Đã qua rồi cái thời hoàng kim của các PMU khi được thay mặt Bộ GTVT trong công tác quản lý đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2011-2015, vì lượng vốn đổ vào giao thông lớn, các PMU nhiều việc. Nhưng từ 2016 – 2018, rất ít dự án giao thông được khởi công, kéo theo việc các PMU không có việc để làm.
Buộc phải sáp nhập
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: trước đây, Bộ GTVT có 11 PMU trực thuộc, 4 PMU thuộc Tổng cục Đường bộ VN, 1 PMU thuộc Cục Hàng hải VN và 1 PMU thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Sau khi thực hiện sáp nhập theo Quyết định 1183 của Bộ GTVT ban hành ngày 21/4/2017, các PMU sẽ được phân theo lĩnh vực chuyên ngành đường sắt, đường thuỷ, hàng hải. Riêng lĩnh vực đường bộ, do khối lượng công việc rất lớn nên được Bộ GTVT chia thành 3 khu vực: Bắc - Trung - Nam.
Cụ thể, khu vực phía Bắc, ngoài Ban QLDA đường Hồ Chí Minh là ban chuyên ngành thực hiện quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT tiến hành hợp nhất PMU 1 và PMU Thăng Long thành PMU Thăng Long, hợp nhất PMU 2 và PMU an toàn giao thông thành PMU 2 và giữ nguyên PMU 6. Khu vực miền Trung là PMU 85 và khu vực phía Nam là PMU 7.
“Đối với các ban QLDA đường bộ trực thuộc Tổng cục Đường bộ VN, do tính chất đặc thù chủ yếu làm duy tu, bảo trì, bảo dưỡng nên được giữ nguyên trạng theo khu vực, gồm 4 ban ở 4 vùng. Như vậy, sau khi sáp nhập, Bộ GTVT còn 13 PMU chuyên ngành so với 17 PMU trước đó”, ông Nhật nói.
Tại PMU Thăng Long, sau khi sáp nhập vào tháng 5/2017, đã trở thành đơn vị có lực lượng lao động dồi dào và đông đảo nhất trong số các PMU trực thuộc Bộ GTVT với hơn 270 người và 18 phòng, ban chuyên môn.
Lãnh đạo PMU Thăng Long cho biết: Do sáp nhập nên lãnh đạo các Ban, phòng bị chồng chéo, thừa lớn, vì thế, PMU Thăng Long buộc phải cơ cấu, sắp xếp, tinh gọn 18 phòng nay chỉ còn 10 phòng.
Còn với PMU 2 (hình thành trên cơ sở hợp nhất giữa PMU An toàn giao thông và PMU 2), số nhân lực sau khi sáp nhập lên tới 220 người, việc bố trí công việc cũng khá khó khăn vì các dự án hiện đang khan hiếm, đa phần cơ bản hoàn thành. Thậm chí, đã có lúc PMU 2 nợ lương cán bộ nhân viên vài tháng, phải đi vay tiền các PMU khác để trả lương.
Nợ lương, giảm biên chế, nhảy việc
Sau hơn 1 năm sáp nhập, đa phần các PMU đều rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, ví dụ như PMU 2 (tiền thân trước đây là PMU 18 đình đám một thời) hiện đang nợ lượng cán bộ công nhân viên vài tháng qua. Hàng loạt các dự án nghìn tỷ tại PMU 2 đã hoàn thành như: Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, QL3 mới, BOT Hà Nội – Bắc Giang, BOT Thái Nguyên – Chợ Mới...
Hiện chỉ còn một duy nhất dự án BOT Hoà Lạc – Hoà Bình đang đến giai đoạn sắp kết thúc vào dự án nút giao Đình Vũ. Chính vì không có việc, lương thấp nên rất nhiều cán bộ xin nghỉ hưu sớm, còn những nhân tài thì “nhảy việc”. Hiện ban còn khoảng 180 người (so với 220 khi sáp nhập).
Còn tại PMU Thăng Long (ban lớn nhất của Bộ GTVT hiện nay) hiện cũng chỉ còn một vài dự án “cầm chừng” từ nguồn vốn vay của JICA (Nhật Bản), ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á) như: Dự án đường vành đai 3 Hà Nội, QL 21, Dự án cầu Thịnh Long... Tuy nhiên, do lượng lao động dôi dư lớn nên rất nhiều cán bộ cũng đã chuyển việc. Hiện Ban chỉ còn 230 người (trước đây là 270 người)
Đáng lo ngại nhất là PMU đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ), ông Dương Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc PMU ĐTNĐ cho biết: Sau khi sáp nhập giữa Ban quản lý dự án đường thuỷ thuộc Bộ GTVT và Ban quản lý dự án đường thuỷ thuộc Cục đường thuỷ nội địa, sẽ còn duy nhất PMU ĐTNĐ. Ban đầu, nhân sự còn 120 người (tăng thêm 21 biên chế so với trước).
“Tuy nhiên, hiện PMU ĐTNĐ chìm ngập trong khó khăn vì hết việc. Dự án đường thuỷ Sông Đáy – Ninh Cơ nhưng chưa biết khi nào thực hiện. Bên cạnh đó, việc sáp nhập khiến số người tăng, quỹ lương lớn nên phải tăng mức chi trả. Hiện số người đã tinh giảm xuống còn hơn 90 người nhưng PMU ĐTNĐ vẫn không có tiền trả lương. PMU ĐTNĐ đã nợ lương cán bộ suốt 3 tháng qua”, ông Hưng nói.
Như vậy, sau hơn 1 năm sáp nhập, hiện các PMU giao thông hiện đang rất khó khăn vì thiếu việc, nhiều Ban QLDA đang trông chờ các đại dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi các dự án cao tốc chục nghìn tỷ triển khai thì các PMU cũng sẽ không còn thời “hoàng kim” như trước đây, bởi lẽ, đây là các hợp đồng BOT.
"Mà đối với dạng hợp đồng BOT thì các PMU giao thông chỉ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cung cấp “dịch vụ” tư vấn quản lý dự án. Và trong trường hợp đó, nếu không thực sự chuyên nghiệp, bài bản… PMU giao thông có khi còn không có việc làm. Rõ ràng, mô hình các PMU giao thông (đại diện cho Bộ GTVT tại các dự án) đang dần lỗi thời", một lãnh đạo tại PMU Thăng Long tâm sự.
Video: Điểm mặt hàng loạt dự án giao thông nghìn tỷ ở Thủ đô dính sai phạm
Bình luận