Quán cháo trước hiên nhà của cô Yến, huyện Tri Tôn, An Giang là địa chỉ ăn điểm tâm quen thuộc của người dân địa phương nơi đây. Bắt đầu từ 6h sáng, khá đông khách ruột tranh thủ ghé "làm tô cháo" trước khi đi làm. Không ít người ăn đến quen mặt nhưng hiếm khi nào thấy ngán. Mỗi ngày, quán bán hơn 100 tô, ngày lễ thì đông khách hơn nên nếu muốn ăn đầy đủ thì bạn phải tranh thủ đi sớm.
Chủ quán cháo là cô Hồng Yến đã gắn bó với nghề 20 năm nay. Cô chia sẻ, hằng ngày thức dậy lúc 4h30 để chuẩn bị nguyên liệu như lòng bò, thịt bò, rau giá.... Lòng phải rửa thật sạch với nước muối để không bị hôi. Riêng nồi cháo phải hầm khoảng 1 tiếng đồng hồ cho nhuyễn.
Lòng bò được cho vào nồi cùng lúc với gạo để luộc mềm vì lòng lâu chín. Cuối cùng là đổ huyết vào. Đây cũng là công đoạn quan trọng nhất vì khi nước vừa sôi, đầu bếp phải thật khéo léo và canh giờ chuẩn xác để đổ sao cho huyết không bị phồng, xốp, mất ngon. Nêm nếm thêm bột ngọt, mắm, muối là xong.
Điểm nhấn tạo sự khác biệt ở tô cháo là sử dụng gạo Campuchia và lá chúc. Gạo Campuchia khi nấu cháo mềm, dẻo mà thơm hơn so với các loại gạo thường. Còn cây chúc được xem là đặc sản của An Giang, trồng nhiều tại huyện Tri Tôn. Quả chúc giống quả chanh nhưng vỏ xù xì, có mùi thơm lâu mà nhẹ nhàng, thanh mát. Chút lá chúc thái mỏng khiến nồi cháo đậm đà mà thơm hơn.
Một phần ăn đầy đặn giá chưa đến 30.000 đồng gồm một tô cháo có lòng bò, huyết, thịt bò tái, óc, tủy, nạm... thêm hành lá và rau thơm lên trên. Đặc biệt, món cháo này không chỉ ăn kèm bánh mì mà thực khách còn được miễn phí một phần bún tươi đủ cho một bữa sáng no nê. Kiểu kết hợp lạ lẫm này khiến nhiều người "mắt tròn mắt dẹt". Khi ăn, thực khách vắt một lát quả chúc tạo vị chua nhẹ, chấm lòng, thịt... chung với nước mắm gừng là chuẩn vị.
Bình luận