• Zalo

Rủi ro từ Pacific Airlines

Thị trườngThứ Tư, 29/06/2022 13:38:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Vietnam Airlines thừa nhận có thể gặp rủi ro nếu việc tìm kiếm nhà đầu tư mới cho Pacific Airlines quá chậm hoặc không đạt được thoả thuận.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines. Theo Vietnam Airlines, trong quý I, Hội đồng quản trị Vietnam Airlines đã ban hành nghị quyết tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Quantas tặng lại. Vietnam Airlines đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ, triển khai tái cơ cấu, cũng như thoái vốn tại Pacific Airlines, nhưng việc này đang gặp nhiều khó khăn.

“Việc nhận vốn do Quantas tặng gắn liền với quá trình tìm kiếm nhà đầu tư và đang vướng mắc về một số thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai. Nếu việc tìm kiếm nhà đầu tư quá chậm hoặc không đạt được thoả thuận, Vietnam Airlines sẽ gặp rủi ro về vấn đề này”, báo cáo trình cổ đông của Vietnam Airlines nêu.

Rủi ro từ Pacific Airlines - 1

Vietnam Airlines đang tìm nhà đầu tư để thoái vốn khỏi hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines do tình trạng tài chính khó khăn sau 2 năm COVID-19.

Vẫn theo Vietnam Airlines, hiện tại tình hình tài chính của Pacific Airlines là rất nghiêm trọng. Dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cho rằng Pacific Airlines đang thực hiện các giải pháp tài chính, xem xét giá trị công ty nhưng hiện vướng măc chuyển nhượng vốn với các doanh nghiệp cổ phần chi phối vốn nhà nước.

Ông Hiền cho biết thêm, Vietnam Airlines đã làm việc với các cơ quan liên quan và nhà đầu tư tiềm năng nhưng lựa chọn nhà đầu tư thế nào để có thể bán riêng lẻ hay đấu thầu công khai công bố rộng rãi ra công chúng. Khi đi vào cụ thể, từng văn bản quy phạm pháp luật đều vướng do Pacific lỗ lũy kế nên việc chuyển khoản lỗ này vướng các quy chế và quy trình thực hiện.

"Vietnam Airlines báo cáo các cấp có thẩm quyền để vận dụng quy định nhà nước để lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch, tuân thủ pháp luật đảm bảo hài hòa Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán", ông Hiền nói.

Được biết, trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới, Hội đồng quản trị Vietnam Airlines đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động. Cụ thể, Pacific Airlines tiếp tục tổ chức hoạt động khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy, tận dụng nguồn lực chung với Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, khả năng phối hợp sản phẩm với Vietnam Airlines. 

Pacific Airlines được thành lập vào năm 1991 với các cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2007, Tập đoàn Qantas mua 30% cổ phần Pacific Airlines và hãng đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines. Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuyển giao 68% vốn tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines. Đến tháng 7/2020, Jetstar Pacific trở về tên khai sinh Pacific Airlines.

Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi liên danh tại Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần của Qantas tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.

Trước khi thoái vốn Pacific Airlines, Vietnam Airlines đã thoái 35% vốn khỏi Cambodia Angkor Air (K6) - hãng hàng không quốc gia của Campuchia, do Vietnam Airlines góp 49% vốn. Vì vậy, Cambodia Angkor Air là công ty liên kết của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Vietnam Airlines đã nhận các khoản tiền lần lượt là 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp của hãng tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn