• Zalo

Quốc gia Xô Viết kỳ lạ không được thừa nhận đã chiến đấu anh dũng để tồn tại ra sao?

Thế giớiThứ Tư, 01/06/2016 11:26:00 +07:00 Google News

Chiến tranh tại Transnistria đã qua đi được gần 24 năm, nhưng những hậu quả của nó đối với người dân ở dải đất này cho đến nay, vẫn nằm trong sự câm lặng dai dẳng.

Những con người Transnistria phải vật lộn với hiện trạng “những con người không quê hương tại chính nơi được gọi quê hương của mình”, với một tương lai mịt mờ, không lối thoát.

“Nền hòa bình” sụp đổ

Sự tan rã của Liên bang Xô-viết mang đến vô cùng nhiều những hệ lụy chính trị và phần lớn đều diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực – các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô đều tuyên bố độc lập, và phần lớn đều muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng của Liên bang Nga.

001-b

Vệ binh quốc gia Transnistria 

Thế nhưng, tại các quốc gia này, cộng đồng người Nga và những người nói tiếng Nga, hay thậm chí cả một phần cư dân các dân tộc bản địa khác lại không muốn điều này.

Hệ quả là tại một số vùng đất thuộc các quốc gia mới hình thành này xuất hiện xu hướng ly khai, và trong phần lớn các trường hợp cư dân ở những vùng đất này đều muốn nơi họ sinh sống tiếp tục là một phần của Liên bang Nga –Abkhazia và Nam Ossetia là hai ví dụ rất điển hình.

Xu hướng ly khai này tất yếu dẫn đến xung đột giữa một bên là chính quyền quốc gia độc lập mới, và một bên là những cư dân muốn mảnh đất của mình trở về nước Nga.

Có một cuộc chiến tranh như vậy đã xảy ra ở dải đất Transnistria nằm kẹp giữa Moldova và Ukraine vào năm 1992.

Ở thời điểm ấy, hệ thống mạng xã hội như Facebook chưa ra đời, và vì thế cuộc chiến tranh Transnistria diễn ra và kết thúc gần như trong “câm lặng”, nhưng những cư dân ở nơi này vẫn chịu đựng một nỗi đau âm thầm suốt 24 năm qua – nỗi đau là công dân không Tổ quốc.

Nhiếp ảnh gia người Anh Justin Barton đã ghi lại hình ảnh của những con người yêu nước, đau khổ và kiên cường ấy.

002

Quan sát chiến sự từ bờ sông Dniester

Vùng cao nguyên Bessarabia, nơi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết Moldova được thành lập năm 1940, với thủ đô là Kishinev (tên tiếng Moldova là Chisinau). Khu vực bờ đông dòng sông Dniester phát triển công nghiệp, và tính tới năm 1990 khu vực này đóng góp 40% sản lượng sản phẩm và 90% điện năng cho Moldova.

Với vai trò là nước cộng hòa tiền đồn của Liên bang Xô-viết, Tập đoàn quân số 14 của Quân đội Xô-viết đóng tại đây. Khu vực bờ đông của sông Dniester bao gồm chủ yếu là những người thuộc sắc tộc Sla-vơ, trong đó có 25% là người Nga, 28% là người Ukraine, còn lại là 43% người Moldova và các sắc tộc khác thuộc Liên Xô.

Cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc của các sắc tộc trong Liên bang Xô-viết, và nước Cộng hòa Xô-viết Moldova cũng không thoát khỏi “căn bệnh” này.

Một số nhà hoạt động chính trị tại Chisinau bắt đầu có xu hướng nghiêng về Romania, và một số đòi những người Nga phải “về nhà”.

Một đạo luật được thông qua vào năm 1989 tại Moldova, quy định tiếng Moldova (thực tế là một nhánh của tiếng Romania) là ngôn ngữ chính thức, cũng như từ bỏ ký tự Kirin, chuyển sang dùng ký tự Latin để viết tiếng Moldova, tương tự như tiếng Romania.

003

Chiến sự trong thành phố

Lẽ tất nhiên, những người thuộc sắc tộc Sla-vơ tại khu vực bờ đông sông Dniester coi là hành động “bài Sla-vơ”. Các nhà hoạt động chính trị ở khu vực này tuyên bố thành lập một quốc gia Xô-viết riêng biệt vào ngày 9/2/1990.

Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, các nước cộng hòa Xô-viết của Liên Xô nhanh chóng tuyên bố độc lập, trong đó có Moldova.

Trong tình thế ấy, những người Transnistria cũng tuyên bố độc lập khỏi nhà nước Moldova mới hình thành – các cuộc bầu cử ở địa phương được tiến hành vào tháng 12/1991 và Igor Smirnov, cựu quản đốc của một nhà máy, trở thành tổng thống của Transnistria cho tới khi ông mất năm 2011.

Trong khi ấy, việc tuyên bố độc lập khiến cho kinh tế của Moldova trở nên kiệt quệ và vì thế, chính quyền Moldova không thể để mất vùng công nghiệp của mình một cách dễ dàng.

Cuộc chiến “câm lặng”

Đầu năm 1992, những cuộc đụng độ giữa cảnh sát Moldova và dân quân Transnistrianổ ra với tần suất ngày càng tăng, và đỉnh điểm dẫn đến cuộc chiến tranh Transnistriavào ngày 2/3/1992 giữa một bên là Quân đội Moldova và lính tình nguyện Romania với quân số khoảng 25,000 đến 35,000, và một bên là Quân đội, Cảnh sát Transnistria, lính tình nguyện Nga thuộc các đơn vị Cossack vùng Kuban và vùng Don, và Tập đoàn quân Cận vệ số 14 của Quân đội Nga.

Điều rất thú vị là khi ấy tổ chức UNA-UNSO (Quốc hội Ukraine -Lực lượng tự vệ Ukraine) cũng gửi các đơn vị lính tình nguyện Ukraineđến trợ giúp người dân ở Transnistria (ngày nay, UNA-UNSO đã gia nhập tổ chức dân tộc cực đoan Pravyi Sektor tại Ukraine).

Ước tính, lực lượng có quân số bao gồm 9,000 dân quân địa phương, hơn 5,000 lính tình nguyện và 14,000 quân nhân của Tập đoàn quân số 14, Quân đội Nga.

Ngày 2/3/1992, quân đội Moldova chính thức phát động một cuộc chiến tranh tổng lực nhắm vào Transnistria – và cũng trong ngày đó Moldova chính thức gia nhập vào Liên hợp quốc.

Chiến trận diễn ra trên ba khu vực chính dọc theo sông Dniester làCocieri-Dubăsari, Coșnița và Bendery.

Những cư dân Transnistria lấy vũ khí từ các kho vũ khí của Tập đoàn quân số 14 – nơi có rất nhiều sĩ quan, công chức quốc phòng và lính nghĩa vụ người địa phương Transnistria.

011

“Bạn có thể ngủ một lúc, súng chưa nổ lúc này”

Chỉ huy của Tập đoàn quân số 14 biết điều này, nhưng không ngăn cản những người Transnistria, cũng như chọn vị trí trung lập.

Cuộc xung đột diễn biến một cách ác liệt, theo lời kể của một số nhân chứng, quân đội Moldova sử dụng súng máy hạng nặng lắp trên thiết giáp bắn vào nhà dân, thậm chí giữa ban ngày.

Ngày 20/6/1992, binh lính Moldova bắn những người dân trốn trong nhà của họ - những người đang tìm cách chạy khỏi thành phố hoặc cố gắng giúp đỡ lính Transnistria bị thương.

Một số bác sĩ còn cho hay, trong hai ngày 19 và 20/6/1992, các vị trí của phía Moldova nổ súng và ngăn không cho các bác sĩ này di chuyển để cứu chữa cho những người bị thương.

Quân đội Nga buộc phải can thiệp vào cuộc chiến và chặn đứng nỗ lực chiếm lấy Bendery của quân đội Moldova theo lệnh của trung tướng Alexander Lebed, bất chấp việc Tổng thống Nga Boris Eltsin đã ra lệnh Quân đội Nga không được phép can thiệp vào bất cứ tranh chấp quân sự nào ở quốc gia nơi họ đóng quân.

Lebed hồi tưởng lại, ông phải chọn một giải pháp mang tính trung lập nhất có thể để kết thúc cuộc chiến, “lúc đó, tôi bảo nhóm du côn ở Tiraspol và bọn phát xít ở Chisinau thế này – nếu tụi bây không ngừng bắn giết lẫn nhau, thì chính tao sẽ bắn hết tụi bây bằng xe tăng của tao đấy”.

Lệnh ngừng bắn được chính thức đưa ra vào ngày 21/7/1992, kết thúc một cuộc chiến dài 4 tháng, 2 tuần và 5 ngày.

019

Một người lính cảnh sát Moldova chạy về phe ly khai

Xung đột tại Transnistria, bao gồm cả những vụ nổ sống lẻ tẻ trước cuộc chiến và cả cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,200 người và làm bị thương hơn 1,800 người của cả hai bên.

Lệnh ngừng bắn được ký kết bởi tổng thống Nga Boris Yeltsin và tổng thống Moldova Mircea Snegur, một ủy ban kiểm soát chung được thành lập, gồm 5 tiểu đoàn lính Nga, 3 tiểu đoàn lính Moldova và 2 tiểu đoàn của Transnistria.

Nỗi đau câm lặng

Sau chiến tranh, các bên đều cố gắng giải quyết tình trạng này, nhưng do những bất đồng về quan điểm khiến hiện trạng trớ trêu của Transnistria vẫn tiếp diễn.

Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đang cố gắng tìm một giái pháp hòa bình để giải quyết vấn đề của Transnistria.

Dưới sự bảo trợ của OSCE, ngày 8/5/1997, Tổng thống Moldova Petru Lucinschi và Tổng thống Transnistria Igor Smirnov đã ký “Bản ghi nhớ về những nguyên tắc bình thường hóa quan hệ giữa Cộng hòa Moldova và Transnistria”, trong đó duy trì các quan hệ về mặt pháp luật và nhà nước.

Tuy nhiên, cả phía Moldova và Transnistria đều đưa ra những cách giải thích khác nhau về bản ghi nhớ này.

Năm 2005, Moldova và Ukraine ký kết một hiệp định, theo đó tất cả các công ty của Transnistria muốn xuất khẩu hàng hóa qua biên giới Ukraine đều phải đăng ký với chính quyền Moldova, và được thực thi vào năm 2006.

Trên thực tế, hiệp định này đã cô lập vùng Transnistria về mặt kinh tế. Với việc quân đội Nga vẫn hiện diện tại Transnistria, khu vực này được coi như “nằm dưới quyền lực trên thực tế hoặc ít nhất là chịu ảnh hưởng có tính quyết định từ Nga”.

Xung đột chính trị dẫn đến xung đột vũ trang tại Ukraine nổ ra năm 2014, cùng với sự kiện Nga sát nhập bán đảo Krym dẫn đến những bất hòa sâu sắc trong quan hệ giữa Nga và Ukraine.

Ngày 21/5/2015, quốc hội của Ukraine thông qua một đạo luật, qua đó xóa bỏ “Thỏa thuận về việc luân chuyển các đơn vị quân đội Nga tạm thời đóng tại Cộng hòa Moldova thông qua lãnh thổ Ukraine” được ký vào tháng 12/1998.

Sau đó, quân đội Ukraine quyết định đưa các đơn vị tên lửa S-300 đến vùng Odessa, đe dọa tới máy bay của quân đội Nga làm nhiệm vụ vận chuyển binh lính, trang thiết bị và hậu cần cho các đơn vị quân đội Nga đóng tại Transnistria.

Mặc dù Transnistria tuyên bố độc lập và trên thực tế độc lập so với Moldova, “quốc gia” này vẫn không được công nhận – vùng đất Transnistria vẫn được coi là một lãnh thổ tự trị của Moldova.

Tương lai của mảnh đất Transnistria và của cả những cư dân tại Transnistria đang trở nên không mấy sáng sủa, cục diện “xung đột lạnh” ở khu vực này đang nóng dần lên, với nguyên nhân trực tiếp bắt đầu từ cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine, và cả cuộc xung đột mới đây tại Nagorno-Karabakh.

Và người ta vẫn tiếp tục đặt câu hỏi liệu rằng số phận của “những con người không quê hương tại chính nơi được gọi quê hương của mình” ở Transnistria sẽ đi về đâu?

Sơ lược về Transnistria

Transnistria, còn được gọi là Trans-Dniester hay Transdniestria, là một dải đất nằm giữa sông Dniester và biên giới Ukraine, với diện tích 4,163 ki-lô-mét vuông, dân số ước tính năm 2014 là 505,153 người. Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất củaTransnistria là Tiraspol.Transnistria được chia làm 5 đơn vị hành chính cấp vùng và hai thành phố.

Igor Smirnov là Tổng thống đầu tiên của Transnistria từ năm 1991 đến năm 2001. Hiện tại, Tổng thống Transnistria là Yevgeny Shevchuk, ông giữ chức vụ này từ năm 2011.

Ngày 9/5/2016, Tổng thống Yevgeny Shevchuk phát biểu, “Tôi chắc chắn rằng sớm muộn gì chúng tôi [Transnistria] và Nga sẽ trở thành một quốc gia”.

Nền độc lập của Transnistria được duy nhất ba quốc gia công nhận, nhưng cả ba quốc gia này đều không phải là thành viên của Liên hợp quốc và cũng đều có hiện trạng gần tương tự - đó là Abkhazia, Nam Ossetia và Cộng hòa Nagorno-Karabakh.

Về phía Nga, năm 2010, tổng thông Nga khi ấy l Dmitri Medvedev tuyên bố rằng ông ủng hộ “tình trạng đặc biệt” của Transnistria, và ghi nhận vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình khu vực của quân đội Nga.

Về phía Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, tháng 6/2015, Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể Nikolay Bordyuzha nhận định rằng “không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột Transnistria. Nếu chính sự nổ ra ở khu vực này, nó sẽ kéo dài và gây ra đổ máu lớn”.

Nguyễn Tiến (Nguồn: Wired)
Bình luận
vtcnews.vn