• Zalo

Rùng mình đám cưới ma và nạn trộm, bán xác chết nữ ở Trung Quốc

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 01/12/2020 07:32:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Dù bất hợp pháp, nhiều đám cưới ma vẫn được tổ chức ở Trung Quốc, kéo theo tệ nạn trộm cắp, buôn bán thi thể các cô gái mới qua đời.

Minh hôn – đám cưới người chết – là cổ tục của Trung Quốc, được cho là có từ trước thời Tam quốc. Kể từ năm 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, minh hôn không còn được pháp luật cho phép, nhưng thực tế nó vẫn xảy ra và kéo theo các hệ lụy.

Đám cưới người âm

Một trong những đám cưới ma được ghi lại trong sử liệu là cuộc minh hôn của con trai Tào Tháo – Tào Xung. Xung chết sớm khi chưa có vợ, bố mẹ anh ta bèn tìm một tiểu thư quyền quý đã chết để kết duyên với âm hồn con trai mình. Sau một thời gian tìm kiếm, họ chọn con gái nhà họ Chân cũng mới qua đời, chờ ngày lành tháng tốt tổ chức lễ minh hôn, sau đó chôn Chân tiểu thư cùng chỗ với Tào Xung.

Đến thời Tống, minh hôn cực kỳ phát triển. Những nhà có con chết trẻ khi chưa thành gia thất đều tìm cách kiếm chồng/vợ cho con.

Rùng mình đám cưới ma và nạn trộm, bán xác chết nữ ở Trung Quốc - 1

Nhiều gia đình Trung Quốc tổ chức minh hôn cho đứa con chết trẻ của mình.

Tại sao phải làm đám cưới cho người chết? Về phía nhà có con gái, họ muốn linh hồn con mình có chỗ nương tựa, vì phụ nữ không chồng con sẽ chẳng có ai thờ phụng. Nếu tìm được một chàng trai chết trẻ khác để “cưới”, việc hương khói của cô gái sẽ được bên nhà chồng lo liệu.

Nhà trai lại càng có nhiều động cơ hơn để tổ chức minh hôn. Thứ nhất, họ sợ chàng trai sang thế giới bên kia nếu cô độc sẽ về bắt người nhà xuống làm bầu bạn, hoặc quấy nhiễu gia đình. Thứ hai, nhiều gia tộc muốn linh hồn chàng trai độc thân này trở thành đàn ông có vợ để từ đó chọn một cháu trai trong dòng họ làm con nuôi anh ta, thuận lợi thừa kế tài sản. Đương nhiên, đứa con nuôi này sẽ có trách nhiệm hương khói cho “cô dâu chú rể” ma.

Rùng mình đám cưới ma và nạn trộm, bán xác chết nữ ở Trung Quốc - 2

Hình ảnh tại một lễ minh hôn giữa hai người đã chết, trong đó cô dâu được đại diện bằng hình nộm, chú rể do một thanh niên trong họ "đóng thế". 

Ngoài ra, phong tục ở nhiều địa phương không cho phép em trai kết hôn khi anh mình chưa lấy vợ. Vì thế, người anh chết trẻ khi chưa thành gia thất sẽ được gia đình làm lễ minh hôn để các em được cưới vợ sinh con sau đó.

Người kết hôn với ma

Minh hôn không chỉ diễn ra giữa những người đã chết. Nhiều đám cưới mà chú rể là người, cô dâu là ma hoặc ngược lại. Đám cưới loại này thường khó khăn, tốn kém nên chỉ những gia đình giàu có mới làm được. Thường thì sau khi tìm kiếm mà không chọn được chàng trai, cô gái nào mới qua đời có tuổi tác phù hợp với con mình, người ta sẽ tìm người sống.

Những chàng trai chấp nhận cưới vợ ma hầu hết đều có gia cảnh bần hàn, cùng quẫn. Họ nhận được khoản tiền lớn từ nhà gái cho lễ minh hôn, sau đó đón bài vị của cô gái về thờ ở nhà mình. Còn phụ nữ chấp nhận làm cô dâu của người chết nếu không quá nghèo (cần tiền lo cho gia đình) thì thường quá lứa lỡ thì (cần có chồng để khỏi làm bố mẹ xấu hổ). Sau khi cưới, họ đến sống cùng gia đình chồng quá cố, làm nghĩa vụ của người con dâu.

Các nghi thức trong đám cưới ma cũng được mô phỏng đám cưới bình thường, với đủ lễ vật, cỗ bàn… Riêng quần áo, trang sức là đồ vàng mã. Cô dâu chú rể đã chết được đại diện bằng hình nộm, sau đám cưới sẽ đốt đi để họ mãi mãi bên nhau. Trong trường hợp người cưới ma, người ta đặt ảnh cô dâu/chú rể đã chết để làm lễ bên cạnh “bạn đời” còn sống.

Buôn bán, trộm cắp xác chết

Từ năm 1949, đám cưới ma bị cấm ở Trung Quốc. Tuy nhiên cho đến nay, minh hôn vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi hủ tục còn nặng nề. Nhiều gia đình giàu có muốn làm đám cưới ma cho con trai thậm chí còn không hài lòng với nghi thức chỉ có ảnh hay hình nộm cô dâu. Họ muốn có cả thi hài “con dâu” để sau khi làm lễ cưới thì an táng cùng con trai mình.

Trong hoàn cảnh gấp gáp, việc tìm một cô gái mới qua đời có các tiêu chí phù hợp không hề dễ dàng. Vì thế, xác chết nữ trở thành mặt hàng có giá trên chợ đen. Phụ nữ xinh đẹp chết trẻ càng có giá cao, thậm chí lên tới 30.000 USD (hơn 700 triệu đồng). Nhu cầu này làm phát sinh nạn đào trộm mồ mả, buôn bán xác chết.

Rùng mình đám cưới ma và nạn trộm, bán xác chết nữ ở Trung Quốc - 3

minh hon.jpg

Có những băng nhóm chuyên trộm xác chết nữ còn lập cả quy trình “nâng cấp” món hàng bằng cách thuê bác sĩ chỉnh hình xác chết mà chúng đào trộm được, nhuộm tóc người chết để trông trẻ đẹp hơn.  

Từng có không ít kẻ trộm mộ phục vụ nhu cầu minh hôn bị bắt và đưa ra tòa. Chẳng hạn, vào tháng 3/2013, 4 kẻ trộm mộ ở Thiểm Tây bị tuyên 2 năm tù do đánh cắp hơn 10 xác chết nữ.

Trong thời gian từ 2013 đến 2016, riêng quận Hongtong của tỉnh Sơn Tây xảy ra ít nhất 30 vụ đào mộ, trộm xác chết nữ. Theo Tân Hoa xã, năm 2015, có gia đình ở tỉnh này đã trả tới 180.000 tệ (khoảng 630 triệu đồng) mua thi thể một cô gái để làm đám cưới cho đứa con trai 20 tuổi mới qua đời.

Minh Nhật
Bình luận
vtcnews.vn