• Zalo

Quả phật thủ có ăn được?

Tư vấnThứ Sáu, 12/01/2024 00:01:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Không ít tranh cãi xung quanh việc "quả phật thủ có ăn được không?", vậy câu trả lời là gì?

Phật thủ là loại quả mang ý nghĩa tâm linh, biểu tượng may mắn nên được nhiều gia đình trưng bày trong mâm ngũ quả ngày Tết. Quả phật thủ có ăn được không vẫn là vấn đề nhiều người tranh cãi.

Theo các chuyên gia, quả phật thủ có thể ăn được. Không chỉ là loại quả được bày mâm ngũ quả trong những ngày lễ Tết mà quả phật thủ còn là vị thuốc tốt cho sức khoẻ.

Tìm hiểu về quả phật thủ

Báo VnExpress dẫn lời Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho biết, quả phật thủ hay còn gọi là tay Phật, là loại giống cây ăn quả thuộc chi cam chanh, giống cây bản địa của Trung Quốc và Nhật Bản, được trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Loại quả này thường có mặt trong mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết của người Việt.

Cây phật thủ là loại cây thân gỗ nhỏ, cao từ 2 đến 2,5 m, ra hoa kết quả quanh năm. Quả phật thủ dùng ăn tươi, làm mứt. Phật thủ có nhiều cánh múi chụm lên như 10 ngón tay nên dân gian gọi là tay Phật với cầu mong được Trời Phật ban phúc lộc. Phật thủ được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên mâm ngũ quả ngày Tết. Ngoài ý nghĩa tâm linh, phật thủ còn có nhiều tác dụng phòng chữa bệnh.

Theo Đông y, phật thủ vị cay, chua và đắng, tính ấm, vào can vị phế, tác dụng lý khí hóa đàm, thư can hòa vị chỉ thống. Quả dùng cho các trường hợp đau tức vùng liên sườn, vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ho hen phế quản nhiều đờm, khó thở. Liều dùng: 2-10 g quả khô, dưới dạng nấu, hãm uống.

Quả phật thủ có ăn được không là băn khoăn của nhiều người.

Quả phật thủ có ăn được không là băn khoăn của nhiều người.

Các món ăn, bài thuốc từ quả phật thủ

Bài thuốc từ quả phật thủ

Phật thủ là loại thảo mộc vị chát, đắng, chua và tính ấm, đi vào 3 kinh mạch gồm gan, lá lách và phổi. Chức năng quan trọng nhất của nó là tăng cường chức năng gan để làm trơn khí và điều hòa dạ dày để giảm đau.

Các công dụng và chỉ định chính của phật thủ là suy nhược khí ở gan-dạ dày, tức ngực và lồng ngực, đầy bụng, căng tức hoặc đau dạ dày, giảm cảm giác thèm ăn và nôn...

Liều dùng khuyến cáo của phật thủ là từ 3 đến 6 gam ở dạng thuốc sắc.

- Chữa ho do sinh lực và long đờm ứ trệ: Phật thủ từ 2 đến 3 quả, đun sôi với nước và uống trong ngày.

- Chữa say rượu: Phật thủ tươi 30g, sắc nước uống.

- Chữa khí hư ra nhiều: Phật thủ 30g, lòng lợn non 0,5-1m, ninh chín làm món ăn trong 5-7 ngày.

Món ăn từ quả phật thủ

Loại thảo mộc này rất giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như carbohydrate, chất xơ thô, limettin... Do đó, phật thủ hầu hết được sử dụng cho mục đích y học và được làm thành trà và tinh dầu.

Hơn nữa, nó cũng thường được sử dụng cho liệu pháp ăn kiêng. Về cách nấu loại thảo mộc này để phát huy hết công dụng của nó, bạn có thể áp dụng một số công thức sau đây:

Cháo phật thủ

Lợi ích sức khỏe: Bồi bổ lá lách, dạ dày, giảm đau.

Thành phần: Gạo 100g, phật thủ 15g, đường tinh 30g

Cách thực hiện: Sắc phật thủ lấy nước, bỏ bã, cho gạo và đường vào nấu thành cháo.

Nước phật thủ

Lợi ích sức khỏe: Kích thích sự thèm ăn, làm dịu gan, điều hòa khí.

Thành phần: Phật thủ 15g, đường cát trắng 30g.

Cách thực hiện: Hãm phật thủ với nước nóng, sau đó cho đường vào.

Lưu ý: Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn nguồn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, GS. Đỗ Tất Lợi cho biết, không dùng phật thủ cho những trường hợp mắc nhiệt, âm hư.

Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Quả phật thủ có ăn được không?" rồi phải không.

Thanh Thanh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn