Petrolimex thống nhất với nội dung mỗi lít xăng gánh 8.000 đồng thuế như dự thảo đưa ra trước đó.

Theo VCCI, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại, sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

VCCI nhấn mạnh, việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các doanh nghiệp ở quốc gia khác. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình trung, chính sách này khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Theo VCCI, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản.

Đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý Giá, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25-35% đối với xe chạy xăng, 35-45% đối với xe chạy dầu, 39,5% đối với hàng không .

"Đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân", VCCI nhấn mạnh. 

Với một số các tác động tiêu cực được liệt kê như trên, VCCI nhận thấy việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhưng không nên bù bằng cách tăng thuế BVMT đối với xăng dầu.

VCCI cho rằng kết cấu thu ngân sách của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn thu không bền vững như thu từ khai thác tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiền bán đất. Trong khi đó, các nguồn thu bền vững hơn như thuế thu nhập, thuế tài sản lại đóng góp không đáng kể. Giải pháp được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo là Việt Nam cần chuyển hướng sang các khoản thu mang tính bền vững hơn và cắt giảm chi tiêu công.

VCCI đánh giá nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách.

Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách. Đây là tỉ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia.

"Xét về dài hạn, VCCI nhận định việc nới khung thuế BVMT đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Nó làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn", văn bản nêu. 

Sep Petrolimex: Thue 8.000 dong khong co nghia gia xang tang hinh anh 2

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex. Ảnh: Moit.gov.vn. 

Giá xăng dầu dự kiến tăng 10%

Đóng góp ý kiến cho đề xuất khung thuế bảo vệ môi trường, Petrolimex thống nhất với chủ trương tăng mạnh khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu lên 1.500-8.000 đồng.

Trả lời PV, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho hay qua kinh doanh xăng dầu, Nhà nước thu ngân sách ở các dạng thuế phí khác nhau như thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường...

Các loại thuế phí này luôn chiếm 35% trong kết cấu giá xăng dầu. Để đảm bảo nguồn thu ngân

sách không bị hụt từ các hiệp định thương mại, Bộ Tài chính đưa ra khung thuế, xin lộ trình dài hạn.

“Quan điểm của Petrolimex là hiện thuế nhập khẩu xăng 20%, một vài năm nữa về 0% theo lộ trình hội nhập, Bộ Tài chính sẽ hài hoà các sắc thuế để thu ngân sách Ngân sách qua xăng dầu luôn chiếm khoảng 10%", ông Bảo nói.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc tăng thuế bảo vệ môi trường để bù hụt thu ngân sách Nhà nước vô hình trung sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Bảo, việc tăng thuế không ảnh hưởng gì nhiều đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. “Đây là xin cái khung, trong lộ trình dài hạn, được Thường vụ Quốc hội thông qua từng lần một để đảm bảo cơ cấu tổng mức sắc thuế trong 1 lít xăng dầu hợp lý, hài hoà chứ không phải tăng lên là giá xăng dầu tăng lên”, ông Bảo nói.  

Cũng theo ông Bảo, nếu so với các nước trong khu vực, giá xăng của Việt Nam đang ở mức thấp hơn. Nhiều nước kết cấu thuế phí chiếm 60% giá xăng, trong khi đó, ở Việt Nam chỉ chiếm 35%. 

Năm 2016, doanh thu xăng dầu của Petrolimex bán ở thị trường nội địa giảm 20%.

Trả lời câu hỏi với lợi nhuận kỷ lục 6.200 tỷ đồng năm 2016 tại sao Petrolimex không chia sẻ với người tiêu dùng, ông Bảo cho hay chi phí là chi phí định mức, giá và lợi nhuận định mức cũng được quy định theo Nghị định 83. Và quan trọng, khách hàng ra cây xăng chỉ chiếm 50% sản lượng bán ra, 50% còn lại là khách hàng sản xuất công nghiệp cũng có ưu đãi lớn từ tập đoàn.

Ông Bảo dự báo bình quân giá xăng dầu năm 2017 sẽ tăng khoảng 5-10% so với năm 2016 do giá xăng dầu thế giới dự kiến tăng. Năm 2016, giá dầu bình quân 40-46 USD/thùng, năm 2017 khoảng 55 USD/thùng. 

Hoài Linh
Chuyên đề: Giá xăng dầu 2017
Bình luận
vtcnews.vn