• Zalo

Phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia CPTPP: DN cần làm gì để tự bảo vệ?

Thị trườngThứ Sáu, 25/11/2022 13:39:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tham dự tọa đàm do VTC News tổ chức chiều 25/11, các khách mời đã phân tích nguy cơ phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia CPTPP và những biện pháp khắc phục.

Theo các chuyên gia, phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp khi Việt Nam đang mở cửa và phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm đến từ các nước. Thậm chí phòng vệ thương mại đã trở thành xu hướng, chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải coi phòng vệ thương mại là một điều tất yếu của quá trình hội nhập. 

Phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia CPTPP: DN cần làm gì để tự bảo vệ? - 1

Từ trái qua phải: Bà Trang Thu Hà, Chánh Văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam; Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương; ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam và MC Huyền Phương.

Phòng vệ thương mại là tất yếu khi gia nhập CPTPP

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, CPTPP còn gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với 11 thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Trong số các thành viên này, chúng ta tiếp tục có quan hệ với một số đối tác trong các hiệp định thương mại tự do khác. Đồng thời có một số quốc gia chúng ta chưa có hiệp định thương mại tự do như Canada, Mexico… Hiệp định CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam nhưng cũng mang tới những thách thức, rủi ro về việc bị điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại. Hiện trong số các thành viên CPTPP, có nhiều quốc gia sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thường xuyên như Cannada, Mexico, Australia, Malaysia… 

"Thách thức ở đây là các tham gia CPTPP sẽ giúp hàng xuất khẩu của chúng ta tăng trưởng nhanh, mạnh nên kèm theo đó sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trên địa bàn sở tại, vì vậy họ sử dụng công cụ được WTO và CPTPP cho phép nhằm bảo vệ lợi ích doanh nghiệp nước họ. Công cụ đó là phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ", ông Trung phân tích.

Theo ông Trung, trong trường hợp gặp phải các cuộc điều tra như vậy, nếu ta không có cách xử lý phù hợp thì có thể dẫn đến hậu quả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp thuế phòng vệ thương mại cao, làm triệt tiêu lợi ích.

"Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp nhận thức được ngay từ đầu để có biện pháp chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, tận dụng cơ hội CPTPP mang lại, đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững sang các thị trường CPTPP", ông Trung nói và nhấn mạnh thêm: khi bị điều tra, các hiệp hội, doanh nghiệp cần bình tĩnh, ứng phó hiệu quả, để việc bị áp thuế cũng không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu.

Phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia CPTPP: DN cần làm gì để tự bảo vệ? - 2

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

Ông Trung nhận định, để xử lý hiệu quả việc điều tra phòng vệ thương mại có thể xảy ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CCPP, trước tiên doanh nghiệp phải nắm được nguyên tắc cơ bản của việc điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, qua đó doanh nghiệp mới biết được cần phải làm những gì. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đa dạng hóa sản phẩm để tránh lệ thuộc vào một sản phẩm của một thị trường nhất định, nhằm đảm bảo nếu rủi ro xảy ra chúng ta có thể có những hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau, phân tán bớt rủi ro.

Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cố gắng cạnh tranh chất lượng, không cạnh tranh giá, hạn chế thấp nhất rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại. Nếu chẳng may bị điều tra phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin, phối hợp với hiệp hội cơ quan quản lý nhà nước mà ở đây là Cục Phòng vệ thương mại để được cung cấp thông tin, cách thức xử lý; Duy trì hệ thống sổ sách chứng từ liên quan hoạt động giao dịch sản xuất, xuất khẩu, lưu trữ khoa học để phòng trường hợp xảy ra vụ việc điều tra chúng ta chứng mình bằng chứng từ với cơ quan điều tra; Tùy theo từng vụ việc doanh nghiệp cân nhắc sử dụng hỗ trợ tư vấn luật sư chuyên về phòng vệ thương mại, phối hợp đối tác xuất nhập khẩu.

"Tôi tin tưởng rằng với các biện pháp trên, trong trường hợp bị điều tra phòng vệ thương mại thì cũng chưa chắc dẫn đến kết quả bất lợi", ông Trung lạc quan nói.

Vì sao sản phẩm Việt Nam nguy cơ bị áp phòng vệ thương mại?

Trước ý kiến cho rằng chính việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam đã khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, bà Trang Thu Hà, Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong 10 năm trở lại đây, ngành thép Việt Nam cũng có những bước phát triển vượt bậc, với tăng trưởng bình quân 10%/năm. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với kim ngạch xuất khẩu hơn 12 tỷ USD, tính riêng 10 tháng 2022, thép xuất khẩu đạt hơn 7,3 triệu tấn với hơn 7,4 tỷ USD. 

Phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia CPTPP: DN cần làm gì để tự bảo vệ? - 3

Bà Trang Thu Hà, Chánh Văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam

Tuy nhiên, bà Hà cho rằng, việc sản phẩm thép bị điều tra phòng vệ thương mại xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, bao gồm nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan đó là chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng không chỉ với ngành thép mà với tất cả các ngành. Do thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất nội địa nên nhìn chung chính sách của đa số các nước đều cố gắng bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất thép trong nước để nâng cao giá trị gia tăng mà nền kinh tế tạo ra và có thêm việc làm cho người lao động. Vì thế, các nước đều có xu thế bảo hộ ngành thép của chính đất nước họ, từ đó dẫn đến số vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép đối với các nước gia tăng.

Ngoài ra, cùng với việc Việt Nam ký kết một loạt FTA song phương, đa phương, thế hệ mới và mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình.

Cuối cùng là xu hướng kiện chùm, kiện domino. Các nước thường có xu hướng kiện nhiều nước (các nước có thị phần xuất khẩu lớn vào nước điều tra hoặc các nước nghi ngờ có sự chuyển tải hàng hóa nhằm lẩn tránh thuế, hoặc các nước đặt trụ sở công ty mẹ-con). Việt Nam thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ… (là các nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới).

Về nguyên nhân chủ quan, sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam có giá thành tương đối cạnh tranh do nhiều nguyên nhân khác nhau như chi phí nhân công rẻ, các doanh nghiệp đang dần tự sản xuất nguyên liệu đầu vào thép cán nóng… đe dọa lợi nhuận của doanh nghiệp nước sở tại.

Việc tiếp cận về phương pháp phòng vệ thương mại cũng như kết nối thông tin của các doanh nghiệp thép với các doanh nghiệp của nước sở tại cũng như các chính sách chưa đầy đủ dẫn đến các vụ việc xung đột về thương mại. Mặc dù trong những năm trước đây sản phẩm thép đã bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam tiếp tục tăng, sản phẩm thép của Việt Nam tiếp tục tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau, làm gia tăng nguy cơ bị phòng vệ thương mại.

Mặc dù hiểu biết của Hiệp hội Thép, doanh nghiệp thép về phòng vệ thương mại đã được củng cố trong những năm qua tuy nhiên vẫn còn hạn chế về khả năng dự đoán, nắm bắt thông tin sớm. Việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại trong đó có mặt hàng thép là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh”, bà Hà nhận xét.

Bà Trang Thu Hà cũng nhận định, đối diện với nhiều vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường quốc tế, bên cạnh những khó khăn, doanh nghiệp thép cũng có những lợi thế riêng. Cụ thể, các doanh nghiệp đã dần chủ động khi đối diện với các sự việc như chuẩn bị sẵn nhân lực, cũng như hệ thống tài chính sổ sách kế toán, tiếp cận với các đối tác để tạo niềm tin và tích cực phối hợp cung cấp thông tin khi cơ quan điều tra của nước sở tại đề nghị. Ngoài ra, qua quá trình tham gia vụ việc, doanh nghiệp sẽ dần tiếp cận và chủ động tăng cường khả năng cạnh tranh, tiếp cận bạn hàng và mở rộng ra các thị trường mới.

Bà Hà phân tích thêm, phòng vệ thương mại đối với các quốc gia khác được sử dụng rất nhuần nhuyễn, nhưng Việt Nam mới chính thức sử dụng được 6 năm. Doanh nghiệp được tiếp cận và xử lý vụ việc mới diễn ra trong khoảng 10 năm trở lại đây. Do vậy, cái thiếu nhất của các doanh nghiệp thép là vấn đề này còn khá là mới. Với những doanh nghiệp lớn có tiềm lực, có cac phòng ban, nhân lực, tài chính để đầu tư vừa kéo nhiều thời gian vừa mất thời gian cho vụ việc không chỉ 3 đến 5 năm mà có thể kéo rất dài.

"Trong ngành thép của chúng ta hiện nay có một số doanh nghiệp lớn nhưng đa phần vẫn là các doanh nghiệp nhỏ. Do đó sự hiểu biết của những doanh nghiệp này để sắp sếp nhân lực để tham gia vào các vụ việc thì rất khó khăn và để tiếp cận đủ thông tin cũng như thời gian diễn ra vụ việc", bà Hà nói.

Phòng vệ thương mại khi Việt Nam tham gia CPTPP: DN cần làm gì để tự bảo vệ? - 4

Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam

Cũng chia sẻ về việc đối diện với phòng vệ thương mại, ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, cho biết, trước đây, ngành nhôm Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Từ những năm 2018 trở về trước, hiện tượng dư cung ở Trung Quốc đã đẩy một lượng lớn nhôm định hình nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng những năm gần đây, ngành nhôm đã bước đầu đã được doanh nghiệp sản xuất và làm chủ.

Tháng 9/2019, sau khi điều tra các bên liên quan thì Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp thuế chống bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%. Quyết định này đã giúp cho doanh nghiệp ngành Nhôm thoát được khủng hoảng, dần phục hồi, chiếm lĩnh lại thị trường trong nước, niềm tin của người tiêu dùng và đang tiến tới xuất khẩu. “Đây chính là biện pháp phòng vệ rất chính đáng từ hoạt động phòng vệ thương mại mà Hiệp hội Nhôm là một đơn vị trẻ cũng đã làm được để hỗ trợ các thành viên của mình. Điều này đã tạo tiền đề để chúng tôi phát triển từ 12 thành viên ban đầu lên gần 50 thành viên”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, chính những doanh nghiệp trong Hiệp hội Nhôm đã vực dậy được thị trường trong nước và bước đầu có những hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, mang ngoại tệ về cho đất nước.

Do đó, ông Dương Quốc Tuấn cho rằng, phòng vệ thương mại có ý nghĩa lớn đối với ngành nhôm trong thời gian qua.

Trả lời câu hỏi vì sao hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp bị điều tra phòng vệ thương mại, ông Tuấn lý giải, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, phòng vệ thương mại là công cụ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm. “Vai trò của Hiệp hội là đứng ra kết nối các doanh nghiệp vướng phải những vụ kiện về phá giá và phòng vệ thương mại. Chúng tôi sẽ tập hợp thông tin và tư vấn hướng dẫn. Đồng thời chúng tôi làm việc với các cơ quan chuyên môn và các đơn vị về luật nếu có, giúp cho các doanh nghiệp làm việc tập chung hơn, đúng quy trình, đúng chuẩn mực quốc tế về khởi kiện cũng như để phòng vệ chính đáng”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp trong hiệp hội Nhôm không chỉ được hưởng lợi từ quyết định chống bán phá giá nhôm, mà liên tục phải đối mặt với các doanh nghiệp nước ngoài thường gặp phải đó là các tình huống liên quan đến trốn xuất xứ hoặc né tránh về nguồn gốc. Do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Mỹ đã đánh thuế rất cao các mặt hàng nhôm nhập từ Trung Quốc dẫn đến một số doanh nghiệp lợi dụng đưa hàng hóa sang dựa vào nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh. Điều này khiến doanh nghiệp trong nước bị "vạ lây".

Trong vài năm qua, Hiệp hội Nhôm đã nhận được đơn khởi kiện từ Mỹ, Ai Cập và Australia... Chúng tôi đang phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hiệp hội xử lý các vấn đề liên quan để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho xuất xứ và hàng hóa của chúng ta khi xuất khẩu đến các thị trường đó”, ông Tuấn cho biết.

Tọa đàm "Hạn chế và rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi xuất sang thị trường các nước thành viên CPTPP" do VTC News phối hợp Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) có sự tham dự của các khách mời: Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương; ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam và bà Trang Thu Hà, Chánh Văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam.

Tọa đàm xoay quanh những hạn chế và rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP và giải pháp tránh rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại.

Tọa đàm cũng là dịp để các cơ quan quản lý tiếp cận và thu nhận những thông tin đa chiều, làm cơ sở xây dựng kế hoạch hành động phù hợp và hiệu quả nhằm sử dụng hiệu quả chính sách phòng vệ thương mại khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhóm PV(Ảnh: Đắc Huy)
Bình luận
vtcnews.vn