• Zalo

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước: Giá kit test COVID-19 có nơi tới 1 triệu đồng/bộ

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 01/07/2022 21:02:41 +07:00 Google News

Phó Tổng KTNN cho rằng trong quá trình mua sắm thiết bị để phòng chống dịch có một số sai phạm song sai phạm cá nhân thì cá nhân phải chịu trách nhiệm.

Vì sao kít test nơi 300.000 đồng, nơi 1 triệu?

Liên quan đến Kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19”, tại cuộc họp báo ngày 1/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra rằng, giai đoạn 2020-2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit test xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất.

Trong đó, riêng về kít test, một số đơn vị mua kit test từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giá trị 2.161,6 tỷ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối). 

Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy có lô kit test PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng; việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát… chưa đầy đủ; kit test viện trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy.

Một số đơn vị chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng kit test, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm.

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước: Giá kit test COVID-19 có nơi tới 1 triệu đồng/bộ - 1

Giá kit test có nhiều chênh lệch, từ 300.000 đồng đến cả triệu đồng (Ảnh minh họa)

Thậm chí, có đơn vị, địa phương mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả… hoặc thiếu thông tin chi tiết chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận lên tới gần 1.062 triệu đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị. 

Do đó, ngày 8/4/2022 và ngày 27/4/2022, KTNN đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, KTNN cho rằng, việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật xét nghiệm SARS-cov2 chưa đầy đủ, phù hợp hoặc thiếu nhất quán; Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn về lấy mẫu gộp với test nhanh vi rút SARS-CoV-2 phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình mới mà các địa phương đang thực hiện nhằm tiết kiệm chi phí; nhiều địa phương chưa xây dựng giá dịch vụ xét nghiệm SAR-COV-2 hoặc ban hành không đúng thẩm quyền, quy định của Bộ Y tế, dẫn tới chưa có cơ sở xác định giá…

Chính vì thế, dẫn tới sự việc đơn giá mua bán kít test dao động rất lớn, từ 300.000 đồng tới cao nhất hơn 1 triệu đồng/kit test PCR. Về vấn đề này, ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng KTNN cho biết kết luận KTNN đã chỉ ra, chi tiết sai phạm cơ quan chức năng xử lý. 

Ông Họa nói thêm, trong thời gian dịch bùng phát dịch, Quốc hội, Chính phủ đã có rất nhiều chỉ thị yêu cầu tập trung phòng chống dịch, các Nghị quyết 30, 37, 16,... hướng dẫn về phương pháp phòng chống dịch và cơ chế chính sách, nhất là Nghị quyết 30 ban hành cơ chế đặc thù trong phòng chống dịch, như mua sắm đấu thầu.

Các địa phương đã tập trung mua sắm để chống dịch có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số cá nhân, tổ chức sai phạm. Theo ông Họa, sai phạm cá nhân chỉ mang tính chất cá nhân, còn chủ trương thực hiện hầu hết các địa phương đều triển khai tốt.

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước: Giá kit test COVID-19 có nơi tới 1 triệu đồng/bộ - 2

Họp báo Công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021 của KTNN

Có khoảng trống dẫn đến chi không đúng, chi trùng 

Trong tổng số kiến nghị xử lý tài chính 3.431 tỷ đồng, KTNN kiến nghị nộp về quỹ vắc-xin phòng chống dịch Covid chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 2.153 tỷ đồng.

Chia sẻ cụ thể về những khoản phải nộp, ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng KTNN, cho rằng, theo quy định của pháp luật, trong thời gian phòng chống dịch, đối với khoản ủng hộ ghi rõ là cho vaccine sẽ nộp về quỹ vaccine, còn khoản không ghi rõ thì có thời điểm quy định là 50/50, tức 50% để lại, 50% chuyển về quỹ vaccine. Sau đó, Ủy ban MTTQ và Chính phủ thống nhất thay đổi tỷ lệ này thành 80/20, tức 80% nộp về TƯ (quỹ vắc-xin), còn 20% chuyển về các địa phương. 

Qua tính toán, KTNN ghi nhận còn khoảng 20 tỷ đồng mà các địa phương chưa thực hiện. Điều này, theo ông Họa, là không có sai phạm gì vì trong trong thời điểm chống dịch, hầu như các địa phương không còn nguồn. Khi KTNN rà soát, đã yêu cầu các địa phương yêu cầu nộp về TƯ.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, trong giai đoạn chống dịch, văn bản của TƯ, Bộ Y tế ban hành về địa phương còn chậm, trong khi nhu cầu xét nghiệm rất lớn, mà giá thì Bộ Y tế không thể ban hành liên tục được. Đo dó, có thời điểm khoảng trống nên họ có thu vượt một số nhưng không cố ý làm trái. Vì thế có chuyện giá kít test có thời điểm lên tới 800.000 hoặc 1 triệu đồng, nhưng cũng chỉ mất 1-2 ngày chứ không có chủ ý gì.

Ngoài ra, về việc chi không đúng, chi trùng, ông Họa cho hay, Nghị quyết 16 ban hành danh mục những người được hỗ trợ khi tham gia phòng chống dịch như y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu công an, quân đội,... còn một số đối tượng khác không nằm trong danh mục trên được phép chi, nhưng sử dụng từ nguồn thu viện trợ, tài trợ; nhiều địa phương không có nguồn viện trợ, tài trợ nên được sử dụng từ nguồn ngân sách.

Do đó, KTNN kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ những đối tượng không nằm trong danh mục tại Nghị quyết 16, như những người tham gia truy vết, tổ chức cách ly, tổ y tế cộng đồng.

Liên quan đến thủ tục thanh quyết toán, mặc dù đã có Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 12 của UB TVQH cho phép thanh quyết toán, Chính phủ cũng có 2 nghị quyết 37 (2020) và Nghị quyết 16 (2021) nhưng ông Họa cho hay thông tư hướng dẫn rất chậm, đến tận tháng 4/2022 mới có. Khi đó, cơ bản dịch đã được kiểm soát nên các khoản chi không còn phù hợp, ngoài ra còn rất nhiều đối tượng chưa được hỗ trợ.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn