• Zalo

Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh: Không nhất thiết phải đi trên thủy tinh

Kinh nghiệm sống Thứ Năm, 27/08/2015 07:28:00 +07:00Google News

Chuyên gia giảng dạy về kỹ năng sống cho rằng có rất nhiều ví dụ có thể dạy học sinh về lòng dũng cảm và không nhất thiết phải dạy các em nhỏ đi trên thủy tinh.

(VTC News) - Chuyên gia giảng dạy về kỹ năng sống cho rằng có rất nhiều ví dụ có thể dạy học sinh về lòng dũng cảm và không nhất thiết phải dạy các em nhỏ đi trên thủy tinh.

Những ngày gần đây trên khắp các kênh truyền thông và mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh phản ứng trái chiều trước nội dung dạy trẻ về lòng dung cảm bằng cách đi trên thủy tinh trong cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” của tiến sĩ Phan Quốc Việt.
Bài thực hành về lòng dũng cảm dạy các em nhỏ kỹ năng đi trên thủy tinh khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều
Bài thực hành về lòng dũng cảm dạy các em nhỏ kỹ năng đi trên thủy tinh khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều 
Cụ thể, bài học nêu: Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt học sinh và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh. Nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ, và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh".


Đã có một số chuyên gia đưa ra những phân tích rất kỹ về bài thực hành này, chứng minh được tính an toàn gần như tuyệt đối của nó.

Đồng thời, một số bạn đọc cũng bày tỏ quan điểm “Giáo dục cách tân thời đại cũng nên nhìn xa, nhìn thoáng, cứ như cô Tấm mãi không được”.

Tuy nhiên, đại đa số phản hồi bác bỏ cách dạy này vì lo sợ học sinh gặp nguy hiểm. Những quan điểm gặp nhiều nhất là: nguy cơ các em bị thương, trẻ con thường hiếu động và nếu chúng tự làm tại nhà thì đây sẽ trở thành đại họa.

Dũng cảm hay liều lĩnh, giáo dục trẻ sao lại dai dột như thế này, không đồng tình, không chấp nhận cũng là những điều mà phụ huynh quan tâm và lo lắng nhất.
Trainer Phạm Ngọc Anh – CEO Công ty đào tạo VietFuture khẳng định không nhất thiết phải dùng ví dụ đi trên thủy tinh để dạy trẻ lòng dũng cảm
Trainer Phạm Ngọc Anh – CEO Công ty đào tạo VietFuture khẳng định không nhất thiết phải dùng ví dụ đi trên thủy tinh để dạy trẻ lòng dũng cảm 
Chia sẻ với báo chí khi được hỏi ý kiến về bài thực hành cho trẻ đi trên thủy tinh trong sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1”, Trainer Phạm Ngọc Anh – CEO Công ty đào tạo VietFuture khẳng định: “Một vấn đề nên được nhìn nhận  đa chiều và trong trường hợp này, những người làm công tác giáo dục phải biết đứng về phía các em học sinh”.

Theo Trainer Phạm Ngọc Anh cho rằng việc cung cấp, trang bị những kỹ năng sống cho các em nhỏ là điều hết sức cần thiết.

Các quốc gia phát triển trên thế giới cũng có những giáo trình, phương pháp đào tạo kỹ năng cho trẻ rất đa dạng và linh hoạt. Bản thân Trainer Phạm Ngọc Anh cũng luôn luôn đau đáu, tâm nguyện và nuôi dưỡng mong muốn cung cấp những giải pháp giúp các em có được những kỹ năng tốt hướng tới sự phát triển toàn diện.

 Trở lại với bài thực hành cho trẻ đi trên thủy tinh, Trainer Phạm Ngọc Anh thẳng thắn chia sẻ rằng: “Đứng trên phương diện là những người luôn tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và phát triển con người, tôi thấu hiểu, cảm thông và đồng cảm với tác giả chủ biên bài thực hành này. Tuy nhiên, chi tiết hơn thì cá nhân tôi không hoàn toàn ủng hộ bài tập cho học sinh lớp 1 đi trên thủy tinh”.

Chúng ta có nhiều phương án để lựa chọn, nhiều cách tốt hơn để có thể hướng tới mục tiêu trang bị lòng dũng cảm, hay rộng hơn nữa là nâng khả năng thích ứng và sinh tồn cho các em. “Chúng ta điều biết người Do Thái dạy con tuyệt vời như thế nào, họ coi làm việc nhà là dạy trẻ cơ hội sinh tồn cơ bản. Từ những việc rất nhỏ, nhưng nếu biết linh hoạt và sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến chúng thành những bài học chất lượng dành cho con em chúng ta”, CEO Công ty đào tạo VietFuture dẫn chứng.

 Vì vậy, những người làm giáo dục cần luôn luôn tâm niệm phải hướng tới các em học sinh, các em mới chính là trung tâm của mọi hoạt động đào tạo.

Nếu không giữ trong mình giá trị cốt lõi này, rất có thể chúng ta sẽ sa đà vào kết quả trước mắt và kèm theo đó là những hệ lụy không tốt theo kèm.

“Tôi nghĩ, đây cũng có thể coi như một bài học tốt để người lớn chúng ta nhìn nhận lại, tâm huyết không đồng nghĩa với sự vội vã. Hãy cùng chung sức, chung tay vì thế hệ tương lai của Việt Nam chúng ta”, ông Phạm Ngọc Anh chia sẻ.

Trước đó, ngày 26/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam khẩn trương thu hồi cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1" được phát hành năm 2014.

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn