Hôm 15/2, Nga cho biết các đơn vị quân đội của nước này đã bắt đầu quay trở lại căn cứ sau khi các cuộc tập trận chung quy mô lớn ở Belarus, gần biên giới với Ukraine kết thúc.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson cáo buộc Moskva đang gửi "thông điệp hỗn hợp" về hành vi của mình. Trích dẫn "thông tin tình báo", ông nói các hoạt động quân sự của Nga dường như đang chuẩn bị cho cuộc tấn công nhằm vào Ukraine.
“Các bệnh viện dã chiến của Nga đang được xây dựng gần biên giới với Ukraine ở Belarus. Điều đó chỉ có thể được hiểu là chuẩn bị cho một cuộc chiến", ông Boris Johnson nói, cho biết theo thông tin tình báo của London, thêm nhiều lực lượng vẫn được điều đến gần biên giới Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ “lạc quan thận trọng”, cho biết đã có “những dấu hiệu đến từ Moskva về việc sẵn sàng tiếp tục tham gia vào các nỗ lực ngoại giao”. Tuy nhiên, NATO muốn thấy “đợt rút lực lượng, binh lính và thiết bị hạng nặng” đáng kể và lâu dài của Nga khỏi biên giới Ukraine.
“Đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự giảm leo thang nào trên thực địa, chúng tôi cũng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc giảm sự hiện diện quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine”, ông Jens Stoltenberg nói.
Mỹ cũng có lập trường tương tự, Đại sứ của mỹ tại NATO Julianne Smith cho rằng cần phải “xác minh” về thông tin rút quân của Nga trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào.
“Nga tuyên bố họ đang tiến tới giảm leo thang. Chúng tôi đang theo dõi tình hình. Chúng tôi sẽ phải xác minh xem điều đó có đúng với thực tế hay không", Đại sứ Julianne Smith cho hay.
Một số hãng truyền thông cũng như một số nhà phân tích cũng bày tỏ nghi ngờ về việc rút quân, cáo buộc nhiều binh sĩ Nga đang hướng tới biên giới Ukraine hơn là di chuyển khỏi khu vực này.
Bình luận