• Zalo

Sắp xét xử cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm

Pháp đìnhThứ Ba, 22/12/2020 12:28:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Phiên toà xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng dự kiến diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 7-14/1/2011, tại trụ sở TAND TP Hà Nội.

TAND TP Hà Nội cho biết, ngày 7/1/2021 sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương và TP.HCM.

Dự kiến, phiên sơ thẩm sẽ diễn ra trong khoảng 7 ngày (từ ngày 7-14/1/2021) tại trụ sở TAND TP Hà Nội. Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Hai kiểm sát viên của VKSND tối cao (được biệt phái về Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội) và một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử lần này.

Sắp xét xử cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm - 1

Nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Các bị cáo trong vụ án, gồm: Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương; Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Lâm Nguyên Khôi, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM;  Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; Lê Văn Thanh, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM; Lê Quang Minh, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM; Nguyễn Thanh Chương, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM; Trương Văn Út, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; Nguyễn Lan Châu, nguyên Chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Trong đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Các bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Phiên tòa có khoảng 30 luật sư tham gia bào chữa. 

Cáo trạng nêu rõ, vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương và TP.HCM liên quan dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê trên khu đất hơn 6.000m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm.

Các bị can trong vụ án là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công thương và UBND TP.HCM. Tuy nhiên vì những động cơ khác nhau, các bị can đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài.

Bị can Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm đã cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai từ đó dịch chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tư nhân gây thiệt hại thất thoát số tiền hơn 2.700 tỷ đồng.

Các bị can sử dụng thủ đoạn dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó thoái vốn không minh bạch, vi phạm nhiều quy định pháp luật gây thất thoát tài sản đặc biệt lớn.

Theo đó, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (hơn 6.000 m2) được sắp xếp giao cho Tổng công ty Sabeco (thuộc Bộ Công Thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê và không được thành lập pháp nhân mới.

Tuy nhiên khi Sabeco triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, đơn vị này không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1.200 tỷ đồng nhưng bị can Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án không chấp hành các nghị quyết của Chính phủ.

Bị can Hoàng chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định của quyết định số 86/2010/QĐ - TTg để đầu tư dự án.

Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của bị can Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương), ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch hội đồng quản trị) đã ký công văn số 374 kèm theo các văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.

Để từ đó các sở, ngành thuộc UBND TP.HCM đã tham mưu cho bị can Nguyễn Hữu Tín (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) ký ban hành quyết định số 3186 QĐ - UBND cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định pháp luật.

Ngay sau khi Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất (tháng 6.2015), mặc dù chưa triển khai hoạt động gì nhưng đến tháng 2/2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ và sau khi nhận được 2 văn bản của nhóm các cổ đông sáng lập của Công ty Sabeco Pearl đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Sabeco thoái 26% vốn góp và đề nghị được mua lại phần vốn góp này.

Bị can Hoàng đã quyết liệt chỉ đạo Sabeco đẩy nhanh thực hiện thủ tục thoái vốn và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần.

Bị can Hoàng còn không xem xét đánh giá chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án đã được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung thêm chức năng căn hộ ở, thoái toàn bộ 26% vốn góp của Sabeco tại Công ty Sabeco Pearl.

Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn