• Zalo

Thủ tướng: Hà Nội và TP.HCM có 'đòi' được vỉa hè cho người đi bộ không?

Thời sựChủ Nhật, 04/06/2017 07:00:00 +07:00 Google News

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo TP Hà Nội và TP.HCM phải báo cáo nghiêm túc về tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè và nói rõ có lập lại được trật tự lòng, lề đường hay không.

"Bắt cóc bỏ đĩa"

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo TP Hà Nội và TP.HCM phải báo cáo nghiêm túc về tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè mà dư luận phản ánh vừa qua.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo phải nói đúng sự thực. "Phải nói rõ lãnh đạo của hai thành phố này có làm được việc chấn chỉnh vỉa hè để lập lại kỷ cương hay không", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

lanchiemviahe (3) 6

Đỗ xe ô tô trên vỉa hè, bất chấp biển cấm của Ban chỉ đạo 197.

Trước đó, tại cuộc họp UBND TP Hà Nội vào sáng 29/5, đề cập đến vấn đề thiết lập trật tự đô thị, trong đó có chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Vào buổi trưa, chiều đang có hiện tượng các cửa hàng ăn bày biện cho khách ngồi la liệt ở vỉa hè”.

Theo ông Chung, Hà Nội đang có tình trạng người dân tái chiếm vỉa hè. Ông Chung cũng yêu cầu các lực lượng liên quan cần tập trung chống tái lấn chiếm vỉa hè, nhắc nhở các hộ kinh danh, người dân chấp hành nghiêm quy định của thành phố.

Báo cáo của Ban chỉ đạo 197 Hà Nội cho biết, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đang tiếp tục giải tỏa, cưỡng chế, phá dỡ các bục, bệ, cầu dắt xe, hè nhà dân, mái che… chiếm dụng hè phố, lòng đường.

lanchiemviahe (1) 3

Xe máy dựng tràn lan trên vỉa hè, lấn chiếm phần đường dành cho người đi bộ.

Chỉ tính riêng trong tháng 5/2017, ban chỉ đạo đã tháo dỡ 621 ô dù, biển quảng cáo và 1.174 đồ vật vi phạm, dỡ bỏ 465 lều quán mái che, mái vẩy, 302 bục bệ cầu dẫn các loại; lực lượng cảnh sát trật tự phản ứng nhanh đã lập biên bản xử phạt hơn 7.500 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 3,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, CSGT kiểm tra xử lý hơn 44.000 trường hợp, phạt tiền hơn 13 tỷ đồng; Thanh tra giao thông xử lý 2.599 trường hợp, phạt tiền hơn 4,7 tỷ đồng.

lanchiemviahe (6) 4

Vỉa hè phố Đường Thành (HN) bị tái chiếm làm nơi để xe, bán trà đá.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng thừa nhận: “Kết quả trên chưa bền vững. Tình trạng chiếm dụng hè phố, lòng đường vào giờ cao điểm vẫn còn tồn tại. Nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị nhà nước chưa chấp hành, vẫn tự ý để xe trên hè, lòng đường. Tình trạng phức tạp về trật tự đô thị tại các tuyến phố nhỏ, ngõ, ngách vẫn diễn ra và chưa có xu hướng giảm…”.

lanchiemviahe (4) 5

Dù đã được kẻ vạch, phân làn nhưng vỉa hè vẫn bị lấn chiếm.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến phố, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè đang diễn ra phổ biến. Vỉa hè trước cửa các nhà hàng, quán ăn, quán bia... bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, nơi để xe của khách. Tình trạng này kéo dài suốt trong cả ngày, không riêng gì buổi trưa hay buổi tối.

Một số vỉa hè được cơ quan chức năng cho phép làm bãi đỗ xe tạm thời được chia bằng vạch sơn thì người dân vẫn ngang nhiên để xe lấn chiếm lên cả phần dành cho người đi bộ.

Cá biệt, dù có nơi đã có biển cấm đỗ xe, buôn bán do chính Ban chỉ đạo 197 của TP Hà Nội dựng lên, thì người dân vẫn tự ý đỗ xe ngay sát biển cấm. 

Thực trạng trên khiến nhiều người dân cho rằng chiến dịch dẹp vỉa hè chỉ như "bắc cóc bỏ đĩa".

Đừng để thất thu                                                      

TS Vũ Thế Long, Thư ký Hội ẩm thực Hà Nội, một người Hà Nội gốc, cho rằng một trong những lý do khiến vỉa hè bị tái chiếm là vì hàng rong thiếu nơi buôn bán và người dân thiếu chỗ để đỗ xe.

TS Vũ Thế Long nhận xét: “Ai chẳng muốn có cửa hàng để buôn bán cho đàng hoàng. Tuy nhiên, một căn nhà mặt tiền dù rất nhỏ trong thành phố có giá thuê rất cao, đôi khi còn cao hơn cả tổng số khả năng thu hàng tháng.

Ngoài ra, thị trường cho mướn nhà làm cho hợp đồng rất phù du, bình thường là 2 năm, nếu không muốn nói là 1 năm. Không ai muốn phải di dời cửa tiệm chỉ sau 1 - 2 hai năm cả".

Vuthelong 7

TS Vũ Thế Long (giữa) trong một lần dẫn khách du lịch nước ngoài đi tham quan phố cổ Hà Nội.

"Đến người mua hàng rong cũng rất cần hàng rong. Ngân sách một gia đình trung bình trong thành phố không cho phép số đông ăn sáng hoặc ăn trưa đều đặn ở trong tiệm, đó là chưa kể tới cuộc sống mới tất tưởi rất cần ăn nhanh chóng rồi chạy cuốn theo công ăn việc làm. Nói tóm lại, cả cung lẫn cầu đều cần vỉa hè”, TS Long nói thêm.

Về giải pháp chấn chỉnh tình trạng lộn xộn vỉa hè ở Hà Nội hiện nay, TS Vũ Thế Long cho rằng TP nên có quy hoạch rõ ràng và có thể cho người dân thuê một số địa điểm vỉa hè làm nơi kinh doanh với giá phải chăng.

Video: Vỉa hè Hà Nội lại nhếch nhác sau 2 tháng được chấn chỉnh

“Một số đô thị tại các nước láng giềng Việt Nam đã có những biện pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế vỉa hè và chúng ta nên suy ngẫm. Các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... đều có bán hàng rong vỉa hè”, TS Long nói.

TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG HN) cho biết, tại Singapore, họ đã tạo ra một số nơi như food-court hay food center (một dạng trung tâm ẩm thực), rải rác trên khắp các vỉa hè đô thị.

TS Nguyễn Minh Phong cho biết: "Ở những nơi đó, các quầy được tụ tập, tiền mướn quầy rất phải chăng, bãi đậu xe rộng rãi, nhưng đáng chú ý nhất là các quầy đều được kiểm soát vệ sinh thật chặt chẽ, nước lọc từ ống nước, nước thải và rác được quản lý khoa học, thậm chí đĩa chén dùng rồi cũng có một công ty chuyên môn rửa và phơi khô trước khi dùng lại.

Các bàn ăn xong được một công ty riêng biệt dọn bàn ngay. Điều tuyệt vời là các bữa cơm không đắt hơn trước. Khi thấy rất nhiều ô tô cao cấp đậu tại những food center này chúng ta hiểu được sự thành công rộng rãi của nó".

TS Phong cho rằng, xu thế này phản ánh đúng quy luật của kinh tế.

"Tại Malaysia và Thái Lan, các food-court ngày càng nhiều. Hiện nay, họ còn xây thêm các food center cao cấp, giá ngồi ở những chỗ này đắt gấp rưỡi nhưng bàn ghế ngồi thoải mái tươm tất, có máy lạnh. Sự thành công của food center, giống như kinh tế vỉa hè tại Việt Nam không chối cãi được.

Điều đó chứng tỏ mô hình hàng rong, dưới hình thức này hay hình thức khác, là một sinh hoạt kinh tế quan trọng, phải lấy cung đáp lại cầu", TS Phong nói.

TS Nguyễn Minh Phong dẫn chứng: Khi quy hoạch Hà Nội, từ xưa người Pháp cũng đã quy hoạch loại hình “kinh tế vỉa hè”. Khách sạn Metropole là một trong những khách sạn được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam cũng như Đông Dương lúc đó, người Pháp cũng đã tính toán đến chuyện thiết kế vỉa hè cho khách sạn này làm nơi ăn sáng, uống cà phê cho khách. Cho đến nay, những vỉa hè cà phê ở khách sạn này vẫn còn hoạt động.

"Chấn chỉnh vỉa hè là việc TP Hà Nội cũng như TP.HCM nên làm. Đó là biểu hiện của một đô thị văn minh. Nhưng vấn đề là chấn chỉnh như thế nào, phương pháp nào cho hợp lý.

Làm sao cho vỉa hè vẫn thông thoáng, sạch sẽ, người dân vẫn có chỗ kinh doanh và TP vẫn thu được thuế từ những hoạt động kinh doanh vỉa hè, đó mới là giải pháp tối ưu", TS Nguyễn Minh Phong nhận xét.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn