• Zalo

Quang Đăng: Trước 'Vũ điệu rửa tay' là 10 năm đổ mồ hôi và cả máu trên sàn nhảy

Sao ViệtThứ Ba, 07/07/2020 13:36:00 +07:00Google News
(VTC News) -

"Trước khi sáng tác Vũ điệu rửa tay trong 15 phút, tôi có 10 năm tập luyện vất vả, đổ bao giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu trên sàn nhảy" - Quang Đăng chia sẻ.

- Thời gian qua, Vũ điệu rửa tay của anh nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Anh sáng tác vũ điệu này trong hoàn cảnh nào?

Sau khi ca khúc Ghen Cô Vy được hoàn thiện, một bạn bên Bộ Y tế chuyển cho tôi nghe và bày tỏ mong muốn đưa thông điệp của bài hát tới công chúng. Sau khi bàn bạc qua lại, chúng tôi nghĩ ra phương án tạo ra một điệu nhảy ngắn đăng trên TikTok - nơi cộng đồng fan chủ yếu là người trẻ.

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đăng điệu nhảy lên cho cộng đồng fan của tôi xem. Tôi không nghĩ điệu nhảy lại được nhiều người chú ý đến thế. Thậm chí, một tuần sau khi đăng tải, tôi còn không nghĩ tới điệu nhảy đó.

Một hôm, tôi đang đi trên đường thì bạn tôi gọi điện, nói vũ điệu rửa tay đang được đề cập tới trong chương trình Last Week Tonight của HBO.

Quang Đăng: Trước 'Vũ điệu rửa tay' là 10 năm đổ mồ hôi và cả máu trên sàn nhảy - 1

- Cảm xúc của anh khi trở thành vũ công đầu tiên ở Việt Nam có điệu nhảy được đề cập tới trong chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ?

Sau khi nhận được cuộc điện thoại đó, tôi vội chạy xe về nhà và lên mạng tìm kiếm thông tin về chương trình. Vui, bất ngờ và tự hào lắm. Tôi hạnh phúc vì giá trị mình tạo ra có sức lan tỏa trong cộng đồng. Vũ điệu rửa tay được nhiều người xem tức là thông tin về dịch COVID-19 và cách phòng chống dịch bệnh càng được mọi người biết đến.

- Anh có nghĩ rằng, vũ điệu rửa tay hot một phần vì thời điểm đó, cả thế giới đang đổ dồn về dịch COVID-19?

Mục đích của tôi khi làm vũ điệu rửa tay là tạo ra bài nhảy dễ học, dễ nhớ, dễ làm theo và truyền tải thông điệp về dịch COVID-19. Điều hạnh phúc nhất là tôi đạt mục đích đó, chứ tôi không quan tâm vũ điệu rửa tay giúp tôi có thêm bao nhiêu fan hay kiếm được bao nhiêu tiền.

Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, không đặt nặng việc tác phẩm của mình có được lan tỏa rộng rãi trên mạng hay đem lại cho mình điều gì hay không. Tôi suy nghĩ nhiều về giá trị tác phẩm mình tạo ra hơn là nó nổi tiếng thế nào. Tôi nghĩ tới những gì mình có thể cho đi hơn là những gì mình nhận lại.

Quang Đăng: Trước 'Vũ điệu rửa tay' là 10 năm đổ mồ hôi và cả máu trên sàn nhảy - 2

- Vũ điệu rửa tay được đề cập tới trên truyền hình Mỹ, được công chúng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới biết tới. Anh có nghĩ đó là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình không?

Tôi nghĩ, đây là một cột mốc trong sự nghiệp của tôi. Thành công của điệu nhảy khiến tôi bất nhờ. Niềm vui của tôi có lẽ giống như một người bình thường khi trúng số độc đắc.

Vũ điệu rửa tay là điểm sáng trong sự nghiệp của tôi. Nó khiến tôi có thêm niềm tin, tầm nhìn để đi tiếp con đường của mình. Nó khiến tôi càng tin hơn vào sự lựa chọn nghề nghiệp và mở cho tôi nhiều hướng đi mới. Nhờ Vũ điệu rửa tay, khi làm nghề, tôi cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn.

Trong mùa dịch COVID-19, công việc của tôi cũng giống như nhiều vũ công khác, bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhờ có Vũ điệu rửa tay, tôi được biết đến nhiều hơn, có thêm nhiều cơ hội trong nghề nghiệp, hợp tác với nhiều nhãn hàng và nghệ sĩ hơn. Nhiều nghệ sĩ mời tôi không chỉ dựng vũ đạo cho cả bài hát của họ mà đôi khi chỉ dựng bài nhảy ngắn cho một đoạn trong tác phẩm để đăng lên mạng, giúp cho sản phẩm của họ được lan tỏa nhiều hơn.

Mọi người nhìn thấy những gì tôi đã làm. Họ trao cho tôi niềm tin và đó là điều khiến tôi hạnh phúc hơn cả.

Quang Đăng: Trước 'Vũ điệu rửa tay' là 10 năm đổ mồ hôi và cả máu trên sàn nhảy - 3

- Có thể nói, Quang Đăng bây giờ là cái tên hot bậc nhất trong giới dancer tại Việt Nam?

Hiện tại, tôi nhận được rất nhiều lời mời trong công việc. Tuy nhiên, tôi không tham nhận hết mà chọn lọc những sản phẩm phù hợp.

Tôi chỉ nhận những lời mời từ người mà tôi biết, sản phẩm của mình có thể tạo ra giá trị cho khách hàng, cho những người tôi hợp tác. Còn với những lời đề nghị mà tôi biết mình làm không tốt thì tôi không dám nhận lời. Tôi không muốn phụ lòng tin mà người khác đã trao cho mình. Với nhiều nghệ sĩ, tôi giúp họ tạo ra những điệu nhảy vì vui chứ không phải vì tiền.

- Anh từng chia sẻ, anh tạo nên Vũ điệu rửa tay chỉ trong 15 phút. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng, công việc của anh khá dễ dàng?

Thời gian sáng tác ra một điệu nhảy có thể là rất ngắn nhưng nó chỉ là kết quả của cả quá trình rất dài. Trước khi tạo ra Vũ điệu rửa tay trong 15 phút, tôi có cả 10 năm tập luyện vất vả. Tôi đã đổ biết bao giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu trên sàn nhảy.

Vũ công đưa vào bài nhảy không chỉ kỹ thuật mà còn cả những trải nghiệm riêng của họ trong cuộc sống.

Quang Đăng

Mỗi điệu nhảy là kết quả của cả quá trình tư duy của vũ công. Họ đưa vào bài nhảy không chỉ kỹ thuật mà cả những trải nghiệm riêng của bản thân trong cuộc sống.

Mỗi người có tư duy nghệ thuật khác nhau, mà tư duy đó phụ thuộc nhiều vào trình độ, trải nghiệm sống cũng như những sự kiện xảy ra trong đời nghệ sĩ.

Tôi không dám nói mình giỏi hơn ai nhưng tôi tin mình có những trải nghiệm rất khác so với mọi người. Chính vì thế, những điệu nhảy tôi tạo ra luôn có nét rất riêng.

- Giờ anh là vũ công nổi tiếng nhưng ít ai biết, trước đây anh từng bị cha mẹ phản đối theo nghề này?

Lúc đầu tôi tập nhảy chỉ để cho vui thôi. Sau này vào vũ đoàn, tôi tập luyện và đi diễn nhiều hơn. Tôi hay trở về nhà khi trời đã khuya và ít khi có mặt ở nhà. Vì thế, ba mẹ cũng có chút buồn, khó chịu và mắng: "Con cái gì mà coi nhà như phòng trọ". Lúc đó tôi hơi chạnh lòng nhưng mà tôi mê nhảy quá, không bỏ được.

Tôi cũng hiểu những lo lắng của cha mẹ. Nhảy múa phong trào và chuyên nghiệp có khoảng cách rất lớn. Ba mẹ nào nghe con đi nhảy chuyên nghiệp cũng đều phải suy nghĩ, ngay cả tôi sau này cũng thế.

Khi tôi tham gia Thử thách cùng bước nhảy, ba mẹ thấy tôi thành công, hạnh phúc và cũng được nhiều người yêu mến thì cũng cảm thấy vui. Ba mẹ tôi có tư tưởng rất thoáng. Chỉ cần con hạnh phúc và không làm điều gì trái đạo đức, pháp luật là ba mẹ tôi ủng hộ.

Quang Đăng: Trước 'Vũ điệu rửa tay' là 10 năm đổ mồ hôi và cả máu trên sàn nhảy - 4

- Theo anh, tại sao khi con cái theo nghề vũ công, các bậc cha mẹ ban đầu thường có cảm giác lo lắng, bất an?

Ngày trước khi nói tới vũ công, dancer, mọi người chỉ nghĩ rằng đó là trai nhảy, gái nhảy thôi. Họ nghĩ môi trường làm việc của dancer chỉ ở quán bar hoặc những nơi không có lợi cho sức khỏe. Thực sự nhiều năm trước, mọi người nhìn nghề vũ công với con mắt rất tệ.

Càng về sau, nghề người mẫu, dancer càng được nhìn nhận tốt hơn. Tuy hơn, vẫn còn nhiều gia đình có cái nhìn hạn chế về nghề. Các bậc cha mẹ luôn muốn con cái có nghề ổn định hơn.

- Thời gian đến với nghề vũ công, anh gặp khó khăn gì?

Lúc tôi mới đến với nghề vũ công, mọi thứ chưa được bài bản như bây giờ. Giờ có nhiều dance studio mọc lên, nhiều thầy cô ở nước ngoài về dạy và nhiều kiến thức có thể tìm thấy trên mạng. Mọi thứ sung sướng hơn ngày xưa nhiều. Dĩ nhiên, thời điểm nào cũng có khó khăn riêng.

Nếu được quay trở lại thời gian cũ, tôi sẽ thay đổi cách sống và cách tập luyện. Lúc trước, tôi luyện tập có phần hơi bào sức, không chăm lo nhiều cho sức khỏe. Vì thế, bây giờ tôi thường dặn các bạn dancer trẻ mới vào nghề phải quan tâm nhiều tới sức khỏe, phải cân bằng giữa thời gian tập luyện và thời gian dành cho bản thân nếu muốn gắn bó với nghề này lâu dài.

-  Ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với nghề vũ công. Vậy sự cạnh tranh trong lĩnh vực này thế nào? Đã bao giờ anh bị đồng nghiệp chơi xấu?

Tôi nghĩ trong bất cứ ngành nghề nào cũng có sự cạnh tranh, có người xấu, có người tốt. Chính điều đó khiến các vũ công phải cố gắng hoàn thiện mình và tạo nên những thay đổi lớn cho nghề này.

Tôi may mắn khi có những đồng nghiệp tốt. Hơn nữa, nếu có ai nói xấu, tôi cũng không biết. Khi đi làm, tôi chỉ tập trung vào công việc của mình. Xong việc, tôi trở về nhà. Tôi thấy đa số các vũ công đều sống khép kín. Họ chỉ mở lòng với những người bạn thân của mình.

Quang Đăng: Trước 'Vũ điệu rửa tay' là 10 năm đổ mồ hôi và cả máu trên sàn nhảy - 5

- Theo anh, giá trị cốt lõi của một vũ công là gì?

Tôi quan niệm, giá trị cốt lõi của một vũ công là chân thành, đam mê và có trách nhiệm. Trong đó, chân thành là yếu tố đầu tiên. Trước khi trở thành vũ công giỏi, bạn phải là người tử tế.

Tiếp đến, phải có đam mê, bạn mới gắn bó được với nghề. Tôi biết, nhiều bạn trẻ có đam mê rất rực lửa. Chỉ cần nhìn người khác nhảy múa trên sân khấu là trong người đã thấy hào hứng. Tuy nhiên, duy trì ngọn lửa này trong suốt nhiều năm làm nghề là điều không đơn giản. Nếu bạn để niềm đam mê của mình trôi đi, những bài nhảy của bạn sẽ không còn giá trị.

Cuối cùng, một vũ công cần phải có trách nhiệm, trách nhiệm với chính bản thân, với đồng đội của mình và với khán giả.

- Anh từng tâm sự muốn đem những điệu nhảy của mình ra thế giới. Ở thời điểm này, anh đánh giá mình làm được hay chưa?

Tôi cùng vũ đoàn của mình từng tham gia Asia's Got Talent. Vũ điệu rửa tay của tôi cũng được công chúng nhiều nơi biết đến. Về mặt lý thuyết, tôi đã phần nào đưa được phong cách nhảy của mình, phong cách nhảy của Việt Nam đến với thế giới.

Tuy nhiên, thành công trên không phải là đích đến. Đó chỉ là bước đệm, là cơ hội để tôi học hỏi, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn để bản thân được nhìn nhận không chỉ ở Việt Nam.

Tôi luôn khao khát giới thiệu được điệu nhảy, điệu múa đặc trưng của Việt Nam ra ngoài thế giới, chẳng hạn như múa dân gian ở khắp các vùng miền. Và tôi đang trong hành trình biến ước mơ thành hiện thực.

- Từng tham gia Asia's Got Talent, cọ sát với nhiều bạn nhảy/nhóm nhảy trên thế giới, anh nhận thấy hạn chế của các vũ công Việt Nam là gì?

Các bạn không có điều kiện tập luyện. Quá ít người có thể chỉ bảo cho các vũ công Việt Nam về kỹ thuật cũng như vạch ra những hướng đi phù hợp, có tính chất chiến lược, lâu dài.

Các vũ công Việt Nam rất giỏi nhưng lại không có người kết nối, dẫn dắt. Chúng tôi chưa có người anh cả để góp phần tạo nên những nhóm nhảy, những cá nhân nổi bật.

- Anh có muốn vươn lên trở thành người anh cả trong nghề vũ công ở Việt Nam?

Hiện nay, ngoài công việc biên đạo, trình diễn, tôi còn mở một trung tâm dạy nhảy cho các bạn trẻ có đam mê. Với bất kỳ học sinh hay bạn nhảy nào, tôi đều chia sẻ hiểu biết, kỹ thuật và kinh nghiệm của mình. Tôi luôn mong muốn được nhìn thấy họ thành công. Tôi mong, thế hệ vũ công đi sau sẽ thành công hơn thế hệ đi trước.

- Khoảnh khắc nào khiến anh thích nhất? Đó là khi đứng trên sân khấu, dưới ánh đen và sự dõi theo của khán giả hay là khi ở trong phòng tập?

Mỗi khoảnh khắc đều đem đến cho tôi niềm vui, sự hạnh phúc và trải nghiệm riêng. Nhưng tôi thích nhất lúc một mình trong phòng tập, xung quanh là những tấm gương phản chiếu. Đó là lúc tôi có thể soi mình vào gương để tự nhắc nhở phải kiên trì và nuôi dưỡng niềm đam mê với con đường mình đang đi.

Quang Đăng: Trước 'Vũ điệu rửa tay' là 10 năm đổ mồ hôi và cả máu trên sàn nhảy - 6

Vũ công Quang Đăng từng giành giải Ba trong chương trình Thử thách cùng bước nhảy – You think you can dance mùa đầu tiên. Anh cũng là người nhận danh hiệu Dancer of the Year 2013, một trong những giải thưởng quý giá nhất đối với vũ công trẻ. Anh cùng vũ đoàn của mình từng gây tiếng vang khi tham gia Asia ‘s Got Talent 2019 – Tìm kiếm tài năng châu Á với tiết mục Vũ nông dân.

Tháng 3/2020, Quang Đăng tạo nên Vũ điệu rửa tay. Bài nhảy này không chỉ gây sốt với khán giả trong nước mà còn được phát trên sóng truyền hình Mỹ - HBO và trong chương trình Last Week Tonight With John Oliver. Đây là một trong những show có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ. MC chương trình John Oliver cũng đã từng nhận được 16 giải Emmys danh giá trong suốt sự nghiệp.

Sau đó, Vũ điệu rửa tay được fanpage chính thức của UNICEF - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc - chia sẻ và dành những lời khen tặng có cánh.

Thu Giang
Bình luận
vtcnews.vn