• Zalo

Sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: 'Công trình phủ sóng cả nước, không hiểu sao Bộ GD&ĐT vẫn coi thường'

Giáo dục Thứ Ba, 01/10/2019 12:08:00 +07:00Google News

Được 48 tỉnh thành và hơn 900.000 học sinh sử dụng nhưng sách của GS Hồ Ngọc Đại vẫn không được để ý, bị hội đồng thẩm định đánh giá không đạt ngay vòng 1.

Sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại qua 40 năm thẩm định, được phụ huynh và học sinh ủng hộ nhưng bị loại từ vòng 1 gây xôn xao dư luận. VTC News có buổi trao đổi với GS. TSKH Nguyễn Kế Hào - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học về vấn đề này.

- Mới đây, đánh giá của Hội đồng thẩm định SGK đối với bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại khiến cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục bức xúc, phải thảo văn bản gửi lên Chính phủ và Bộ GD&ĐT, vì sao thưa ông?

Những năm trước, vấn đề liên quan đến SGK Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại được dư luận quan tâm. Chính nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng tự đi tàu lên Lào Cai, thuê xe ôm đến một trường học để xem thực tế và về quyết định cho mở rộng.

Rõ ràng, SGK Công nghệ giáo dục có lợi cho dân, được 48 tỉnh thành và hơn 900.000 học sinh sử dụng nhưng vẫn không được để ý.

Với độ phủ sóng như thế, không hiểu sao Bộ GD&ĐT vẫn coi thường? Hiệu quả của công trình này đã được nghiệm thu, thẩm định nhiều lần. Nếu loại ngay từ vòng đầu, "không đạt", thì những hội đồng trước thẩm định thế nào, có phải hội đồng khoa học hay không?

Trong khi Hội đồng thẩm định Ngữ văn ngày xưa, thời những năm 90 có cụ Hoàng Tuệ làm Chủ tịch, cùng các nhà khoa học uy tín cũng đều phải đi thực tế để lấy kết quả nghiệm thu. Tôi nhớ khi ấy, suốt một tháng mùa hè nóng bức, các cụ phải đi thực tế, gọi từng học sinh lên để đọc, viết để nghiệm thu chi tiết.

71099052_772700966504744_2411725424917741568_n

 GS. TSKH Nguyễn Kế Hào - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học.

- Ông chưa đồng ý với điểm nào trong kết luận của Hội đồng thẩm định về bộ SGK Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?

Đánh giá đương nhiên phải đề ra những chuẩn mực, có những người đại diện được chọn vào để đánh giá. Nhưng theo tôi, những đánh giá này vẫn trong phòng họp trên văn bản, chưa có thực tế. 

Tôi đề nghị phải hỏi trên 900.000 học sinh, phải dự giờ, đánh giá, "trăm nghe không bằng một thấy", nếu cái anh đề ra là chuẩn mực đánh giá, đi vào cuộc sống không khớp thì phải xem lại những chuẩn mực đánh giá có chủ quan, có đúng hay không. Có những luật đưa ra nhưng không phù hợp vẫn phải sửa ngay.

Đây không phải thành tựu của riêng GS. Hồ Ngọc Đại, mà là thành tựu của nền giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, triết lý giáo dục như "lấy học sinh là trung tâm" vốn được GS H Ngọc Đại đưa ra từ trước, không phải mới.

- Triết lý "Lấy học sinh làm trung tâm" được thể hiện thế nào trong chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?

GS. Hồ Ngọc Đại xây dựng nên một bộ sách mà cả phụ huynh, giáo viên và học sinh đều có thể sử dụng được. Trong đó, đối tượng chính hướng tới là học sinh - "Lấy học trò làm trung tâm". Đây là triết lý, cũng là mục tiêu giáo dục.

Khác với thói quen truyền thống, cùng một quyển sách, người biết chữ sẽ dạy cho người không biết chữ, người biết nhiều dạy cho người biết ít, sách của GS Hồ Ngọc Đại phân công cho phụ huynh - giáo viên - học sinh mỗi người một nhiệm vụ. Họ phải phân công và hợp tác với nhau, không ai được làm thay ai.

Theo đó, việc học là của học sinh, nên học sinh phải tự học, tự lĩnh hội lấy kiến thức; thầy giáo tổ chức hướng dẫn; phụ huynh không phải dạy lại mà phải ở bên cạnh tạo điều kiện, giúp đỡ con trong quá trình học.

Bên cạnh SGK cho học sinh, giáo viên và cha mẹ đều có sách hướng dẫn riêng. Sách cho cha mẹ nêu lên đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, từng môn học như thế nào, cha mẹ tạo điều kiện thế nào, chứ không phải bố mẹ về dạy lại cho con. Còn sách cho giáo viên là sách thiết kế. 

Vì mục tiêu giáo dục để học sinh phát triển, mọi điều kiện ở nhà trường cũng phải hướng vào học sinh để học sinh hạnh phúc đi học. 

- Trước đây, Bộ GD&ĐT từng cho phép sử dụng nhiều bộ SGK, một chương trình học thế nào, thưa ông?

Từ năm 1981 trở về trước, cải cách giáo dục vẫn quy định chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất. Cho đến những năm 90 có 4 chương trình, 4 bộ sách nhưng có chung mục tiêu cơ bản về kiến thức và kỹ năng, bây giờ gọi là "chuẩn".

Học hết lớp 5, học sinh phải thi lớp 1 mới được cấp bằng tiểu học. Lúc đó, có bốn bộ sách giáo khoa gồm: Bộ sách 165 tuần đại trà dành cho trẻ từ 6 tuổi bắt đầu đi học; bộ sách 100 tuần dành cho học sinh không có điều kiện đi học bình thường, cho trẻ lang thang cơ nhỡ, bươn trải trong cuộc sống; bộ sách 120 tuần cho học sinh dân tộc miền núi và chương trình công nghệ giáo dục của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại.

Sau khi thực nghiệm từ năm 1978 đến cuối những năm 80, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho mở rộng thực nghiệm vì thấy có kết quả. Đến năm 1990, hội đồng nhà nước nghiệm thu, đánh giá tốt và đề nghị cho triển khai bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại ở những nơi có điều kiện như một phương án phát triển giáo dục. 

Cong-Nghe-Giao-Duc3 16

Sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại.

Thời còn làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, tôi giúp Bộ trưởng quản lý, sử dụng hiệu quả cả bốn bộ sách. Chính vì vậy đã đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục Tiểu học, xóa mù chữ vào năm 2000 - một thành tựu đáng tự hào, được cả thế giới ghi nhận.

Đương nhiên chương trình sách còn có các phương thức tổ chức, còn phải huy động cả xã hội cùng quan tâm như "Toàn dân đưa trẻ đến trường", "đưa lớp học đến gần với học sinh" vì học sinh tiểu học nhỏ, đi học xa không đi được nên mới có lớp ghép... 

Đáng tiếc đến Chương trình Tiểu học 2000 được triển khai vào năm 2002 lại xóa hết những điều làm nên thành tựu vì theo quy định lúc đó là "cả nước dùng chương trình và sách giáo khoa thống nhất". Duy nhất nên xóa hết. Và một chữ ký bỏ hết bốn bộ sách. Nó tốt xấu ra sao không cần biết, không có tổng kết đánh giá.

- GS Hồ Ngọc Đại từng khẳng định rằng sẽ không sửa đổi bộ SGK để được thẩm định lại từ đầu. Quan điểm của ông thế nào?

Nếu tôi là GS Hồ Ngọc Đại tôi cũng không sửa, vì nếu sửa sẽ làm mất hết tinh thần của bộ sách. Họ chiếu vào cái gì thừa thì phải cắt đi. Đáng ra chỉ cần mục tiêu và chuẩn đầu ra thôi. Trong đó, không vi phạm về chính trị, còn cụ thể hóa có thể trình bày khác nhau.

Sách giáo khoa công nghệ giáo dục có hệ thống lý luận nhất quán, phù hợp với đường lối, quan điểm hiện nay. Bên cạnh đó, bộ sách cũng có giá trị thực tiễn, thực hiện có hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn