• Zalo

Quên Thái Lan đi, đối thủ lớn nhất của U22 Việt Nam là chính mình!

Thể thaoThứ Tư, 12/07/2017 07:03:00 +07:00 Google News

Sức mạnh của bóng đá Thái Lan là không thể phủ nhận, song đó không phải lí do khiến bóng đá Việt Nam luôn lỗi hẹn với những danh hiệu lớn dù được đặt rất nhiều kỳ vọng.

1. Lá thăm may rủi đã đưa U22 Việt Nam nằm cùng bảng B với U22 Thái Lan tại SEA Games 29. Ngay lập tức, "Thái Lan" trở thành từ khóa trong những phân tích, dự đoán của các chuyên gia, dù giải đấu vẫn cách thời điểm hiện tại hơn 1 tháng nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng, U22 Việt Nam chẳng việc gì phải ngại U22 Thái Lan. Tuy nhiên, thật kỳ lạ khi quan điểm "không sợ người Thái" được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông.

t1

 U22 Việt Nam (áo đỏ) sẽ so tài với U22 Thái Lan tại SEA Games 29.

Đã không sợ, thì không cần phải nói. Hãy coi chuyện gặp U22 Thái Lan cũng bình thường như gặp bao đối thủ khác. Tại sao người ta không nhắc đến Indonesia - đối thủ luôn gây khó dễ cho Việt Nam trong quá khứ, Philippines với ẩn số từ đội trẻ, hay Campuchia - nền bóng đá đang trỗi dậy không ngừng trong thời gian qua,... nhiều như nhắc đến Thái Lan?

Đã nhắc nhiều đến người Thái, tức là dành cho họ một vị trí đặc biệt. Nói "không sợ người Thái" bây giờ giống như tự trấn an nhau nhiều hơn.

2. Bóng đá Việt Nam lo ngại người Thái ở hai điểm. Thứ nhất, bóng đá Thái Lan đã đặt dấu chân chinh phạt lên "vùng trũng" Đông Nam Á, tiến gần đến đẳng cấp châu Á và nuôi mộng World Cup, trong khi những đối thủ còn lại phải nỗ lực để... tiệm cận đẳng cấp Thái Lan.

Video: HLV Hữu Thắng "dạy" lí thuyết cho U22 Việt Nam

 

Thứ hai, ở Đông Nam Á, không đối thủ nào thắng Việt Nam nhiều như Thái Lan, ở tất cả các cấp độ đội tuyển. 2/3 trận thua ở chung kết SEA Games gần nhất của U23 Việt Nam diễn ra trước U23 Thái Lan.

Tuyển Việt Nam vừa thua Thái Lan tại vòng loại World Cup sau cả hai lượt trận, U19 Việt Nam chịu chung số phận với thất bại "muối mặt" 0-6 vào năm 2015. Hoài niệm 2008 là quá ít ỏi, không đủ để xua đi nỗi ám ảnh, thậm chí là run rẩy từ người hâm mộ cho đến cầu thủ, mỗi khi chúng ta đụng độ người Thái.

Bóng đá Việt Nam có thành tích kém trước đối thủ mà chúng ta gọi là "kình địch", nên sự lo ngại (nếu có) khi sau kết quả bốc thăm là chuyện bình thường. Chúng ta chẳng việc gì phải che giấu điều đó.

Chỉ có điều, lo ngại là một chuyện, còn sợ hãi lại là chuyện hoàn toàn khác. Quả thật, U22 Việt Nam không phải sợ U22 Thái Lan, bởi đối thủ lớn nhất của chúng ta đâu phải là họ!

3. Hãy nhớ lại 3 giải đấu lớn gần nhất mà U23 Việt Nam cùng tuyển Việt Nam góp mặt. Đó là 3 lần Quế Ngọc Hải cùng các đồng đội gục ngã ở ngưỡng bán kết, ngay khi chúng ta còn... chưa có cơ hội gặp người Thái.

Năm 2014, tuyển Việt Nam của HLV Toshiya Miura vứt bỏ tất cả lợi thế trước Malaysia bằng những sai lầm không thể tin nổi ở hàng phòng ngự. Năm 2015, U23 Việt Nam bị loại bởi cánh tay vô duyên của Hồ Ngọc Thắng, pha cản phá thiếu may mắn của Thanh Hiền hay hàng tá cơ hội bị các cầu thủ tấn công bỏ lỡ. Và năm 2016, sai sót của Đình Đồng hay tấm thẻ đỏ vô duyên của Nguyên Mạnh đã khiến tất cả "đổ xuống sông xuống biển".

t2

 Tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam đã bị loại ở bán kết tại 3 giải đấu lớn liên tiếp trong khu vực. 

Xa hơn một chút, U23 Việt Nam từng bỏ lỡ giấc mơ "vàng mười" SEA Games khi thua đáng tiếc trước Malaysia trong trận chung kết. Người ta nói, U23 Việt Nam hay tuyển Việt Nam "run" khi gặp người Thái. Nhưng khi gặp Malaysia, Myanmar hay Indonesia, các cầu thủ áo đỏ vẫn run đấy chứ. Không run thì làm sao mắc sai lầm sơ đẳng như vậy được?

Nói vậy có nghĩa, bóng đá Việt Nam... sợ tất cả các đối thủ mạnh ở Đông Nam Á này? Không phải. Tuyển Việt Nam cùng lứa U23 thất bại khi chúng ta không thể vượt qua cái ngưỡng tâm lý.

Ở thời khắc quyết định, các học trò của Miura ngày trước hay Hữu Thắng bây giờ thường thiếu đi sự tỉnh táo, bình tĩnh để thực hiện những mảng miếng chiến thuật bài bản. Tâm lý yếu, không thắng được bản thân thì sai lầm cũng là lẽ dĩ nhiên.

Còn nhớ, sau trận thua đáng buồn trước U23 Myanmar, U23 Việt Nam đã trút đến 5 bàn thắng vào lưới U23 Indonesia để giành huy chương Đồng. Tâm lý được cởi bỏ, lứa trẻ của bóng đá Việt Nam mới trở về với chính mình. Đó là nguyên nhân bóng đá nước nhà nổi tiếng với khẩu hiệu "thử kêu, đốt xịt" trong nhiều năm. Tâm lý không phải là vấn đề duy nhất, song lại là vấn đề then chốt nhất của thầy trò HLV Hữu Thắng.

u22 viet nam duc chinh

Vượt qua ngưỡng tâm lý, U22 Việt Nam có nhiều cơ hội để làm nên chuyện.

Nếu U22 Việt Nam còn chút lấn cấn, hãy nhìn sang màn trình diễn của U20 Việt Nam. Đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn còn nhiều thiếu sót, song họ đã tạo nên kỳ tích lịch sử khi bước qua được cái ngưỡng tâm lý. Phải vượt qua chính mình, U22 Việt Nam mới có thể làm nên chuyện.

Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Myanmar thì xưa giờ vẫn vậy, là láng giềng của Việt Nam. U22 Việt Nam không gặp giải này thì... kiểu gì cũng gặp giải sau. Muốn vô địch, toàn đội chỉ có một cách, đó là phải thắng hết và vững niềm tin dù đối thủ có là ai.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn