• Zalo

Sai phạm chấm thi chấn động dư luận: 'Liệu còn có một Hà Giang khác nữa không'

Giáo dục Thứ Ba, 17/07/2018 16:28:00 +07:00Google News

Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả các điểm thi ở các địa phương xem, liệu có còn một “Hà Giang” nữa hay không.

Sẽ là quá sớm khi đưa những nhận định, đánh giá đầy đủ và toàn diện về vụ việc này. Nhưng, với những thông tin sơ bộ được phát ra lúc nửa đêm từ Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cũng đủ để gây chấn động dư luận.

tran trung hieu

 Vụ việc gian lận chấm thi ở Hà Giang làm dư luận buộc phải nhớ đến “vụ Đồi Ngô” của Bắc Giang hơn 6 năm trước.

Thứ nhất, ngành giáo dục – đào tạo đã và đang triển khai Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về “đổi mới căn bản và toàn diện” trong nhiều nội dung, trong đó có đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá và thi cử. Rồi sẽ có nhiều cách giải thích của Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia của tỉnh Hà Giang nhưng sai phạm đó là trầm trọng và đi ngược lại Nghị quyết 29.

Vụ việc này làm dư luận xã hội buộc phải nhớ đến “vụ Đồi Ngô” của Bắc Giang hơn 6 năm trước và cái chủ trương “Hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) của nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Căn bệnh đó đã “di căn” và tái phát.

Thứ hai, theo quy chế chấm thi trắc nghiệm, đó là 1 quy trình nghiêm ngặt và chặt chẽ với nhiều công đoạn có sự thực thi và giám sát của nhiều người, kể cả cơ quan công an. Vậy mà sai phạm đó vẫn xảy ra. Tôi cho rằng, chỉ một cá nhân không thể can thiệp để tạo nên sự thay đổi kết quả. Đó là sự cố tình sai phạm và là sự sai phạm có tổ chức.

Thứ ba, dù chưa có thông báo chính xác và cụ thể danh sách những thí sinh có sự thay đổi kết quả điểm số so với thực lực mà dư luận nghi vấn, nhưng tôi tin rằng đa số các trường hợp thí sinh đó đều là con em của cán bộ, quan chức địa phương.

Thứ tư, Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả các điểm thi ở các địa phương xem, liệu có còn một “Hà Giang” nữa hay không khi có sự chênh lệch theo kiểu “đỉnh và đáy” về phổ điểm thi ở một số môn thi ở một số địa phương?

Thứ năm, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT cần có một đánh giá trung thực và khách quan về kỳ thi THPT Quốc gia sau 2 năm thay đổi từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm. Ưu điểm thì người ta đã nói nhiều, khen nhiều. Còn những khuyết điểm và sự bất cập của hình thức thi trắc nghiệm này đã có cơ hội “phô diễn”.

Điều quan trọng hơn là với hình thức thi trắc nghiệm ở tất cả các môn thi hiện nay (trừ môn Ngữ văn), liệu có đánh giá chính xác và công bằng về năng lưc học của tất cả các học sinh và chất lượng bài thi của các thí sinh không?

Video: Điểm cao bất thường ở Hà Giang: Thầy giáo Hà Nội đặt 4 giả thuyết

Diễn biến của “vụ Hà Giang” có thể sẽ còn thêm nhiều tình tiết phức tạp nhưng cần được sáng tỏ để lấy lại sự công bằng cho các thí sinh. Tôi ghi nhận sự chỉ đạo kịp thời của Bộ GD-ĐT và mong Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia tỉnh Hà Giang nhanh chóng minh bạch những sai phạm để xử lý một cách sòng phẳng “lợi ích nhóm” của một nhóm người trên tinh thần “Thượng tôn pháp luật”.

Không chỉ nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo của chính quyền địa phương, của Bộ GD-ĐT khi sai phạm quy chế thi. Những kẻ sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cần truy tố. Đừng để điều “bất thường” trở thành “bình thường” trong giáo dục và thi cử!

Trộm nghĩ 2 điều:

- Sau "vụ Hà Giang", Bộ GD-ĐT có đề ra và thực hiện "phong trào" nào nữa không?

- Trong World Cup 2018 tại Nga, FIFA đã sử dụng công nghệ VAR để hỗ trợ trọng tài trong các tình huống "có vấn đề" để lấy lại sự công bằng cho các cầu thủ, đội bóng.

Còn sau "vụ Hà Giang", ngành GD-ĐT có nên sử dụng công nghệ VAR trong khâu chấm thi và lên danh sách báo điểm để đòi lại sự công bằng ở những nơi không muốn công bằng cho các thí sinh không?

Trần Trung Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn