Phát hành từ tháng 2/2022, ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh vẫn chưa hết hot ở nhiều nước. Khoảnh khắc bản nhạc được vang lên tại sân đấu bóng chuyền ở Hàn Quốc lại đưa See tình trở lại vị thế xu hướng, sau gần 1 năm phát hành. Đây không phải là lần đầu tiên một bản nhạc Việt tạo được cơn sốt lâu dài tại thị trường quốc tế lâu đến vậy.
Chỉ viral khắp thế giới ở phần drop
Trước đó, năm 2020, Pháo cũng bất ngờ vươn lên như một hiện tượng với bản nhạc Hai phút hơn phiên bản của Kaiz remix. Không chỉ gói gọn trong thị trường châu Á, Hai phút hơn trở thành hiện tượng quốc tế, hiện tại đã có hơn 200 triệu lượt xem chỉ với hình ảnh một cô gái được vẽ theo phong cách anime lắc hông theo điệu nhạc.
Cũng trong năm 2020, Tăng Duy Tân cũng có một ca khúc rất nổi tiếng tại Trung Quốc là Ngây thơ. Chính Hoàng Thùy Linh trong năm này cũng có bản hit viral tại thị trường âm nhạc tỷ dân là Kẻ cắp gặp bà già phiên bản remix.
Có thể dễ dàng nhận thấy, điểm chung của các bản nhạc Việt tạo được tiếng vang tại quốc tế đó là sở hữu những âm thanh EDM bốc lửa. Ngoại trừ Ngây thơ sở hữu sẵn đoạn drop trong bản phối gốc, các bản nhạc See tình, Hai phút hơn hay Kẻ cắp gặp bà già đều là các bản remix có tốc độ nhanh hơn phiên bản chính thức.
Thực tế, phân đoạn viral những ca khúc này cũng chủ yếu là drop với phần lời hát dẫn vào khá ngắn. Phần lời này cũng được chỉnh tốc độ khá nhanh, khiến cho chúng đôi khi nghe không rõ về mặt ngôn ngữ. Đây chính là một lợi thế lớn giúp cho chúng nổi bật ở thị trường quốc tế khi khán giả không cần quá chú trọng về ca từ.
Quan trọng hơn cả, các bài hát này đều được gắn với một trào lưu nhất định. Với Hai phút hơn hay See tình, đó là những điệu nhảy, lắc hông theo nhạc cuốn hút và dễ làm theo, còn Ngây thơ và Kẻ cắp gặp bà già thì được sử dụng với trào lưu biến hình quen thuộc trên một nền tảng mạng xã hội. Những trào lưu này kích thích người người nhà nhà làm theo, đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những giai điệu này tới quốc tế.
Vì sao khó sốt như Gangnam Style?
Hiện tượng âm nhạc châu Á lớn bậc nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, Gangnam Style, có bối cảnh khá giống với thời điểm hiện tại: Một nền tảng chia sẻ video đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ và ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng của mình. Sự thành công của Gangnam Style gắn liền với sự bứt phá của YouTube để trở thành website chia sẻ video số 1 vào thời điểm đó, rất giống với những See tình, Hai phút hơn là minh chứng rõ nét cho nền tảng sản xuất video ngắn bành chướng sự thống trị.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt không hề nhỏ trong cách viral của các bài nhạc ở hai thời kỳ khác nhau đó: Khi Gangnam Style thành công bằng trọn vẹn bài hát đi kèm với một MV có hình ảnh độc đáo, hài hước, gây cười độc đáo. Còn ở hiện tại, khó có thể nói là những bài hát này viral bởi phần nổi tiếng chỉ là một phân đoạn nhỏ thay vì là cả ca khúc trọn vẹn. Phần hình ảnh cũng là một trend do các người dùng mạng xã hội tự sản xuất với phần nhạc chỉ là yếu tố nền, phụ trợ.
Điều đó khiến cho các bạn nhạc viral trước đây như Gangnam Style gắn chặt được với bản thân nghệ sĩ và những thông điệp mà họ muốn truyền tải hơn, còn những bản hit trending thời nay có thể đã mang ý nghĩa khác với ý định ban đầu. Ngay cả phần âm nhạc nổi tiếng cũng thường không phải là bản gốc, với phần lời được chỉnh rất nhanh, người nghe quốc tế có thể thấy một giai điệu hay, một trend vui nhộn để làm theo mà không cần biết bài hát đó đến từ đâu.
Điều đó rất khác với thời điểm Gangnam Style nổi tiếng khi khán giả cần phải nghe cả bài trên YouTube. Không những thế, phân đoạn drop nổi bật nhất của bài cũng liên tục nhấn mạnh cụm từ “Gangnam Style” - gắn liền với một địa danh của Hàn Quốc, khiến cho ít có khán giả nào có thể nhầm lẫn về xuất xứ của bài. Điều đó tương tự với hiện tượng Despacito năm 2016 khi cả bài nổi tiếng với những phần hát rõ tiếng và giai điệu đậm đặc chất liệu của Latin.
Tuy nhiên, để có được những căn tính rõ nét ấy, nhạc Hàn Quốc cũng như Latin đã có độ phổ biến nhất định tại quốc tế trước đây. Các bản hit viral quốc tế của Việt Nam hiện tại mới chỉ ở trong thời kỳ đầu, rất khó để đòi hỏi chúng phải đạt được những điều như Gangnam Style hay Despacito đạt được.
Bản hit quốc tế không xa vời nếu có chiến lược bài bản
Tuy nhiên, có một điều mà các nghệ sĩ Việt Nam có thể học hỏi ngay để ngày càng có thể tiệm cận trong việc đưa âm nhạc ra quốc tế, đó là yếu tố quảng bá. Gangnam Style từ khi có những dấu hiệu viral đầu tiên, Psy cũng như YG Entertainment thời điểm đó đã thực hiện hàng loạt những phương thức truyền thông mạnh mẽ, đưa tên tuổi của Psy phủ sóng trên cả báo chí và truyền hình phương Tây, bản thân Psy cũng lưu diễn rất nhiều tại Mỹ để thúc đẩy Gangnam Style từ một hiện tượng trở thành bản hit lớn thực sự.
Đối với các nghệ sĩ Việt, việc bài hát viral vẫn phụ thuộc phần nào vào yếu tố may mắn, cùng suy nghĩ "mưa đến đâu mát mặt đến đó". Không ít những bản remix nổi tiếng không nằm trong kế hoạch quảng bá ban đầu mà chỉ là bản phối tự phát của các producer trẻ. Chính vì thế, khi đoạn nhạc bất ngờ trở thành xu hướng, nghệ sĩ Việt chưa thực sự nhìn nhận đúng tầm vóc để có phương án phát triển mạnh mẽ hơn, chỉ dừng lại ở mức hiện tượng toàn cầu.
Tăng Duy Tân thời điểm trước Bên trên tầng lầu hay Quang Hùng MasterD là những cái tên thực sự có hit tại thị trường nước ngoài, nhưng đó là vì chiến lược âm nhạc và quảng bá của họ tập trung hoàn toàn vào thị trường đó. Yếu tố “quốc tế” trong những sản phẩm của họ không cao, thậm chí họ còn ít nổi tiếng ngay cả ở chính quê nhà.
Sự thành công của See tình hay những bài hát nhạc Việt viral khác đang có vai trò như những người dẫn đường cho Vpop. Có sự hậu thuẫn của mạng xã hội, có những thành công nhất định, có những tiềm năng chưa được khai thác triệt để, đó đều là những yếu tố để những người đi sau nhìn vào để xây dựng một chiến lược bài bản hơn.
Việc có một bản hit quốc tế mang đậm dấu ấn Việt Nam trong tương lai gần không còn là việc quá xa vời nữa nếu như nghệ sĩ và ê-kíp thực sự chú trọng quảng bá.
Bình luận