• Zalo

Quốc hội Mỹ tước Quy chế quan hệ thương mại bình thường với Nga

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 08/04/2022 06:42:00 +07:00 Google News

Ngày 7/4, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chấm dứt Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Nga, luật hóa lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Đạo luật cũng áp dụng đối với nước láng giềng của Nga là Belarus và cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga.

Trước đó, ngày 17/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm đình chỉ Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Nga và Belarus, qua đó tăng cường các biện pháp nhằm trừng phạt Moskva liên quan tới chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Quốc hội Mỹ tước Quy chế quan hệ thương mại bình thường với Nga - 1

Trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington DC. (Ảnh: AP)

Sau khi được cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn, Tổng thống Biden sẽ ký ban hành dự luật, qua đó chấm dứt qui chế thương mại đối xử công bằng đối với Moskva, mở đường cho việc tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các mặt hàng của Nga.

Đây là động thái mới nhất của chính giới Mỹ để thể hiện sự ủng hộ dành cho Ukraine và trừng phạt Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine. Trước đó, Quốc hội Mỹ cũng đã phê chuẩn một gói viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá 13,6 tỷ USD.

Quy chế quan hệ thương mại bình thường (PNTR), còn gọi là quy chế “Tối huệ quốc”, đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại. Trong quan hệ thương mại với Mỹ, chỉ có một số ít đối tác không hưởng quy chế NTR. Việc các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một nước hưởng quy chế PNTR sẽ thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ một nước không hưởng quy này.

Giữa tháng 3, Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo tước bỏ quy chế Tối huệ quốc (MFN) của Nga theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EU đã đồng ý về biện pháp này với 13 thành viên WTO khác là Albania, Australia, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Iceland, Nhật Bản, Bắc Macedonia, Moldova, Montenegro, New Zealand, Na Uy và Anh.

Các quốc gia này đã lưu hành một bản ghi nhớ giữa các thành viên WTO chỉ ra rằng họ sẽ “thực hiện bất kỳ hành động nào được cho là cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của mình”. Các quy định của WTO quy định rằng quy chế MFN có thể được rút lại nếu các lợi ích thiết yếu về an ninh quốc gia bị đe dọa.

Biện pháp này không yêu cầu bất kỳ thủ tục nào trong WTO bởi đây là quyết định đơn phương. Sau cùng, Nga có quyền quyết định có khởi kiện các thành viên được đề cập hay không, nếu nước này cho rằng các quy tắc của WTO bị vi phạm.

Việc rút bỏ quy chế này cho phép EU áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại bổ sung như tăng thuế quan hoặc các loại hạn chế thương mại khác. Mỗi thành viên WTO đã chọn rút quy chế MFN đối với Nga được tự do áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt thương mại nào mà họ muốn.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 7/4, Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Các nhà lãnh đạo G-7 nhất trí cấm "các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng", cùng với việc mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với một số hàng hóa và tăng cường hạn chế các ngân hàng và công ty nhà nước của Nga.

Các nước G7 cũng cam kết hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia láng giềng của Ukraine, những quốc gia đang tiếp nhận dòng người di cư, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho những người rời khỏi Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.

(Nguồn: Báo Tin tức )
Bình luận
vtcnews.vn